Cân đo tiềm lực tài chính mới huy động

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, TS. VŨ ĐÌNH ÁNH, chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính, nhận định việc huy động các nguồn lực vốn cho hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 về thực chất là giải bài toán cân đối tài chính, trong đó việc xác định quy mô gói hỗ trợ bao nhiêu sẽ xác định được kênh huy động nào phù hợp.

Cân đo tiềm lực tài chính mới huy động
PHÓNG VIÊN: - Tại kỳ họp vừa qua Quốc hội đã thống nhất ý kiến về việc cần có những gói hỗ trợ kinh tế đủ mạnh để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, huy động nguồn lực từ đâu cho gói hỗ trợ đang là vấn đề được quan tâm lúc này. Ý kiến của ông như thế nào?
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH: - Gói 800.000 tỷ đồng Bộ KH-ĐT đề xuất chưa được đưa ra và cũng chưa được quyết định, do đó tạm thời chưa bàn đến gói này. Thay vào đó, chúng ta bàn đến gói hỗ trợ kinh tế nếu được thông qua trong thời gian tới sẽ như thế nào.
Theo tôi, có mấy vấn đề chính cần lưu ý khi đề cập đến huy động nguồn lực cho các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Thứ nhất, khi đề cập đến huy động nguồn lực chúng ta xuất phát từ khả năng thu xếp nguồn lực, hay xuất phát từ nhu cầu phục hồi nền kinh tế để ra quy mô gói hỗ trợ kinh tế.
Trả lời được vấn đề trên sẽ giải quyết được khâu tiếp theo. Hiện nay, giả sử xuất phát từ quy mô gói 800.000 tỷ đồng như Bộ KH-ĐT đề xuất, sẽ truy ngược lại gói này sẽ huy động từ đâu và bao nhiêu. Còn nếu xuất phát từ tư duy “lựa cơm gắp mắm” sẽ là câu chuyện huy động nguồn lực từ đâu, được khoảng bao nhiêu, để dành cho gói hỗ trợ và các phần việc khác. 
Đây là câu chuyện cân đo tiềm lực tài chính, trong đó phần nào cần cho gói hỗ trợ, phần nào chi cho việc khác. Về cơ bản đây cũng là từng phần việc trong kế hoạch tổng thể chung là phục hồi kinh tế như Bộ KH-ĐT đã trình ra Quốc hội vừa qua. Giả sử hiện nay nguồn lực sẽ huy động qua kênh vay nợ nước ngoài là chính, nên cần xem xét dư địa vay nợ nước ngoài  bao nhiêu.
Đây là bài toán về tài chính nên cần tính toán cụ thể và tỉ mỉ để xác định nên xuất phát từ đâu. Thí dụ, nợ nước ngoài là khoảng 40%, Quốc hội cho phép khung tối đa 50% chẳng hạn. Vậy còn dư địa khoảng 10% GDP nữa, tương đương 900.000 tỷ đồng. Vì theo cách tính mới năm 2021 GDP của Việt Nam xấp xỉ 9 triệu tỷ đồng. Như vậy, về lý thuyết vay nợ không vấn đề gì.
- Ngoài việc huy động từ kênh vay nợ, cũng có ý kiến cho rằng nên huy động nguồn vốn từ nội lực?
- Huy động từ nội lực có nhiều kênh, trong đó có huy động việc cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Thực tế nhiều năm qua cho thấy, CPH DNNN luôn có kết quả thu về số vốn nhiều hơn so với dự tính ban đầu, thậm chí cao hơn rất nhiều. Mấu chốt hiện nay đang vướng là tiến độ CPH DNNN khá chậm.
Song, những vướng mắc ở đây chủ yếu do chính sách. Nếu Chính phủ quyết tâm “gỡ rối” chính sách để CPH DNNN, mạnh dạn bán cổ phần, chắc chắn thực hiện được.
Ước tính vốn của Nhà nước trong các DNNN hiện còn hơn 1 triệu tỷ đồng. Như vậy khi tính toán thoái vốn trong tỷ lệ bao nhiêu đủ cho quy mô gói phục hồi kinh tế có thể thực hiện được. Nói tóm lại, đây là bài toán cân đối tài chính. 
Cân đo tiềm lực tài chính mới huy động ảnh 1
- Ông đánh giá thế nào về kênh phát hành trái phiếu chính phủ?
- Phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) tức đi vay trong nước. Như vậy vẫn là câu chuyện như đã nói ở trên, nghĩa là phải xác định trong giới hạn vay nợ sẽ bao nhiêu.
Các khoản đó sẽ gồm có nợ công, chỉ tiêu vay nợ của Chính phủ và chỉ tiêu vay nợ nước ngoài. Hiện nay, việc cân đối lại dư địa các khoản vay nợ nói trên còn lại bao nhiêu, từ đó mới xác định có nên lựa chọn kênh huy động vay nợ trong nước hay không.
Nếu vay nợ nước ngoài tỷ suất cao hay liên quan đến vấn đề biến động tỷ giá, có thể xem xét đến vay nợ trong nước, còn nếu như lãi suất thấp hơn nên vay nợ nước ngoài.
Thêm vào đó, khi vay nợ trong nước cần phải xem khả năng huy động lấy từ nguồn nào ra. Cụ thể xem thực trạng các định chế tài chính, tổ chức, nhà đầu tư hay mua TPCP đến mức nào, tức đánh giá khả năng vay nợ, nghĩa vụ trả nợ cũng như các chỉ tiêu an toàn nợ đối với nền kinh tế.
Quan điểm của tôi cho rằng việc xây dựng các gói hỗ trợ và phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19 nên được gộp chung vào với kế hoạch phục hồi kinh tế trong trung hạn sẽ hợp lý hơn. Bởi mục đích cuối cùng vẫn là nhắm đến sao cho nền kinh tế phục hồi và ổn định vĩ mô ở mục tiêu lâu dài, thay vì tư duy theo các gói hỗ trợ ngắn hạn.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác