Bão dịch chưa qua, lốc xoáy giá cả đã tới

(ĐTTCO) - Tháng 11, sản xuất trở lại nhịp bình thường mới, một số mũi chủ công đã tăng tốc. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bão dịch chưa qua, lốc xoáy giá cả đã tới
Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. 
Hàng hóa được bảo đảm, thị trường không có biến động bất thường. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 10 đạt 357.924 tỷ đồng, tăng 18,15% so với tháng trước.
Mức tăng cao chủ yếu tập trung nhóm dịch vụ với mức tăng 39,5-299%. Ngoài ra, mức bán lẻ các nhóm như may mặc, phương tiện vận tải cũng phục hồi sau khi các địa phương giảm giãn cách xã hội (tăng 23-25%), các nhóm còn lại tăng 8-14%.
Hà Nội đã lên phương án chuẩn bị hàng hóa Tết tổng giá trị khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương mức phục vụ Tết năm 2021. TPHCM vừa tích cực khắc phục hậu quả vừa linh hoạt có phương án.
Các địa phương khác vừa phục vụ địa bàn vừa liên kết với các đô thị lớn trong “chiến dịch” này, đảm bảo cả nước có hàng hóa, dịch vụ phong phú, chất lượng, giá cả ổn định, sẵn sàng đối phó với những diễn biến trái chiều, tạo không khí an vui, rộn ràng chào đón xuân sang.  
Tuy vậy, ngay tháng 10 đã xuất hiện những vật cản. Đầu tiên là giá thịt lợn “ngang ngược”. Chì chiết vậy không phải vì giá thịt lợn vừa qua quá chát, nó chưa bằng đỉnh trận sốt giá thịt lợn năm 2020, nhưng vô lý đùng đùng.
Giá thịt lợn hơi vừa qua rất rẻ ở mức dưới 30.000 đồng/kg (loại 2) và 35.000-40.000 đồng/kg (loại 1), nhưng người tiêu dùng cả nước lại phải mua với giá cao gấp 5-6 lần. Giá cao nhưng người nuôi méo mặt, đổ tại các tay dao tay thớt ở các phản thịt ăn “dày” rồi quay sang đổ cho thịt lợn nhập khẩu.
Cuối tháng 10, khi  giá thịt lợn tạm lắng, giá rau lại tăng đột biến. Giá rau xanh tại các chợ dân sinh ở Hà Nội tăng chóng mặt, nhất là tuần lễ trở lại đây. Giá rau đắt đỏ khi giá thịt lợn đang giảm, nhiều bà nội trợ kêu trời tiền rau tốn hơn tiền thịt, phải tốn gấp 3-4 lần mới đủ. Lại đổ tại mưa sụt sùi, tại con covid…
Tiếp đến là giá xăng dầu leo dốc thần tốc. Từ  14 giờ ngày 26-10, sớm hơn 1 tiếng đồng hồ so với thời điểm Liên bộ Công Thương - Tài chính công bố bảng điều chỉnh giá xăng dầu mới và được cho do thị trường nhiên liệu thế giới “lên cơn sốt”, đã gây sức ép giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng hơn 1.460 đồng/lít, cao nhất trong 7 năm.
Từ đầu tháng 9 đến nay, đây là đợt tăng liên tục lần thứ tư. Hiện 1 lít xăng dầu bán ra phải gánh 4 loại thuế, gồm giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (3.800-4.000 đồng/lít). Mỗi lít xăng hiện đang gánh khoảng 64% thuế phí… 
Giá thịt lợn và rau đỏng đảnh là chuyện không mới, là bệnh mãn tính của nền nông nghiệp sản xuất mù mờ, từ nuôi trồng, tiêu dùng đến trung tâm phân phối. Người nông dân mù mờ về nhu cầu thị trường, tiêu thụ, sản lượng, quy chuẩn chất lượng. Việc nuôi trồng thường dựa trên thông tin loáng thoáng, truyền tai nhau.
Người kinh doanh nông sản mù mờ về nơi sản xuất, khiến việc kết nối tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Người tiêu dùng mù mờ về nguồn gốc xuất xứ, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các doanh nghiệp tiêu thụ mù mờ về sản lượng cho đến thời điểm thu hoạch.
Còn cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp cũng mù mờ về thông tin mùa vụ, về nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Nhiều điểm mù mờ gặp nhau nên rất khó dự báo. 
Còn giá xăng dầu trong nước tăng do cơn sốt nhiên liệu thế giới. Nhưng vào ta, xăng dầu còn phải cõng thêm các khoản thuế phí, nên việc kiềm chế tăng giá xăng dầu khó hơn việc lên trời.
Việc giá xăng dầu tăng mạnh và liên tục đang gây áp lực quá lớn lên đà phục hồi kinh tế, không những gây sốc cho doanh nghiệp mà ngay chính nhà quản lý cũng bị sức ép lớn. Với những tình huống viện dẫn trên, giả sử dịch bệnh bùng phát trở lại, việc có những đợt sóng tăng giá mới trong những ngày tháng tới, không có gì lạ.  

Các tin khác