Áp lực thu ngân sách 2022

(ĐTTCO) - Nhìn vào “bề nổi” con số thu ngân sách nhà nước (NSNN) 11 tháng năm 2021 cán đích sớm và vượt dự toán cả năm (1.180.000 tỷ đồng), với 105,1% so dự toán pháp lệnh và bằng 107,5% so cùng kỳ năm 2020 tưởng là tin vui, nhưng khi phân tích trong “tảng băng chìm” có ý kiến cho rằng đó là sự “lệnh pha” khi nền kinh tế đang trong đại dịch kéo dài cả năm.
Áp lực thu ngân sách 2022
Thực ra đó là nhờ các khoản thu đột biến, thu từ đất, thu từ vật giá leo thang… còn xét về cơ cấu nguồn thu NSNN đang thiếu ổn định và có dấu hiệu bất ổn từ năm 2022.
Theo Bộ Tài chính, bên cạnh các nguồn thu cơ bản, năm 2021 cũng có những khoản thu phát sinh: NSNN đã thu tăng lên hơn 7.200 tỷ đồng từ phát sinh của năm 2020 trở về trước, gồm truy thu thuế nhà thầu của Formosa 2.257 tỷ đồng, xử lý thu chênh lệch giá khí trong bao tiêu sản phẩm 2.457 tỷ đồng, thu NS đối với các khoản khác 2.500 tỷ đồng.
Cùng với đó là phát sinh đột biến với khoản thu 2.997 tỷ đồng từ tiền thuê đất ở Hà Nội của Đại sứ quán Mỹ; thuế từ mua bán bất động sản, thuế từ chứng khoán, thuế từ lợi nhuận ngân hàng… 
Về cơ bản, việc hoàn thành dự toán thu thuế năm 2021 như vậy có mặt tích cực, tạo ra nguồn lực cho NSNN để Chính phủ dùng cho phục hồi kinh tế, cũng như thực hiện các gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, có điều băn khoăn là khi nhìn vào cơ cấu nguồn thu sẽ thấy thiếu bền vững trên cả 2 phương diện. 
Thứ nhất, năm nay có nhiều khoản thu thuế đột biến từ thuê đất đai, mua bán bất động sản, thuế chứng khoán, ngân hàng… là những nguồn thu ngắn hạn trước mắt, còn về lâu dài không có.
Thứ hai, năm 2022 Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện miễn, giảm, hoãn, giãn thuế nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, như vậy nguồn thu NSNN sẽ giảm tương đối lớn so với 2021.
Như vậy có thể dễ nhìn ra tình hình trong năm 2022 việc thu NSNN sẽ khó khăn hơn năm 2021, trừ khi các chính sách hỗ trợ kinh tế thực sự hiệu quả, nền kinh tế bắt đầu phục hồi và đạt kết quả ấn tượng từ khoảng quý III-2022, nhưng điều này rất khó xảy ra. 
Một vấn đề cũng cần lưu ý, việc thu NSNN vượt dự toán có phần từ thu thuế tăng do nương theo giá cả một số loại hàng hóa quan trọng trên thị trường đang tăng, chính điều này đã làm lo ngại dễ gây ra lạm phát mà một số chuyên gia cảnh báo.
Tuy nhiên, vấn đề lo ngại lạm phát xảy ra chưa phải thời điểm này bởi 4 nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, cầu trên thị trường còn yếu. Điều này xuất phát do nguyên nhân dịch bệnh, vấn đề việc làm và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên việc tiêu dùng cũng bị thắt chặt.
Thứ hai, vòng quay của dòng tiền còn chậm. Nguyên nhân do dịch bệnh cùng với các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến sản xuất bị tạm thời ngưng trệ trong một thời gian dài, khiến dòng tiền không được bơm vào sản xuất.
Thứ ba, một số mặt hàng chủ yếu vẫn được Nhà nước kiểm soát và năm 2022 không cho tăng giá, thậm chí ngay cả lương cơ bản cũng không tăng trong năm nay.
Thứ  tư, giá bán hàng hóa trên thị trường - tức đầu ra của doanh nghiệp sản xuất, vẫn chưa thể tăng tương ứng với giá đầu vào do cầu còn yếu. Có nghĩa sản phẩm hàng hóa đầu vào cho sản xuất tăng 10 đồng, đầu ra mới tăng 3-4 đồng, nghĩa là thực tế hiện nay doanh nghiệp đang chấp nhận lợi nhuận suy giảm. 
Tóm lại, những áp lực về thu NSNN năm 2022 chủ yếu đến từ khả năng phục hồi của nền kinh tế, đó là phục hồi nhanh hay chậm. Thêm vào đó, năm 2022 Chính phủ cũng tập trung nhiều vào chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp, như  tiếp tục giảm thuế VAT, giảm phí bảo hiểm xã hội, thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế, phí trước bạ ô tô trong nước… Và điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN nói chung. 

Các tin khác