Áp lực lạm phát đang gia tăng

(ĐTTCO) - Ngày càng rõ nét của “cộng hưởng” lạm phát: lạm phát chi phí đẩy đi đôi với nhập khẩu lạm phát lẫn lạm phát do cầu kéo và manh nha lạm phát tiền tệ. 
Giá dầu liên tục tăng là một trong những nguyên nhân tạo ra lạm phát chi phí đẩy cùng nhập khẩu lạm phát.
Giá dầu liên tục tăng là một trong những nguyên nhân tạo ra lạm phát chi phí đẩy cùng nhập khẩu lạm phát.
Lạm phát nhập khẩu khó tránh
GS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cùng một số chuyên gia cho rằng dù tăng trưởng đang ở mức rất thấp, nhưng với đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ cộng với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện hiệu quả, cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng vẫn có. Nhưng bài toán khó nhất hiện nay là kiểm soát lạm phát, cho dù đến nay lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
Lạm phát đã và đang đe dọa rất nhiều nền kinh tế thế giới. Sức ép lạm phát tiếp tục tăng và kéo dài trong năm 2022 bởi giá năng lượng, lương thực, thực phẩm tăng cao; tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài... có thể đẩy giá cả tăng cao. 
“Vậy bài toán kiểm soát lạm phát và thúc đẩy sự kinh tế hồi phục cần được giải như thế nào? Nền kinh tế đang cần tăng trưởng, thì chính sách nên mở ở mức nào để tổng cầu tăng lên trong ngắn hạn, đưa nền kinh tế dần trở về trạng thái tiềm năng nhưng không gây lạm phát cao trong trung - dài hạn. Đây là vấn đề đang được quan tâm. Bởi áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 rất lớn. Đặc biệt nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài” - GS. Phạm Hồng Chương lưu ý và cho rằng nếu không cẩn trọng với nhập khẩu lạm phát, lạm phát rất khó giữ ở mức dưới 4% như mục tiêu đặt ra. 
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cũng nhận định, đã xuất hiện những dấu hiệu ngày càng rõ nét của “cộng hưởng” lạm phát, cả lạm phát chi phí đẩy đi đôi với nhập khẩu lạm phát lẫn lạm phát do cầu kéo và manh nha lạm phát tiền tệ.
Theo TS. Ánh, thứ nhất, tuy lạm phát những tháng đầu năm chưa phải là lạm phát tiền tệ do chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá hối đoái và tín dụng vẫn vận động theo hướng bảo vệ giá trị VNĐ, đi đôi với kiểm soát cung tiền, song đã xuất hiện một số dấu hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Thứ hai, diễn biến những tháng qua cũng chưa phải là lạm phát cầu kéo, song nếu tổng tiêu dùng trong nước tăng mạnh trở lại đi kèm với nới lỏng chính sách tài khóa, đặc biệt nới lỏng chi ngân sách, sự “cộng hưởng” có thể tạo ra áp lực lớn cho mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm dưới 4%. 
Đưa ra dự báo lạm phát năm 2022 vào khoảng 4-4,5%, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, cho rằng áp lực lạm phát từ chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh. Bởi nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khi sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu, chiếm tới 37% tổng chi phí nguyên vật liệu. Tỷ lệ này ở ngành chế biến chế tạo gần 51%. Khi giá nguyên vật liệu tăng 1%, giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao gây áp lực lạm phát và tạo mặt bằng giá mới cao hơn của nền kinh tế. 

Năm 2022  lạm phát chỉ ở mức 2,5-3%
Nếu lạm phát tăng cao có thể khiến các chính sách phải thắt chặt hơn và làm giảm tác động của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021, đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế sẽ làm tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023. 
Ông Lâm cho rằng, với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như dự báo năm 2023 lạm phát thế giới vẫn ở mức cao, lạm phát năm 2023 của Việt Nam khoảng 5-5,5%, cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4% - đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong kiểm soát lạm phát cả thời kỳ kế hoạch 5 năm. Do vậy để kiểm soát tốt lạm phát cần thực hiện hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho vay dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Nên chăng độ lỏng của chính sách tiền tệ cần giảm, việc nâng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát cũng cần xem xét đến. 
Do vậy, ở góc nhìn khác, TS, Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho rằng với tổng cầu vẫn thấp hơn so tiềm năng, đà tăng của giá cả trong giai đoạn từ nay đến cuối năm sẽ bị hạn chế rất nhiều và lạm phát cơ bản trung bình trong năm 2022 có thể chỉ xoay quanh mức 1%. Trong khi đó, xu hướng giá dầu tăng chỉ mang tính ngắn hạn.
“Vì vậy chưa cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhiệm vụ trọng tâm của chính sách tiền tệ trong điều kiện hiện nay là tập trung quản lý tổng cầu để hỗ trợ tăng trưởng. Chỉ khi nền kinh tế đạt được mức sản lượng tiềm năng, việc thắt chặt tiền tệ mới nên được xem xét” - ông Độ nói và dự báo năm 2022 lạm phát chỉ ở mức 2,5-3%. 
 Các nhận định và dự báo về lạm phát
- Bộ Kế hoạch - Đầu tư: Giá dầu 100USD/thùng sẽ tác động tiêu cực đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 và 2023, làm lạm phát tăng thêm 0,5 điểm phần trăm/năm, xuất khẩu giảm lần lượt 0,57 và 1,1 điểm phần trăm. 
- Nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Giá dầu thế giới tăng như từ đầu năm đến nay sẽ ảnh hưởng tức thời đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,5-0,6%, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 2,2-2,34% và ở chu kỳ sản xuất tiếp theo. 
- Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): Giá dầu bình quân năm 2022 ở mức 80USD/thùng, lạm phát năm 2022 có thể đạt mức 4,5%. Tuy nhiên nếu giá dầu duy trì trên ngưỡng 100USD/thùng lạm phát có thể tăng lên mức 5,1%.
- Quỹ Tiền tệ quốc tế: Lạm phát năm 2022 của Việt Nam tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% 
- Ngân hàng Standard Chartered: Lạm phát năm 2022 của Việt Nam vượt mục tiêu 4% và có thể lên 5,5% trong năm 2023.

Các tin khác