6 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

(ĐTTCO) - Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, tỷ lệ DN tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp, do thủ tục còn phức tạp. Đặc biệt,  DN kiến nghị nhiều nhất là hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn và kế hoạch mở cửa của các tỉnh, để chủ động phương án sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN ổn định sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN ổn định sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. Ảnh: VGP

Chia sẻ tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) năm 2021, diễn ra sáng nay 26-9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN trong bối cảnh đại dịch hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 6 giải pháp. 

Giải pháp đầu tiên là các bộ, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 105, để phát huy đồng bộ nguồn lực của Nhà nước và DN. Bộ đề nghị khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, thủ tục, tạo thuận lợi cho  DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Thứ hai, kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tạo điều kiện cho các DN tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất, trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Trong đó, phải hướng dẫn cụ thể điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới, để các tỉnh và DN áp dụng đúng theo tình hình thực tế.

Giải pháp thứ ba là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, rà soát khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư.

Thứ tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Trong chương trình này có các giải pháp hỗ trợ khu vực DN phục hồi.

Kiến nghị thứ năm Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra liên quan đến nhiệm vụ của các địa phương.

Theo đó, mỗi địa phương cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa trong tình hình mới. Thống nhất với DN phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương để hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy.

Cùng với đó, các tỉnh phải nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, tăng cường đối thoại giữa DN và chính quyền.

Nội dung thứ 6 là trách nhiệm của cộng đồng DN và hiệp hội. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, càng khó khăn thì các DN và hiệp hội càng phải nêu cao tinh thần đoàn kết, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác chia sẻ; chủ động đổi mới mô hình sản xuất cũng như tái cấu trúc DN, đóng góp sáng kiến cho Chương trình phục hồi kinh tế.

 Hiệp hội cũng cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực mình và kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho DN hội viên; tăng cường tính liên kết và hợp tác cùng phát triển.

Nghị quyết số 105 Chính phủ ban hành ngày 9-9-2021, về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo Báo cáo khảo sát của VCCI về Nghị quyết 105, khoảng 91,5% DN được khảo sát đã biết đến Nghị quyết 105. Có 81% DN cho biết chính sách tại NQ 105 là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết là phù hợp và 81,4% cho biết các nhiệm vụ giải pháp sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN, hợp tác xã hiệu quả.

Tuy nhiên, cộng đồng DN cho biết còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN. Việc triển khai của một số chính sách còn cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.

Cùng với đó, tỷ lệ DN tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp.

Đặc biệt, vấn đề các DN tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để DN có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.

Các tin khác