4 năm ban hành 4 nghị định về trái phiếu doanh nghiệp có bất ổn?

(ĐTTCO) - Nghị định 65/2022 (NĐ65) về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chính thức có hiệu lực từ ngày 16-9 vừa qua. Xung quanh NĐ65 này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật ANVI, thành viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đã có những bình luận khi trao đổi với ĐTTC về những quy định mới trong NĐ này. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về những quy định mới trong NĐ65 vừa được CP ban hành để thay thế cho Nghị định 153 về quản lý thị trường TPDN?
LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC: - NĐ65 sửa đổi Nghị định 153 được cho là để chấn chỉnh những “lùm xùm” của thị trường TPDN trong thời gian gần đây. Nhưng chúng ta cần phải nhận thấy rằng, trong môi trường kinh doanh cũng như môi trường pháp lý của Việt Nam hiện nay, việc ít nhiều còn bất ổn, rủi ro ở các kênh đầu tư như TPDN là điều hoàn toàn bình thường và cần phải chấp nhận. 
Bởi Việt Nam chưa phải là thị trường tài chính hoàn hảo, chúng ta mới đang là thị trường đang phát triển, mới nổi, thậm chí còn đang chập chững trên con đường tiệm cận với các thông lệ tài chính quốc tế. Nên mục tiêu cao nhất đặt ra ở đây là phải chấp nhận thực tế đó mới có thể định hình và xây dựng nên một khung pháp lý sao cho phù hợp, trong đó có sự cân đối hài hòa với cả hai phía: cả phía cơ quan quản lý lẫn các chủ thể tham gia thị trường (DN phát hành, bên trung gian, nhà đầu tư). 
Một thực tế nữa hiện nay chúng ta cần phải nhận thức rõ, đó là thị trường vốn hiện nay đang hạn hẹp, ngân hàng đang phải co lại (do yêu cầu tất yếu của chính sách tiền tệ thắt chặt), và như vậy đòi hỏi thị trường tài chính không mở ra được thì cũng không nên thắt lại để bù đắp vào sự thiếu hụt đó, chứ không phải tiếp tục siết chặt thị trường tài chính. 
Tôi cho rằng, NĐ65 thay thế cho Nghị định 153, dù có bổ sung thêm một vài quy định được được cho là mới, song xét về tổng thể có vẻ chỉ chú ý đến yếu tố quản lý, đó là thiên về siết lại mà chưa tính đến sự cân đối hài hòa với các chủ thể tham gia thị trường tài chính. 
Ngược về thời gian, có thể kể ra một dẫn chứng về TPDN. Đó là vụ án Bầu Kiên (doanh nhân Nguyễn Đức Kiên) là một ví dụ điển hình, khi lúc đó chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về phát hành TPDN. Nên khi ấy mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2005 cho phép, nhưng khi “truy tội” bầu Kiên ở tòa tìm mỏi mắt cũng không thấy điều khoản nào trong Nghị định 52/2006/NĐ-CP về phát hành TP “cho phép” công ty TNHH được phát hành trái phiếu.
Như vậy, cái “sai” của doanh nhân Nguyễn Đức Kiên đó là đã làm “những điều pháp luật không cấm” (!) Nói vậy để thấy chỉ hơn chục năm trở về trước, hành lang pháp lý thiếu sót rất trầm trọng, gần như là số 0 về TPDN, nhất là các công ty TNHH. 
Đến nay chúng ta đã có những quy định cụ thể về vấn đề này. Nhưng hiện nay cá nhân không đăng ký kinh doanh vẫn thoải mái đầu tư kinh doanh trong rất nhiều lĩnh vực với rất nhiều rủi ro chưa hề có quy định của pháp luật (như tiền ảo, sàn ngoại hối quốc tế, cho vay ngang hàng…), hay kinh doanh bất động sản, cho vay mua cổ phần, nhưng không được mua trái phiếu riêng lẻ (trừ là nhà đầu tư chuyên nghiệp) là một quy định “quốc tế hóa” có phần hơi kỳ lạ, không đồng bộ với tổng thể chung.
Kỳ lạ hơn nữa là chúng ta lại thiên về “cấm”, không những cấm bán mà còn cấm cả việc chào bán cổ phần và trái phiếu rộng rãi ra công chúng, trong khi đáng lẽ ra cần phải làm ngược lại. 
Cũng cần nói thêm, chỉ tính riêng trong vòng 4 năm qua (tính từ năm 2018 đến nay), tính cả lần ban hành NĐ65 này là chúng ta đã có tới 4 nghị định về TPDN (bình quân cứ 1 năm 1 nghị định). Điều này nói lên cái gì? Phải chăng  chúng ta đang xây dựng pháp luật có phần nóng vội và “không quản được thì cấm” với kỳ vọng ngăn chặn mọi rủi ro, kiểu “một người đau bụng bắt cả làng uống thuốc”. 
Theo tôi, hiệu quả NĐ65 phải chờ thời gian trả lời, nhưng trước mắt thắt chặt thì đỡ rủi ro hơn, song hạn chế là sẽ không đáp ứng được nguồn vốn cho phát triển. Và điều mà tôi e ngại ở đây như đã nói ở trên: Tư duy xây dựng luật còn thiếu tầm nhìn, thiếu nhất quán và thiếu mục tiêu dài hạn, đồng bộ, nên gây ra sự mất ổn định và mất lòng tin cho DN và nhà đầu tư. Đó cũng là một thứ rủi ro lớn cho thị trường khi có vẻ hơi nóng vội.
Cùng với đó, các điều khoản quy định nghiêng về dễ dàng cho cơ quan quản lý nhiều hơn, thể hiện xu thế đáng báo động là “siết chặt” nhiều hơn là tính đến sự “hài hòa” để tạo động lực cho thị trường tài chính phát triển.
- Như ông nói thì NĐ65 vừa ban hành vẫn nặng về “siết” (quản lý) hơn là “hài hòa” (cho các đối tượng tham gia thị trường)?
- Khác với vài chục năm trước, hiện nay và sau này, TPDN là kênh huy động vốn rất cần thiết để các DN hoạt động, do đó cần phải phát triển và phải chấp nhận sự đánh đổi một mức độ rủi ro nhất định.
Thị trường trái phiếu hiện nay vẫn còn rất non trẻ, mới chỉ phát triển tương đối nhanh, mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Vốn huy động qua thị trường chứng khoán gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế. Trong đó TPDN chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm, còn huy động vốn qua phát hành cổ phiếu chỉ chiếm khoảng 3,5%. Điều này cho thấy thị trường TPDN còn rất nhiều dư địa phát triển. 
Chính phủ cần khuyến khích phát hành TPDN nhiều hơn, mạnh hơn để DN có vốn hoạt động. Vấn đề lớn nhất lúc này là phải tạo lập niềm tin cho thị trường bằng tính minh bạch. Phát hành TPDN không thể đòi hỏi điều kiện quá cao, quá chặt chẽ, quá an toàn, mà phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định. Nó là thứ rủi ro cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng nhưng thấp hơn cổ phiếu (trừ cổ phiếu của giới mua đi bán lại để ăn lãi).
Rủi ro cao thì lãi suất và lợi nhuận cũng cao. Mà ở trên thị trường, cái gì lợi nhuận cao chẳng đi liền với rủi ro lớn? Nếu muốn rủi ro thấp chúng ta sẽ luẩn quẩn quay lại đổ toàn bộ gánh nặng cho thị trường tiền tệ.
Do đó, nếu tranh cãi về tính rủi ro của thị trường TPDN, theo tôi là cuộc tranh luận không bao giờ có hồi kết. Quan trọng là phải chấp nhận bản chất của TPDN, của thị trường này, nhất là thực tế lâu nay nhà đầu tư cá nhân đang chấp nhận nhiều lĩnh vực khác rủi ro gấp nhiều lần trái phiếu. Do vậy chính sách cũng phải đặc biệt phù hợp, nương theo điều kiện kinh tế, xã hội. 
Quan trọng nhất là TPDN cần công khai, minh bạch và không gian dối, còn rủi ro của nó hãy để cho thị trường quyết định, tự khắc nhà đầu tư sẽ có sự lựa chọn của họ, miễn là không được đánh lừa. Còn rủi ro hay lợi nhuận cao là câu chuyện của nhà đầu tư. Điều kỳ vọng tuyệt vời nhất không bao giờ có được là bảo vệ nhà đầu tư cứ như bảo vệ người gửi tiền ngân hàng.
Quan điểm của cá nhân tôi vẫn là cần khuyến khích phát hành TPDN nhiều hơn, mạnh hơn trên để DN có vốn hoạt động. Ngân hàng và bất động sản phát hành nhiều TPDN nhất cũng là bình thường, không nên xem đó có gì bất thường. 
Bên cạnh đó, chúng ta cần chấp nhận thị trường trái phiếu song hành nhiều loại đầu tư, từ đầu tư an toàn cho đến đầu tư mạo hiểm, thay vì chỉ có một loại tưởng rằng an toàn nhưng là điều không thể. Đầu tư an toàn nhất chỉ có gửi tiền ngân hàng với mức lãi suất thấp.
- Như ông đã nói do thị trường của Việt Nam chưa phải là thị trường hoàn thiện, còn đang mới mẻ, do đó luật của chúng ta có vẻ luôn phải “chạy theo” diễn tiến của thị trường. Do đó nảy sinh tình trạng “cấm ở chỗ này, tòi ra chỗ kia”. Liệu NĐ65 có “trám” được lỗ hổng này?
- Tôi cho rằng chuyện “cấm chỗ này, tòi ra chỗ kia” sẽ vẫn tiếp diễn. Đối với NĐ65, dù hiện nay mới ban hành, thị trường chưa phản ứng kịp, nhưng về lâu dài sẽ lại xuất hiện những “chỗ tòi ra”. Cả phía DN lẫn cả phía đầu tư họ đều tìm cách để “lách”. 
Tôi lấy đơn cử như những quy định về điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, và đây là những quy định chưa hợp lý. Từ Luật DN các năm 1999, 2005, 2014 cho đến Luật DN năm 2020; từ Nghị định 120/1994/NĐ-CP, Nghị định 52/2006/NĐ-CP, Nghị định 90/2011/NĐ-CP, Nghị định 163/2018/NĐ-CP, Nghị định 81/2020/NĐ-CP cho đến Nghị định 153/2020/NĐ-CP và hiện nay là NĐ65/2022/NĐ-CP, dường như chúng ta đang ngày càng đặt ra nhiều điều kiện đến mức quá chặt chẽ, trong khi các hình thức huy động khác của DN không hề bị khống chế hoặc khống chế với điều kiện lỏng hơn.
Chẳng hạn như phát hành cổ phần (cổ phiếu), vay vốn ngân hàng, vay vốn DN khác, vay vốn các quỹ đầu tư phát triển, vay vốn cá nhân, vay vốn nước ngoài… hầu như không cần các điều kiện nêu trên. Bởi thay vì phát hành TPDN, DN hoàn toàn có thể đi vay vốn DN khác và cá nhân lại hoàn toàn không bị cấm đoán hay hạn chế, đến khi tình trạng này xảy ra phổ biến thì rủi ro hơn rất nhiều cho thị trường. Như vậy chúng ta đã không tập trung vào vấn đề quan trọng nhất là sự cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro, gồm cả trực tiếp và gián tiếp của chính sách.
Trong khi các DN Việt Nam rất thiếu vốn, ngân hàng không thể cứ tăng trưởng tín dụng cao và càng không thể dễ dàng cho vay, nên nguồn vốn lớn nhất phải là kênh TPDN. Luật Chứng khoán 2019 và Luật DN năm 2020, thậm chí cả  Bộ luật Hình sự đã trói quá chặt phát hành TPDN so với trước kia, thì các Nghị định, thông tư không mở được thì đừng nên trói chặt hơn nữa trong mọi trường hợp.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác