Kiềm chế lãi suất, cơ hội cho chứng khoán?

(ĐTTCO) - “Bộ ba” rủi ro mà giới đầu tư lo ngại trong năm 2023 là áp lực lãi suất, đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và sụt giảm tăng trưởng lợi nhuận của công ty niêm yết.
Kiềm chế lãi suất, cơ hội cho chứng khoán?

Đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực lẻ tẻ, dù cần thêm thời gian để kiểm chứng nhưng ít nhất tình thế nguy hiểm cũng không gia tăng. Nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) khó có thể bùng nổ khi những yếu tố cơ bản chưa ủng hộ, và nguy cơ tìm đáy mới cũng không được đánh giá cao.

Lãi suất được kiềm chế

Thị trường đón nhận đợt tăng lãi suất đầu tiên trong năm 2023 của Fed khá bình yên. Mức tăng như dự đoán 0,25 điểm phần trăm giúp các TTCK toàn cầu ổn định, thậm chí tăng trong tháng 2-2023. Trong nước, mặt bằng lãi suất cũng không có thêm diễn biến mới đáng chú ý nào, đặc biệt là tỷ giá thậm chí còn hạ nhiệt.

Ngay trong những ngày giữa tháng 2 này, thậm chí bắt đầu xuất hiện một đợt giảm lãi suất huy động, được khởi xướng từ các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn (nhóm big 4) là Agribank, Vietcombank, BIDV và Vietinbank. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng được điều chỉnh giảm xuống khoảng 7,4%/năm.

Mặc dù đối với các NHTMCP nhỏ hơn, lãi suất huy động kỳ hạn tương đương vẫn trong khoảng 9-9,3%, nhưng việc mặt bằng chung thấp hơn “thỏa ước” của Hiệp hội Ngân hàng (9,5%/năm) cũng cho thấy áp lực tăng lãi suất đã được chặn đứng. Nhóm big 4 với thị phần tín dụng tới 45% toàn hệ thống đang dẫn dắt xu hướng, thì cuộc đua lãi suất rất khó xảy ra.

Các mức lãi suất huy động của các nhóm NH và lãi suất qua đêm trên thị trường liên NH. Nguồn: Wichart.

Các mức lãi suất huy động của các nhóm NH và lãi suất qua đêm trên thị trường liên NH. Nguồn: Wichart.

Dĩ nhiên Fed sẽ còn thêm các đợt tăng lãi suất nữa, dù chỉ ở mức nhỏ dự kiến là 0,25 điểm phần trăm, nhưng vẫn sẽ tạo áp lực nhất định. Điều quan trọng là sức ép tỷ giá trong nước không lớn thì sức ép lãi suất cũng sẽ hạ nhiệt. Việc tăng lãi suất tiền đồng thời gian qua có yếu tố bảo vệ giá trị đồng nội tệ nhiều hơn là để kiềm chế lạm phát.

Một biện pháp cũng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện là bán USD để thu hồi tiền VNĐ. Do đó khi USD hạ nhiệt, NHNN có điều kiện mua lại USD, vừa bù đắp lại dự trữ ngoại hối, vừa góp phần bơm thêm tiền tăng thanh khoản hệ thống và giảm áp lực lãi suất.

Một ước tính của Công ty Chứng khoán VNDS cho rằng, NHNN đã mua vào khoảng 3,6 tỷ USD kể từ đầu năm 2023. Lãi suất liên ngân hàng từ chỗ trên 6%/năm hồi cuối tháng 1-2023 đã giảm xuống dưới 5%/năm giữa tháng 2-2023. Lãi suất qua đêm liên ngân hàng giai đoạn bình thường 2019 quanh mức 4%/năm.

Các biến số về lạm phát vẫn còn và Fed có thể tiếp tục tạo sức ép lãi suất lên toàn cầu. Tuy vậy nếu diễn biến không bất thường, Fed dự kiến còn 2 đợt tăng lãi suất nữa trong tháng 3 và tháng 5 và mỗi lần là 0,25 điểm phần trăm. Nửa còn lại của năm 2023 tiến trình tăng lãi suất sẽ dừng lại. Nói cách khác, thị trường đang nhìn thấy lộ trình một cách rõ ràng và một cái đích khả kiến, tức là kỳ vọng những áp lực lớn nhất không còn.

Theo VNDS, lãi suất huy động trong nước có thể đạt đỉnh vào quý I-2023 và hạ nhiệt từ quý II-2023, dự báo lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 7,5%/năm vào cuối năm 2023. Mức này cũng là tương đương giai đoạn 2019.

Lợi nhuận DN phục hồi, cổ phiếu lớn sẽ là điểm sáng?

Kết quả kinh doanh quý IV-2022 đã kết thúc với xu hướng giảm tăng trưởng đúng như dự đoán. Thống kê của VNDS thì tổng lợi nhuận ròng quý IV-2022 của các công ty niêm yết trên 3 sàn (HoSE, HNX, UPCoM) giảm tới 30,4% so với cùng kỳ, mức giảm lớn nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Nếu xét theo cơ cấu, các DN trong nhóm blue chips VN30 có mức sụt giảm tăng trưởng lợi nhuận ròng quý IV-2022 nhẹ nhất, ở mức -11,5%, trong khi nhóm vốn hóa trung bình sụt giảm tăng trưởng tới -64,8%, và nhóm vốn hóa nhỏ là -83,3%.

Các yếu tố ảnh hưởng tới lợi nhuận quý IV-2022 được dự báo sẽ vẫn tiếp tục kéo dài ít nhất là trong quý I-2023, nhưng với hiệu quả hoạt động tốt hơn ở nhóm DN lớn, cơ hội để nhóm này duy trì lợi nhuận cũng là cao nhất. Điều này cũng đã được phản ánh lên giá cổ phiếu, khi hầu hết các mã thuộc VN30 có mức điều chỉnh nhẹ hơn phần còn lại, là nguyên nhân giúp VN Index giảm với tốc độ chậm.

Đây cũng là căn cứ của kỳ vọng TTCK Việt Nam đã thật sự tạo đáy hồi tháng 11-2022, và nhịp điều chỉnh ngắn hạn hiện tại ít rủi ro đẩy VN Index xuyên thủng mức đáy này. Dĩ nhiên tùy từng cổ phiếu sẽ có mức điều chỉnh khác nhau, nhưng chừng nào nhóm blue chips vẫn ổn định được chỉ số, thì xu hướng chính của thị trường vẫn là tích lũy sẵn sàng cho một chu kỳ mới.

Liệu thời gian tích lũy sẽ kéo dài bao lâu cần nhìn vào các tín hiệu của yếu tố cơ bản. Với vĩ mô, đó là mặt bằng lãi suất đạt đỉnh và quay đầu giảm, tăng trưởng tín dụng tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh được phản ánh rõ nét lên các chỉ số như PMI hay kim ngạch xuất nhập khẩu.

Về góc độ vi mô, các DN có thể công bố một con số lợi nhuận kém khả quan trong quý I-2023, nhưng nếu tốc độ sụt giảm doanh thu, lợi nhuận chậm lại thì cơ hội phục hồi trong các quý còn lại của năm 2023 là rõ ràng. TTCK có thể chờ đợi một con số chính thức, dù là xấu, để dự phóng một kỳ vọng tốt hơn trong tương lai. Thực tế là TTCK luôn chạm đáy ở thời điểm xuất hiện rủi ro kỳ vọng cao nhất, chứ không phải khi số liệu kinh tế tồi tệ nhất.

Lãi suất huy động trong nước có thể đạt đỉnh vào quý I-2023 và hạ nhiệt từ quý II-2023, dự báo lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 7,5%/năm vào cuối năm 2023, tương đương giai đoạn 2019.

Các tin khác