Khủng hoảng khí đốt có tái diễn trong 2023?

(ĐTTCO) - Giá khí gas thiên nhiên những ngày đầu năm 2023 chứng kiến xu hướng giảm tiếp diễn, tiệm cận với mức giá hồi đầu năm 2022. Tính đến ngày 4-1, hợp đồng khí gas kỳ hạn tháng 2 trên sàn Nymex giao dịch quanh mức 4,01USD/mmBtu, tương ứng giảm 58% kể từ đỉnh.
Khủng hoảng khí đốt có tái diễn trong 2023?

Trong khi đó, hợp đồng khí gas kỳ hạn tháng 2 trên sàn ENDEX giao dịch quanh mức 66EUR/mWh, tương đương giảm 81% kể từ mức đỉnh thiết lập hồi tháng 8-2022.

Nhận định của giới chuyên gia

Trong khi các lưới điện ở châu Âu đang tập trung việc đảm bảo có đủ khí đốt và điện để cung cấp cho các hộ gia đình trong những tháng tới, các chuyên gia vẫn lo ngại những thách thức tương tự có thể lặp lại vào mùa Đông năm 2023, thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn. Cuối tháng 12-2022, một công ty tư vấn năng lượng uy tín nhất Anh đã đưa ra cảnh báo giá khí đốt có thể duy trì ở mức cao cho đến cuối thập niên này, tức năm 2030. Mặc dù trong ngắn hạn, thời tiết các tháng 1, 2 và 3 có thể ấm áp bất thường, giúp người dân không cần nhiều khí đốt để sưởi ấm, nên các kho chứa khí đốt ở châu Âu có nhiều dự trữ hơn khi mùa Đông kết thúc.

Hãng tư vấn Investec nhận định, châu Âu có thể bổ sung vào nguồn cung với các giải pháp dự phòng từ những nguồn năng lượng khác như điện gió, điện than và hạt nhân. Tuy nhiên, mới có năng lượng gió được bổ sung, đưa vào hoạt động vào mùa Thu 2023. Sự vận hành mở rộng của các nhà máy điện than và điện hạt nhân vẫn chưa chắc chắn. Dù vậy, sự bổ sung của các nguồn năng lượng thay thế kể trên cũng chỉ đủ xoa dịu căng thẳng trong ngắn hạn, không đủ năng lực thay thế được sự thiếu hụt nguồn cung từ khí gas, khi mùa Hè tới đây có thể các đường ống khí đốt nối từ Nga tới châu Âu sẽ ngừng hoạt động.

Các động thái chuẩn bị

Nguồn cung thay thế khả dĩ nhất về khối lượng, đó là châu Âu có thể tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ nhiều hơn. Nguồn cung từ Qatar cũng là lựa chọn đáng kể. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định giá nguyên liệu thay thế này vốn cao hơn do giá cước vận chuyển, nên sẽ đẩy chi phí sản xuất ở châu Âu lên cao, ảnh hưởng lên mục tiêu kiềm chế lạm phát của NHTW châu Âu (ECB). Bên cạnh đó, vẫn còn lo ngại số lượng tàu vận chuyển khí gas lỏng trên thế giới có giới hạn, trong khi cơ sở hạ tầng ở châu Âu chưa đủ đáp ứng được việc cập cảng của các loại tàu này.

Dẫu sao, các bước chuẩn bị cũng đang được gấp rút tiến hành. Các dự báo cho các nhà ga mới đang được đẩy nhanh tiến độ trong những tháng gần đây, để đáp ứng nhu cầu lưu trữ và vận chuyển khí gas lỏng (lạnh âm -160 độ C để hóa lỏng). Tháng 12-2022, Đức (nền kinh tế lớn nhất EU) đã khai trương kho cảng LNG đầu tiên, báo hiệu sự thay đổi lớn trong chính sách năng lượng từ quốc gia vốn đã ràng buộc rất nhiều với việc nhập khẩu khí đốt của Nga trong quá khứ. Thêm 2 nhà ga LNG khác cũng sẽ được mở tại Đức vào năm nay.

Các quốc gia khác như Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có năng lực nhập khẩu LNG lớn nhất ở châu Âu, cho phép họ tiếp cận được nguồn cung toàn cầu. Nhưng bán đảo Iberia không có nhiều đường ống dẫn khí đốt nối nó với phần còn lại của châu Âu, nên các nhà ga của Tây Ban Nha ít hữu ích hơn đối với các nước láng giềng. Còn Anh có rất ít nơi có thể giữ LNG, do đó quốc gia này gần đây đã mở lại địa điểm lưu trữ khí đốt cũ bị bỏ hoang ở Centrica. Dự kiến khí đốt đến các kho cảng của Anh sẽ được tái xuất trực tiếp sang châu Âu, đặc biệt là Hà Lan, nơi khí đốt sẽ được bơm vào các kho chứa dưới lòng đất để chuẩn bị cho mùa Đông.

Câu chuyện giá cả, chi phí

Mặc dù LNG có thể đưa ra giải pháp một phần cho việc cung cấp khí đốt cho châu Âu, nhưng nó không thể đẩy giá khí đốt xuống mức trước đây. LNG là phương thức vận chuyển khí đốt đắt đỏ - cần rất nhiều năng lượng và thiết bị đắt tiền để lấy và giữ đủ lạnh cho các tàu chở hàng lỏng. Và bởi các tàu chở LNG có thể di chuyển đến bất cứ nơi nào họ muốn, nên để đảm bảo nguồn khí thiết yếu, châu Âu sẽ phải trả giá cao hơn những gì người mua trên khắp thế giới sẵn sàng trả. Vì vậy, bằng cách chuyển sang phụ thuộc ngày càng nhiều vào các tàu chở LNG cho nhu cầu khí đốt của mình, châu Âu sẽ chốt được giá cao hơn trong nhiều năm, do các hợp đồng thường chốt dài hạn

Cornwall Insight, một công ty tư vấn năng lượng uy tín có trụ sở tại East Anglia, cho biết họ hy vọng giá khí đốt sẽ duy trì ở mức cao cho đến cuối thập niên này: "Các kịch bản hợp lý là lưu lượng đường ống dẫn khí đốt của Nga sẽ còn giảm hơn nữa vào mùa Hè 2023 và chúng ta cũng sẽ thấy giá khí đốt duy trì trên mức trước đại dịch cho đến ít nhất năm 2030, do thị trường cần thời gian để điều chỉnh theo sự thay đổi cung và cầu này”.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo 2023 có thể đặt ra bài kiểm tra, thậm chí còn khó khăn hơn cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 đã làm tăng hóa đơn nhiên liệu cho các hộ gia đình châu Âu, buộc các ngành công nghiệp phải tạm thời đóng cửa để tránh làm giảm chi phí khí đốt. Nếu Nga cắt giảm phần nhỏ khí đốt họ vẫn cung cấp cho châu Âu, và nhu cầu khí đốt của Trung Quốc tăng trở lại từ mức thấp (do phong tỏa Covid-19 gây ra), EU có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt khí đốt 27 tỷ m3 (bcm) năm nay. So với tổng mức tiêu thụ khí đốt của EU 412 bcm (số liệu 2021), mức thiếu hụt khoảng 6,6%. IEA cho biết thêm, nếu thời tiết lạnh trở lại vào cuối tháng 1 và trong suốt tháng 2, tình trạng thâm hụt nguồn cung có thể tăng thêm.

Trong bối cảnh cảng xuất khẩu Freeport LNG của Mỹ dự kiến tháng 3 hoạt động trở lại, nguồn cung khí đốt ở châu Âu có thể gặp áp lực sớm hơn trong ngắn hạn và đẩy giá quay trở lại xu hướng tăng.

Các tin khác