Miền Trung gian nan khởi nghiệp

(ĐTTCO) - Hàng loạt đề án, quỹ hỗ trợ, vườn ươm khởi nghiệp… ra đời nhằm mục tiêu trợ lực cho các nhóm, DN khởi nghiệp. Song thực tế vẫn còn những rào cản pháp lý, khiến cộng đồng khởi nghiệp ở miền Trung vốn dĩ đã thiếu, yếu đủ thứ càng gặp khó khăn trong nỗ lực định hướng phát triển. 

Những thành công bước đầu 
Tiếp chúng tôi giữa vườn đinh lăng dược liệu, anh Lương Văn Sỹ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Sơn (thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam), người có hơn 10 năm theo đuổi niềm đam mê cây dược liệu, chia sẻ: "Lúc tôi mới về quê, bố mẹ và nhiều người đều bất ngờ. Có người còn bảo tôi đầu óc có vấn đề mới bỏ việc về quê lập nghiệp. Nhưng tôi suy nghĩ làm nông thời buổi này phải biết ứng dụng khoa học kỹ thuật mới cho hiệu quả cao”.
Nghĩ là làm, anh Sỹ mạnh dạn vay vốn đầu tư hơn 200 triệu đồng cải tạo 4ha đất thuê ở thôn 2, xã Bình Sơn, trồng hơn 100.000 gốc đinh lăng, nhưng ban đầu chưa nắm được kỹ thuật nên cây phát triển yếu. 
 Thực tế tại miền Trung đang có làn sóng lớn các bạn trẻ tham gia khởi nghiệp, song khó khăn nhất các startup gặp phải là thiếu những khoản đầu tư nhỏ ban đầu để biến ý tưởng thành mô hình kinh doanh. Trong khi đó, hỗ trợ từ phía Nhà nước cho những hệ sinh thái khởi nghiệp, với người khởi nghiệp, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp còn nhiều bất cập. 
Ông Trần Văn Tùng,
Thứ trưởng Bộ KH-CN 
Năm 2014, anh Sỹ quyết tâm khởi nghiệp lại trên chính mảnh đất mình từng thất bại với suy nghĩ: “Đinh lăng là cây dược liệu ưa chuộng trong đông y. Ngày xưa, danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác gọi cây đinh lăng là sâm của người nghèo. Chỉ cần mình trồng được là có người đến tận nơi thu mua từ gốc, thân, cành, lá”. Anh cầm cố toàn bộ tài sản gia đình vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng để tái đầu tư.
Anh tập trung gieo các giống đu đủ trước để cây lớn tạo bóng mát, rồi sau đó gieo đinh lăng và cỏ ngọt. Hiện 4ha đất vườn anh Sỹ có khoảng 200.000 cây đinh lăng, 13.000 gốc đu đủ và 35.000 cây cỏ ngọt. Giá lá đinh lăng tươi khoảng 2.000 đồng/kg, thân 22.000 đồng/kg và củ 180.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, sau khi tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, anh Trịnh Đình Hoàng, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình trồng nấm sò - thực phẩm giàu dinh dưỡng, chi phí đầu tư ít nhưng giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, nấm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên được người tiêu dùng tin mua. Anh Hoàng nhớ lại, ban đầu sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng anh vẫn không nản chí, tiếp tục nghiên cứu khắc phục cách nhân giống, sử dụng dưỡng chất để nuôi cấy.
“Khởi nghiệp là quá trình khó khăn đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm, kiến thức và chịu khó. Hiện tôi sản xuất 2 loại chính là nấm sò trắng và nấm sò tím, mỗi tháng cung cấp trên 3.000 túi phôi và hàng trăm kg nấm tươi, với giá bán 6.000-8.000 đồng/túi phôi, 25.000-35.000 đồng/kg nấm sò tươi. Sau khi trừ chi phí mỗi tháng mang về cho gia đình hơn 10 triệu đồng tiền lãi” - anh Hoàng chia sẻ.
Cùng với định hướng của các cấp, các ngành, nhiều thanh niên tại miền Trung đã biết nắm bắt cơ hội, khai thác lợi thế của địa phương để khởi nghiệp bằng nhiều hình thức. Trong đó, mô hình rau sạch trồng rau trong đường ống dẫn nước, đến kỳ thu hoạch kéo thân cây rau ra khỏi ống, cắt bỏ rễ và chuyển đến điểm bán thực hiện tại nông trại Thảo Vy ở thôn Tây Trì Nhơn (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), được xem là độc đáo.
Vợ chồng chị Lê Thị Tám, chủ nông trại Thảo Vy, cho biết đang nỗ lực tạo ra nông sản sạch với các tiêu chí như rau ăn ngay không cần sơ chế và dư lượng phân thuốc được kiểm soát ở mức tối đa. 
Miền Trung gian nan khởi nghiệp ảnh 1 Mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo hướng thân thiện môi trường
đang được nhiều nhóm khởi nghiệp tại miền Trung áp dụng. 
Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh góp phần giúp người nông dân hướng đến sản xuất rau an toàn, không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, thời đại nông nghiệp 4.0 mô hình này mở ra triển vọng về thâm canh rau sạch. Hiện nguồn rau quả của nông trại Thảo Vy được bán cho các trường học phục vụ bữa ăn bán trú, nội trú cho học sinh. Nguồn rau sạch này còn cung cấp cho một số khách sạn, nhà hàng uy tín tại TP Huế.

Nhà nước cần cho không vốn mồi 
Tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng duyên hải miền Trung và Tây nguyên năm 2018 vừa tổ chức tại Huế, chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp, các chuyên gia cho rằng khoảng cách từ ý tưởng đến thực tiễn rất xa nếu cách làm không khoa học, không táo bạo. Bởi thực tế nhiều khi có ý tưởng khởi nghiệp rồi vẫn còn gặp rất nhiều vấn đề, như thiếu kiến thức về chính sách pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp... 
Anh Phạm Văn Huệ, Giám đốc HTX Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm (Quảng Nam), cho rằng khó khăn nhất cộng đồng khởi nghiệp gặp phải bên cạnh thiếu vốn đầu tư nhỏ ban đầu (vốn mồi), là thị trường đầu ra của sản phẩm. Còn theo ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Quảng Nam, khởi nghiệp là công việc khó khăn nên cũng dễ thất bại. Ngay các DN lớn, có bề dày thương trường vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là các sản phẩm mới. Các DN khởi nghiệp sáng tạo sẽ khó khăn gấp bội vì không chỉ thiếu vốn mà còn thiếu kinh nghiệm và nhân lực.
Hiện nay số lượng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam rất ít. Các quỹ này hầu hết lại không đầu tư từ giai đoạn đầu, không đầu tư nhỏ, chỉ nhắm tới những dự án có quy mô từ vài trăm ngàn USD trở lên. Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho rằng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vài trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, tạo ra những đột phá giúp giải quyết các vấn đề tồn tại trong nền kinh tế, hình thành những DN lớn có giá trị, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. 
Ông Tùng dẫn chứng, nếu lấy tiền từ ngân sách nhà nước hỗ trợ ban đầu cho 100 ý tưởng khởi nghiệp, trong khi chỉ có vài ý tưởng thành công. Vậy những ý tưởng thất bại cơ quan, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm khi để thất thoát tiền Nhà nước.
“Nhà nước nên cho không vốn hỗ trợ ban đầu cho các ý tưởng sáng tạo tiếp tục nuôi dưỡng, hoàn chỉnh sau khi được xem xét công nhận. Khi ý tưởng đã lớn lên, việc phát triển ý tưởng, hình thành DN sẽ do các DN và nhà đầu tư đảm trách” - ông Tùng đề nghị.

Các tin khác