Khó khăn kinh tế sẽ bộc lộ từ 2023

(ĐTTCO) - Lạm phát năm 2022 của thế giới tăng rất cao, lập đỉnh sau 40 năm ở Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU). Năm 2023 lạm phát của nền kinh tế thế giới dù có xu hướng hạ nhiệt, nhưng được dự báo vẫn ở mức cao khoảng 6,5%, từ đó tác động rất lớn đến giá cả hàng hóa và tình hình lạm phát trong năm 2023 của Việt Nam.  Bởi Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thế giới bất thuận, Việt Nam ảnh hưởng

Trong năm 2022, các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới đã có hơn 340 lần tăng lãi suất điều hành. Đặc biệt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất lên 5-5,25%, đã đẩy lãi suất trên thế giới tăng nhanh.

Để đảm bảo tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư quốc tế, NHNN Việt Nam cũng đã 2 lần tăng lãi suất điều hành gây áp lực lên chi phí vốn, tạo sự trì trệ trong sản xuất và tăng áp lực lạm phát.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, Mỹ và phương Tây đẩy mạnh chính sách trừng phạt và áp trần giá dầu, trần giá khí đốt với Nga. Để trả đũa, Nga ngừng bán dầu, khí đốt với các quốc gia không thân thiện.

Điều này cùng với việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục cắt giảm sản lượng, có thể đẩy giá dầu, khí đốt và các nguyên vật liệu trong năm 2023 tăng cao. Hơn nữa, do bị bao vây, cấm vận, Nga đã không cho phép các phương tiện giao thông của các nước không thân thiện đi qua lãnh thổ Nga, làm các chuỗi cung ứng đứt gãy, chi phí vận tải, logistics tăng cao, dẫn đến nguồn cung ứng gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao.

Bối cảnh này tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh trong nước và gây nhiều khó khăn trong phục hồi và tăng trưởng.

Do ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào và lạm phát, các tổ chức quốc tế dự báo năm 2023 nền kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng khoảng 2,2-2,5% (so với mức 3,1% của năm 2022). Lạm phát năm 2022 đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập niên, buộc các chính phủ phải thắt chặt chính sách tiền tệ, cùng với việc các chính phủ cắt giảm các hỗ trợ tài chính liên quan đến đại dịch Covid-19, đã khiến các hộ gia đình siết chặt chi tiêu.

Từ đó việc nhập khẩu và tiêu thụ hàng hóa giảm sút, sẽ tạo áp lực lớn đến các doanh nghiệp (DN) sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu khó khăn, lượng ngoại tệ thu về giảm sút sẽ tạo áp lực lên tỷ giá và lạm phát.

Thêm vào đó, việc Chính phủ Trung Quốc dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa để phòng chống đại dịch Covid-19 có thể làm sản xuất tăng trưởng, tăng sức ép về giá cả xăng dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của thế giới và gia tăng áp lực lạm phát.

Phải thích ứng và sống chung với áp lực

Năm 2022, chỉ số VN Index của thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự giảm sút mạnh, giảm 33,68% so với cuối năm 2021. Thị trường trái phiếu DN phát hành riêng lẻ cũng sụt giảm hơn 28,5% so với cùng kỳ 2021. Các sụt giảm này đang gây khó khăn cho nguồn cung vốn cho sản xuất, tạo áp lực tăng lãi suất vay nợ, tăng áp lực lạm phát.

Năm 2023, tác động lạm phát của Việt Nam sẽ bộc lộ rõ hơn do tác động vòng 2, vòng 3 bởi độ trễ của lượng tiền tệ được đưa vào thị trường trong các năm trước. Lạm phát các tháng cuối năm 2022 so với tháng 12-2021 và cùng kỳ năm 2021 tăng cao đến 4,55% và 4,52%, đang cho thấy khả năng lạm phát tăng cao trong năm 2023.

Tuy nhiên, một số nhân tố có thể giảm áp lực năm 2023 của nền kinh tế Việt Nam. Trước hết, nền kinh tế nước ta đã thích ứng với trạng thái vừa chung sống với dịch bệnh, vừa đẩy mạnh sản xuất, đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 và sẽ tiếp tục thích ứng với các biến động kinh tế, xã hội trong năm 2023. Dù lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các NHTM trong thời gian qua có xu hướng tăng cao.

Nhưng để hỗ trợ các DN trong nền kinh tế hồi phục và phát triển, NHNN đã có biện pháp cung ứng vốn giá rẻ với thời gian tương đối dài cho các NHTM, cùng với các yêu cầu để các NH cắt giảm chi phí, nhằm ổn định và hạ thấp mặt bằng lãi suất của nền kinh tế.

Cũng trong năm 2022, Việt Nam đã hoàn thiện cơ chế chính sách và cơ cấu bộ máy của thị trường chứng khoán, các quy định pháp lý cho hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát hành trái phiếu DN ra thị trường tài chính quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp vốn vay trung và dài hạn.

Đáng chú ý, việc Chính phủ Trung Quốc dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa để phòng chống đại dịch Covid-19 có thể làm sản xuất tăng trưởng (Bloomberg Economics dự báo, kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng 5,7% trong năm 2023), thúc đẩy mở rộng nguồn cung các nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào với giá cả hợp lý cho nền sản xuất.

Đồng thời, thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa, các linh phụ kiện của DN Việt Nam với chi phí vận chuyển, logistics ở mức thấp. Điều này sẽ góp phần giảm thấp áp lực lạm phát.

Áp lực lạm phát vẫn đè nặng lên nền kinh tế trong năm 2023. Ở trường hợp tình hình kinh tế-xã hội của thế giới vẫn diễn biến phức tạp, lạm phát vẫn cao, giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng cao, kinh tế thế giới trì trệ hay suy thoái, tăng trưởng chậm, thương mại quốc tế giảm sút, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,2-6,7%, thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3-3,7%.

Ở trường hợp tình hình kinh tế-xã hội của thế giới được cải thiện hoặc ổn định, giá xăng dầu, nguyên vật liệu ổn định, kinh tế thế giới phục hồi tốt, DN Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, Quốc hội và Chính phủ có các biện pháp chỉ đạo kiên quyết, linh hoạt và thích hợp, tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,8-7,5%, thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức 3,8-4,1%.

Việt Nam có gần 40% nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất là nhập khẩu từ các nước, nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn.

Các tin khác