Mỹ làm được gì sau 10 năm 'xoay trục' sang châu Á?

(ĐTTCO)-Mùa thu này đánh dấu 10 năm chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo 'xoay trục' sang châu Á - Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua

Trong bài phát biểu gây chú ý vào tháng 11/2011 tại Canberra (Úc), Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó tuyên bố: “Sau một thập kỷ với hai cuộc chiến tranh khiến chúng tôi mất đi nhiều máu và tài sản, Mỹ sẽ chuyển sự chú ý đến tiềm năng rộng lớn của khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Vài tuần trước đó, trong một bài viết được chia sẻ rộng rãi mang tên “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thời điểm đó khẳng định: “Ở châu Á, họ hỏi liệu chúng tôi có thực sự ở lại? Liệu chúng tôi có tiếp tục bị phân tán bởi những sự kiện diễn ra ở khu vực khác? Liệu chúng tôi có thể giữ những cam kết về kinh tế và chiến lược đáng tin cậy, và liệu chúng tôi có thể thể hiện những cam kết đó bằng hành động? Câu trả lời là: chúng tôi có thể, và chúng tôi sẽ làm như thế”.

Các chính quyền và lãnh đạo Quốc hội Mỹ luôn khẳng định tầm quan trọng của châu Á và nói cứng rắn về cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng những lời lẽ hùng biện vẫn xa rời chính sách, đầu tư ngân sách và sự chú ý lâu dài của Mỹ

Sau 1 thập kỷ và 3 chính quyền, vẫn là những câu hỏi đó được nêu ra để chất vấn về sự nghiêm túc và tính lâu dài của những cam kết về kinh tế và chiến lược của Mỹ với châu Á.

Một báo cáo vừa công bố của Viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng, dù đã đạt được một số thành tựu quan trọng, vai trò của Mỹ ở khu vực vẫn gặp nhiều khó khăn. Báo cáo nhận định, với nhiều người ở khu vực này, trả lời của Mỹ hiện nay cho những câu hỏi nêu trên còn kém thuyết phục hơn so với cách đây 1 thập kỷ, trong khi tầm quan trọng của châu Á đối với Mỹ lớn hơn bao giờ hết.

Kể từ năm 2011, khu vực này đã trở nên giàu có hơn, đông dân hơn, quân sự mạnh hơn, hội nhập kinh tế cao hơn và có tầm quan trọng lớn hơn. Sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ là một phần của câu chuyện.

Về kinh tế, châu Á là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số và chiếm hơn nửa GDP của thế giới, là nơi có 5 nền kinh tế lớn của thế giới và 5 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.

Về an ninh, châu Á có 5 đồng minh theo hiệp ước với Mỹ và nhiều điểm nóng quân sự.

Dự báo, đến năm 2030, châu Á sẽ đóng góp phần lớn cho tăng trưởng toàn cầu và chiếm hơn 90% thành viên mới của tầng lớp trung lưu toàn cầu.

Vì những lý do đó, các chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden đều nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Á (hay Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) đối với tương lai của Mỹ.

Tuy nhiên, báo cáo của Viện Doanh nghiệp Mỹ cho rằng có một khoảng cách lớn giữa lời nói và hành động của Mỹ.

Trên hầu hết các trụ cột của chính sách đối ngoại Mỹ, từ ngoại giao đến quân sự, thương mại và đầu tư, việc triển khai còn kém xa nguyện vọng nêu ra từ 10 năm trước.

Lời nói và chính sách của Mỹ thường tập trung một cách hạn hẹp vào việc cạnh tranh với Trung Quốc chứ không phải một tầm nhìn toàn diện và tích cực đối với khu vực.

Các chính quyền kế tiếp nhau và Quốc hội Mỹ chưa đầu tư đúng mức vào ngoại giao và chưa thể hoàn thiện một cách tiếp cận quân sự đúng mức đối với môi trường khu vực thay đổi nhanh chóng.

Điều rõ ràng nhất có lẽ là việc các lãnh đạo Mỹ không nhận ra trụ cột kinh tế trong chiến lược tái cân bằng, được biểu hiện bằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi cả khu vực trở nên hội nhập về kinh tế hơn, bao gồm cả Trung Quốc, Mỹ vẫn gần như chỉ đứng ngoài lề.

Tổng thống Joe Biden nhiều lần khẳng định “Mỹ đã trở lại”, nhấn mạnh sự lãnh đạo của Mỹ và hợp tác quốc tế. Cách tiếp cận ban đầu của chính quyền hiện nay nhận được nhiều lời khen ngợi, nhất là việc chủ động hàn gắn với các đồng minh và đối tác quan trọng và ủng hộ tầm nhìn đa phương. Tuy nhiên, với tình trạng mất kết nối lặp đi lặp lại giữa lời nói và hành động của Mỹ, nhiều người ở châu Á vẫn băn khoăn rằng Mỹ thực sự cam kết ở mức nào.

Báo cáo của Viện Doanh nghiệp Mỹ tổng hợp chiến lược của Washington và những thay đổi nhanh chóng ở khu vực kể từ khi Mỹ triển khai chính sách “xoay trục”, từ đó rút ra bài học cho Quốc hội Mỹ và chính quyền ông Joe Biden. Báo cáo kết luận rằng, dù đạt được một số thành công gần đây, Washington có nguy cơ rơi vào những cái bẫy quen thuộc. Các chính quyền và lãnh đạo Quốc hội Mỹ luôn khẳng định tầm quan trọng của châu Á và nói cứng rắn về cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng những lời lẽ hùng biện vẫn xa rời chính sách, đầu tư ngân sách và sự chú ý lâu dài của Mỹ, báo cáo viết.

Dù hay nói về “cạnh tranh chiến lược”, Mỹ vẫn chưa thể cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc. Các cuộc khảo sát cho thấy "Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ" trong 10 năm qua không đạt được kết quả như mong đợi. Và nay, gần 9 tháng sau khi Mỹ có chính quyền và Quốc hội mới, đang có những lo ngại rằng lịch sử sẽ lặp lại, báo cáo viết.

Theo báo cáo của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nếu Washington quay lại đúng quỹ đạo ở châu Á, các nhà lãnh đạo Mỹ phải rút ra bài học từ những bước đi sai lầm trong thập kỷ qua; phải vượt qua khỏi những tuyên bố mạnh miệng về Trung Quốc và các mối quan ngại an ninh. Washington phải triển khai một chương trình nghị sự đa phương chắc chắn ở châu Á và dẫn đầu nỗ lực sử dụng các nguồn lực và thực hiện một chiến lược toàn diện để định hình tương lai của khu vực.

Các tin khác