IBC thực tế có như kỳ vọng?

(ĐTTCO) - Việc chuyển niêm yết từ UPCoM lên HOSE được cho là bước đi quan trọng trong nỗ lực thu hút vốn đầu tư trên TTCK của CTCP Đầu tư Apax Holdings (IBC). 
Tuy nhiên, với những đợt tăng vốn quá nóng mới đây, cộng với áp lực cạnh tranh khá gay gắt trong lĩnh vực giáo dục thì mục tiêu trở thành tập đoàn đầu tư chuyên sâu của IBC không hề đơn giản. 
Đón đầu cách mạng 4.0
Tiền thân của IBC là CTCP Đầu tư VN Benchmark (thành lập năm 2012) với sự góp vốn của 3 cổ đông sáng lập, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn, đầu tư và thương mại. Ngày 28-4-2016, IBC chính thức trở thành công ty đại chúng và niêm yết trên UPCoM tháng 10-2016. Ngày 15-12-2017, IBC chính thức được giao dịch trên HOSE với giá tham chiếu 20.000 đồng/CP. 
 Theo khảo sát của Dezan Shira & Associates, cơ hội đầu tư vào ngành giáo dục của Việt Nam rất lớn do tỷ lệ người dưới 24 tuổi chiếm tới 42% dân số. Trong năm 2015, ước tính đã có 110.000 người Việt đi du học nước ngoài với chi phí ước tính 3 tỷ USD. Tuy nhiên, để bỏ vốn đầu tư vào giáo dục không hề dễ dàng.
IBC là doanh nghiệp chuyên sâu về lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn đầu tư dài hạn tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được thành lập từ năm 2012. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chỉ thật sự chuyển mình từ đầu năm 2017, với định hướng trở thành tập đoàn vững mạnh, đầu tư chuyên sâu vào các công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Với mục tiêu này, IBC đã liên tục thực hiện các thương vụ đầu tư nhằm mua lại cổ phần tại các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực như: CTCP Anh ngữ Apax, hiện đang sở hữu chuỗi Trung tâm tiếng Anh cao cấp Apax English (IBC hiện dang nắm giữ 70% vốn điều lệ); CTCP Phát triển giáo dục Igarten, hiện đang sở hữu chuỗi Trường mầm non song ngữ STEAMe Gartern (IBC nắm 54% vốn điều lệ), Công ty TNHH MTV Apax Franklin Academy, hiện đang sở hữu chương trình đào tạo online. 
Định hướng của IBC chuyển động theo cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đó là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy. Chính vì thế, các chuỗi trung tâm tiếng Anh cao cấp Apax English hay chuỗi trường mầm non song ngữ STEAMe Gartern và sau này là Apax Franklin Academy đều áp dụng khoa học, công nghệ đưa vào giảng dạy tại các trung tâm trên toàn hệ thống.
Tính đến 30-11, thông qua công ty con của mình, IBC đã mở được 55 trung tâm tiếng Anh và trở thành một trong những doanh nghiệp có chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn nhất cả nước. Mục tiêu của việc tăng nhanh về số lượng giúp các trung tâm tiếng Anh của IBC tạo lợi thế trong cuộc chiến giành thị phần. Tuy nhiên, việc phủ sóng này chưa thể mang lại lợi thế cho IBC, bởi thương hiệu này vẫn còn khá mới mẻ so với các cơ sở ngoại ngữ danh tiếng như ILA, Language Link, Apollo, Acet, British Council. Đây đều là các thương hiệu tồn tại lâu năm trên thị trường và được đánh giá cao.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch-Đầu tư), trong vòng 5 năm trở lại đây, các cơ sở đào tạo có vốn FDI cũng đang theo đuổi chính sách tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng như cách IBC đang làm. Điều này tạo ra những áp lực cạnh tranh nhất định lên hệ thống trung tâm tiếng Anh của IBC. 
IBC thực tế có như kỳ vọng? ảnh 1  Trung tâm tiếng Anh cao cấp Apax English (IBC hiện dang nắm giữ 70% vốn điều lệ). 
Rủi ro sau giai đoạn “bùng nổ” 
Việc gia tăng nhanh chóng về số lượng trung tâm cũng khiến cho IBC đối mặt với rủi ro trong khâu tuyển chọn giáo viên. Giáo viên dạy tiếng Anh của IBC chủ yếu là người nước ngoài, được tuyển dụng thông qua một công ty tại Hoa Kỳ và trải qua quá trình đào tạo của Tập đoàn Chungdahm (Hàn Quốc) trước khi được cử sang Anh Ngữ Apax thực hiện công tác giảng dạy. Như vậy quy trình tuyển dụng giáo viên phụ thuộc vào bên thứ 3, tiềm ẩn rủi ro cho IBC khi tốc độ tăng trưởng số lượng trung tâm tiếng Anh ngày càng nhanh. 
Trong khi chính sách tăng độ phủ sóng chưa mang lại kết quả như mong đợi, IBC lại đang đối mặt với rủi ro pha loãng CP sau những đợt tăng vốn nóng. Theo thống kê, kể từ ngày thành lập, IBC đã tiến hành tăng vốn 5 lần, nâng tổng số vốn điều lệ ban đầu từ 3 tỷ đồng lên 313 tỷ đồng cuối năm 2016. Trong năm 2017, IBC tiếp tục nâng tổng vốn điều lệ lên mức 688,8 tỷ đồng nhằm củng cố nội lực và hỗ trợ phát triển về quy mô của doanh nghiệp. Việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo ra một áp lực lớn lên khả năng sinh lời và cổ tức của doanh nghiệp. Ước tính, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ năm 2017 là 13,33%, đến năm 2018 là 14,98%; cổ tức tiền mặt năm 2017 là 10% lên 12% trong năm 2018.
Thực tế, tham vọng vươn tầm của IBC đã không suôn sẻ bởi những “va vấp” trong các hoạt động đầu tư. Đơn cử là kế hoạch đầu tư góp vốn thành lập CTCP Học viện đào tạo Apax tại Ba Vì (Hà Nội). Dự kiến dự án này hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động trong năm 2018. Theo dự kiến ban đầu, IBC sẽ đầu tư góp 51-70% vốn điều lệ, nhưng thực tế đến ngày 30-9 việc đầu tư vẫn chưa được thực hiện do thiếu vốn. Tuy nhiên, theo nhận định của giới đầu tư, yếu tố vốn chỉ là một phần của sự chậm trễ. Do đây là dự án kinh doanh giáo dục đi kèm kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, trong khi thế mạnh của HĐQT IBC là giáo dục nên không tránh khỏi sai sót trong khâu phân tích, dự báo. 
Ngoài ra, IBC có kế hoạch sở hữu một số công ty tại nước ngoài với tỷ lệ góp vốn 30-49% vốn điều lệ tại Australia, Hoa Kỳ, Anh, Thái Lan trong 4-5 năm đầu tiên, sau đó có thể tiến tới sở hữu 51% vốn điều lệ trong các năm tiếp theo. Thế nhưng, kế hoạch này cũng diễn ra chậm hơn dự kiến do IBC vẫn đang trong quá trình tham vấn các vấn đề về quy trình thủ tục pháp lý khi đầu tư thành lập doanh nghiệp tại nước ngoài.

Các tin khác