Hóa đơn tiền điện có tăng theo khung giá bán lẻ điện bình quân?

(ĐTTCO) - Sau khi có khung giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương sẽ đưa ra phương án giá bán lẻ điện bình quân. Từ đó, EVN mới có cơ sở để tính toán giá bán lẻ điện.
Hóa đơn tiền điện có tăng theo khung giá bán lẻ điện bình quân?

Chính phủ vừa ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới, với mức tối thiểu (chưa bao gồm thuế GTGT) là 1.826,22 đồng/kWh, tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với khung cũ, giá tối thiểu tăng 220,03 đồng/kWh (tương đương tăng 13,7%); giá tối đa tăng 537,67 đồng/kWh (tương đương tăng 28,2%).

Câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này là khung giá bán lẻ điện bình quân tăng, liệu hóa đơn tiền điện tháng này có tăng?

Thực tế, việc tăng khung giá bán lẻ điện bình quân chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Bởi lẽ, khung giá bán lẻ điện bình quân là mức sàn và trần để Chính phủ quy định cứng giá bán lẻ điện bình quân.

Khung giá bán lẻ điện bình quân, cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 sẽ là căn cứ để Bộ Công Thương tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 và báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Còn hiện tại, giá bán lẻ điện bình quân vẫn là 1.864,44 đồng/kWh, được áp dụng từ năm 2019 đến nay.

Đã 4 năm giá bán lẻ điện bình quân chưa thay đổi (Đồ họa: Thủy Tiên).

Tại Việt Nam, Nhà nước sẽ quy định khung giá bán lẻ điện bình quân và cơ chế điều chỉnh giá. Trong khi đó, giá bán lẻ điện sẽ do đơn vị điện lực (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) quyết định trên cơ sở khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mà Nhà nước quy định.

Liên quan đến việc xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, Bộ Công Thương mới đây có văn bản gửi EVN, yêu cầu khẩn trương hoàn thiện.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị EVN tập trung nguồn lực, hoàn thành quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, báo cáo tài chính của công ty mẹ tập đoàn và các đơn vị thành viên. EVN cũng cần làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín kiểm toán báo cáo theo đúng quy định.

Trên cơ sở quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính năm 2022 của công ty mẹ và các đơn vị thành viên, bước tiếp theo Bộ Công Thương sẽ công bố công khai kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022.

Được biết, EVN cũng được giao xây dựng lộ trình, mức độ điều chỉnh phù hợp trong trường hợp cần điều chỉnh tăng giá điện.

Các tin khác