Hòa Bình không còn… hòa bình

(ĐTTCO) - Sự sa sút của Coteccons (CTD) khiến cho giới đầu tư kỳ vọng Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ vươn lên để trở thành “ông vua” mới trong ngành xây dựng. Thế nhưng, tranh chấp ghế Chủ tịch HĐQT đã đẩy HBC vào tình cảnh cuộc chiến “1 mất, 1 còn”, thay vì hình ảnh môi trường làm việc thân thiện như tên gọi Hòa Bình.
HBC - Một thương hiệu xây dựng hàng đầu Việt Nam đã bắt đầu lung lay trong nội bộ.
HBC - Một thương hiệu xây dựng hàng đầu Việt Nam đã bắt đầu lung lay trong nội bộ.

Khi tham vọng trở thành cái cớ

Tháng 10-2022, tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, còn hào hứng “khoe” HBC đã vươn lên đứng đầu Top 10 nhà thầu xây dựng uy tín Việt Nam với gần 3.000 lao động. Các công trình do HBC thi công được phủ rộng tại 49/63 tỉnh thành trong cả nước và đã có mặt ở 2 quốc gia Malaysia và Myanmar.

Đặc biệt, 6 năm liền HBC vào Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam (2016-2021). Riêng năm 2020 và 2021, HBC đứng Top 1 nơi làm việc tốt nhất ngành xây dựng và kiến trúc. Từ thành công này, HBC đã chuẩn bị cho kế hoạch giai đoạn phát triển trong 10 năm tới (2022-2032) với doanh thu đạt xấp xỉ 20 tỷ USD, lợi nhuận gần 1 tỷ USD.

Trước đó 2 tháng, HBC đã tổ chức hội nghị các nhà phân tích với chủ đề "Bứt phá dũng mãnh". Một trong những nội dung đáng chú ý được ông Hải chia sẻ tại hội nghị là chiến lược đầu tư ra nước ngoài của HBC. Theo ông Hải, thị trường trong nước quy mô rất nhỏ so với thị trường toàn cầu với doanh thu mỗi năm khoảng 50-60 tỷ USD so với 12.000 tỷ USD (gấp hơn 200 lần).

Chính vì vậy, hoạt động xuất khẩu ngành xây dựng ra nước ngoài nhằm đảm bảo mục tiêu doanh thu 5 năm tăng 5 lần, tức 5 năm sau doanh thu đạt 4 tỷ USD, lợi nhuận bằng 5% doanh thu, tương đương 200 triệu USD. Theo lộ trình, HBC sẽ bắt đầu với 2 dự án tại Brisbane (Australia) và Ontario (Canada) trong năm 2023 và 2024 với tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD.

Thế nhưng, điều trớ trêu là tham vọng vươn ra nước ngoài lại là một trong những yếu tố được nhóm thành viên HĐQT độc lập mang ra để “đấu tố” ông Hải. Cụ thể, chiều ngày 5-1, 2 thành viên HĐQT độc lập là Nguyễn Công Phú và Dương Văn Hùng đã “bí mật” tổ chức gặp gỡ một số nhà báo tại quán cà phê.

Tại buổi gặp gỡ này, ông Phú và ông Hùng đã cung cấp những thông tin về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của HBC, từ chiến lược đầu tư ra nước ngoài, quản lý điều hành, cho đến các khuất tất trong việc quản lý tài chính lên đến 1.000 tỷ đồng.

Cuộc chiến “1 mất, 1 còn”

Sau cuộc gặp gỡ được tổ chức bất ngờ này, ông Hải ký tên với cương vị Chủ tịch HĐQT, đã ngay lập tức có công văn phản pháo: “Đây là hành vi vi phạm quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin, vi phạm các quy định về trách nhiệm của thành viên HĐQT ghi nhận tại điều lệ. Đặc biệt, hành vi của các thành viên này còn là hành vi vi phạm pháp luật, khi các thành viên này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin và phát tán tài liệu, mà còn cố tình diễn giải những thông tin, tài liệu sai lệch với bản chất”.

Cũng theo ông Hải, các thành viên này đã cố tình bóp méo, xuyên tạc, thậm chí nói ngược với sự thật, với động cơ bôi nhọ danh dự, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của lãnh đạo và danh tiếng của HBC, quyền lợi của các cổ đông. “Chúng tôi cho rằng động cơ thật sự của các thành viên này không gì khác hơn là giành quyền kiểm soát HBC để dễ bề thao túng với mục đích trục lợi cá nhân. Không loại trừ động cơ của các hành vi này còn tạo điều kiện cho các thế lực bên ngoài thâu tóm HBC”- ông Hải khẳng định.

Chưa dừng lại ở những tranh chấp giữa ông Hải và các thành viên HĐQT, mới đây một cổ đông đã nộp đơn khởi kiện HBC lên Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC), chi nhánh TPHCM. Cụ thể, cổ đông Huỳnh Bảo Ngọc khởi kiện HBC với yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết 50, 51, 53. Đây là các nghị quyết đưa đến cuộc “nội chiến” tại Tập đoàn HBC.

Trước đó, ngày 14-12-2022, HBC bất ngờ công bố Nghị quyết HĐQT số 50 thông qua việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Hải. Việc từ nhiệm này nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử ông Lê Viết Hiếu (con trai ông Hải) đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc (theo quy định của Luật Doanh nghiệp số 59/2022/QH14) vào kỳ ĐHCĐ năm 2023 sắp tới và được đồng thuận tuyệt đối (8/8 thành viên). Nghị quyết cũng thông qua việc thành lập Hội đồng sáng lập và ông Hải giữ vai trò Chủ tịch. Đồng thời, HĐQT đạt được sự đồng thuận của 8/8 thành viên cùng thông qua Nghị quyết số 51 về việc bổ nhiệm ông Phú, thành viên HĐQT độc lập, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 1-1-2023.

Tuy nhiên, đến ngày 31-12-2022, ông Hải bất ngờ công bố Nghị quyết số 53 với nội dung hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT. Ngay sau khi ông Hải tuyên bố sẽ tiếp tục nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, nhóm các thành viên HĐQT độc lập gồm các ông: Phú, Hùng, Lê Quốc Duy và Albert Antoine, đã phát đi thông báo bác bỏ tất cả các nội dung vừa được ông Hải công bố. Theo nhóm thành viên HĐQT độc lập, quyết định này là không hợp lệ vì không có đủ số lượng thành viên HĐQT tham dự để tiến hành tổ chức họp, không đủ số lượng phiếu bầu thông qua nghị quyết HĐQT theo quy định của Điều lệ công ty. Nhóm thành viên HĐQT độc lập kiên quyết bác bỏ toàn bộ các động thái do ông Hải và tuyên bố ông Phú là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Hòa Bình kể từ ngày 1-1.

Ai đang ngồi ghế Chủ tịch?

Biến cố đang xảy ra tại Hòa Bình, khiến nhiều NĐT đặt câu hỏi: Liệu có cuộc “phế truất” ở thượng tầng như từng xảy ra tại CTCP Xây dựng Coteccons? Đây là câu hỏi được nhiều cổ đông hết sức quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến “vận mệnh” của HBC trong thời gian tới. Theo giới phân tích, đây là một tranh chấp về pháp lý, việc phân định đúng sai sẽ do cơ quan pháp luật đưa ra quyết định. Tuy nhiên, với 4/7 thành viên HĐQT đứng ở bên kia chiến tuyến cho thấy ông Hải đang bị bất lợi về số phiếu ủng hộ.

Theo báo cáo mới nhất, ông Hải và gia đình đang sở hữu tổng cộng 21% vốn tại HBC, trong đó cá nhân ông Hải sở hữu 15,84% và là cổ đông lớn nhất. Số cổ phần còn lại thuộc về bà Bùi Ngọc Mai (vợ), con trai Lê Viết Hiếu, cùng với các anh, chị, em ruột của ông Hải. Cổ đông lớn khác là Hyundai Elevator đang nắm giữ 10,2%. Kế đến là Sanei Architecture Planning (Sanei) nắm 1,87% vốn. Như vậy, 67% vốn điều lệ còn lại của HBC do các cổ đông khác nắm giữ.

Nhận định về tranh chấp đang xảy ra tại HBC, theo một luật sư tại TPHCM, khi chưa có quyết định có hiệu lực của Tòa án xác định vô hiệu thì nghị quyết đó vẫn được coi là hợp pháp. Trong trường hợp của công ty HBC, ông Hải vẫn được coi là Chủ tịch HĐQT hợp pháp cho đến khi Nghị quyết 50, 51 và 53 đó được xác định là không có giá trị pháp lý. Trong trường hợp những người đang có chức vụ, quyền hạn liên quan nếu cho rằng nghị quyết không hợp pháp sẽ phải yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp. Như vậy, nếu không có quyết định từ Tòa án, ông Hải vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của HBC.

Các tin khác