Xung đột Nga - Ukraine: Cơ hội béo bở cho quốc phòng châu Âu

(ĐTTCO) - Tuần trước, hàng trăm giám đốc điều hành quốc phòng và hàng không vũ trụ đã tập trung ở miền Nam nước Anh cùng với các bộ trưởng, tướng lĩnh, thống chế không quân và quân nhân, để tham dự Triển lãm hàng không Quốc tế Farnborough. Đây là sự kiện được tổ chức thường xuyên trong hơn 7 thập niên qua, nhưng năm nay ngành công nghiệp có thể sẽ chứng kiến bước ngoặt lớn.

Anh đã cung cấp hàng ngàn vũ khí chống tăng NLAW cho Ukraine, nhưng cho đến nay chúng đều đến từ kho dự trữ chứ không phải đơn đặt hàng mới.
Anh đã cung cấp hàng ngàn vũ khí chống tăng NLAW cho Ukraine, nhưng cho đến nay chúng đều đến từ kho dự trữ chứ không phải đơn đặt hàng mới.
Bổ sung, thay thế, xây dựng lại
Bên trong tòa nhà hình hộp màu xám trong khu công nghiệp ở phía Đông Belfast, Bắc Ireland, các kỹ sư đang bận rộn với một loại vũ khí mới: tên lửa vác vai mang tên Vũ khí chống tăng nhẹ thế hệ tiếp theo (NLAW). Được thiết kế bởi Saab (công ty sản xuất máy bay chiến đấu Gripen cũng như nhiều hệ thống vũ khí và tàu ngầm của Thụy Điển) và lắp ráp bởi công ty con Thales của Pháp, hàng ngàn khẩu NLAW đã được vận chuyển đến Ukraine. Thành công của nó là một trong những thí dụ dễ thấy nhất về việc cuộc chiến Nga - Ukraine đã thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu như thế nào.
Kể từ khi cuộc tấn công toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2, các nước thành viên EU đã công bố mức tăng chi tiêu quốc phòng trị giá khoảng 200 tỷ EUR. Nhưng sự gia tăng này chẳng bõ bèn gì bởi châu Âu đã rất dè xẻn với quốc phòng trong suốt hơn 2 thập niên qua.
Từ năm 1999-2021, tổng chi tiêu của khối vào quốc phòng chỉ tăng 20%, so với 66% của Mỹ, 292% của Nga và 592% của Trung Quốc. Cuộc chiến cũng cho thấy sự thiếu chuẩn bị chung của châu Âu, khi các nước tranh nhau tìm kiếm hàng trăm xe tăng, nhiều hệ thống phóng tên lửa và pháo từ các kho dự trữ quốc gia để giúp Ukraine. Những kho dự trữ hiện đang cạn kiệt.
Theo Bastian Giegerich, Giám đốc phân tích quốc phòng và quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), thách thức công nghiệp của khối là gấp 3 lần: bổ sung các kho dự trữ đã cạn kiệt trong 2 thập niên qua; thay thế các thiết bị lỗi thời từ thời Chiến tranh Lạnh; xây dựng lại và đổi mới để có những khả năng mới. “Thách thức của ngành công nghiệp sẽ là bổ sung, thay thế và xây dựng lại. Tất cả cùng một lúc” - ông nói.
Thách thức hợp tác
Vào cuối những năm 1990, EU đã đưa ra chính sách an ninh và quốc phòng chung, để cố gắng phát triển năng lực hành động quân sự độc lập và quyền tự chủ chiến lược, nhưng tiến bộ đạt được rất chậm. Ngành công nghiệp quốc phòng của khối vẫn là sự kết hợp của các nhà thầu quốc tế lớn và các công ty tập trung vào mỗi quốc gia, cũng như hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có sự phân mảng lớn hơn trong lĩnh vực phòng thủ trên bộ và hải quân so với hàng không vũ trụ, nơi có nhiều nỗ lực hợp tác đa quốc gia hơn.
Tuy nhiên, ngay cả trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, sự hợp tác vẫn còn chắp vá, theo Douglas Barrie, thành viên cấp cao về hàng không vũ trụ quân sự tại IISS. Chẳng hạn, ngay cả các chương trình được xem là thành công như chiến đấu cơ Tornado và chương trình máy bay chiến đấu toàn châu Âu cũng có nhiều vấn đề đe dọa bị gỡ bỏ.
Các quốc gia châu Âu hiện đang theo đuổi 2 dự án máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo có tên Tempest, do Anh đứng đầu cùng với Thụy Điển và Italia; hệ thống FCAS (không quân chiến đấu tương lai), có sự tham gia của Pháp, Đức và Tây Ban Nha.
Thành tích kém về hợp tác chủ yếu do ngân sách ít ỏi. Vào năm 2020, chỉ 11% ngân sách quốc phòng của EU được chi cho các dự án hợp tác, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 35% do Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) đặt ra. Bức tranh về chi tiêu cho nghiên cứu và công nghệ cũng tương tự. Vào năm 2020, chỉ 6% được chi cho sự hợp tác với các quốc gia thành viên khác, mức thấp kỷ lục và rất thấp so với mục tiêu 20% của EU.
Quân đội của EU hiện có tới 17 dòng xe tăng chiến đấu chủ lực khác nhau so với chỉ 1 loại của Mỹ. Về chiến hạm, các thành viên châu Âu dùng tới 29 loại chiến hạm hoặc tàu khu trục hải quân, so với chỉ 4 loại khác nhau của Mỹ.

Sẽ có nhiều đơn đặt hàng?
Vào tháng 3, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua La bàn Chiến lược của EU về quốc phòng, đề xuất tạo ra một lực lượng có thể triển khai nhanh chóng ở châu Âu, cũng như tăng cường ngân sách. Cùng tháng, tại Versailles các nhà lãnh đạo đã kêu gọi EC đề xuất các biện pháp tăng cường cơ sở công nghiệp quốc phòng của châu Âu.
Theo các kế hoạch đó, EDA được giao nhiệm vụ cung cấp nhiều tiền hơn cho Quỹ quốc phòng châu Âu, thành lập lực lượng đặc nhiệm mua sắm vũ khí. Cùng với đó là các ưu tiên hiện đại hóa hệ thống phòng không của châu Âu, mở rộng khả năng bay không người lái, không gian mạng và vũ trụ. Một mục tiêu nữa là phát triển xe tăng chiến đấu mới, dự án xe tăng MGCS thay thế Leopard của Đức và Leclerc của Pháp. Miễn thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị quốc phòng được sản xuất ở châu Âu cũng đã được đề xuất.
Các nhà điều hành trong ngành đã hoan nghênh các kế hoạch này như là bằng chứng của sự thay đổi chiến lược. Chẳng hạn, dự án trị giá hàng tỷ EUR về máy bay không người lái đầu tiên của khối vào năm 2029 là thí dụ về chương trình hợp tác toàn châu Âu. “Eurodrone đang cất cánh. Tôi chắc chắn những dự án khác sẽ tiếp nối” - Chủ tịch ASD Profumo nói.
Tuy nhiên, trong quá khứ sự phân chia quyền sở hữu trí tuệ và chia sẻ công việc giữa các công ty đã gây tổn hại cho các chương trình lớn trên toàn châu Âu. Armin Papperger, CEO Rheinmetall của Đức, cho biết: “Việc phân phối quyền sở hữu trí tuệ là thách thức lớn nhất”. Trường hợp hệ thống FCAS là thí dụ về sự khó khăn trong việc hợp tác giữa Pháp-Đức-Tây Ban Nha. Cuộc chiến giữa Airbus và Dassault về chia sẻ công nghệ và ai sẽ lãnh đạo các phần quan trọng của chương trình, đã bủa vây dự án kể từ khi khởi động.
Trong bối cảnh trên, các quan chức cho biết rất cần cái bắt tay NATO-EU. Bởi sự hợp tác giữa NATO và EU, 2 tổ chức đa quốc gia có trụ sở tại Brussels, rất quan trọng đối với bất kỳ sáng kiến nào. Các quan chức NATO nói chi tiêu quốc phòng của châu Âu ngay cả khi tăng mạnh cũng sẽ không đạt được mục tiêu, nếu EU không buộc các quốc gia thành viên hợp lý hóa việc mua sắm và hoán đổi các mục tiêu quốc gia kém hiệu quả sang các mục tiêu toàn châu Âu.
Một quan chức cấp cao của NATO cho biết: “Chúng tôi có thể yêu cầu chi tiêu quốc phòng ngày càng cao hơn, nhưng nếu các lãnh đạo EU không thể ép buộc họ chi tiêu hợp lý số tiền đó, sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn”. 

Các tin khác