Tương lai Fed “Bình cũ nhưng rượu có mới“?

(ĐTTCO) - Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tái bổ nhiệm ông Jerome Powell làm Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), và cũng đề cử bà Lael Brainard làm Phó Chủ tịch thứ 22 của Fed. Liệu những đề cử này có làm thay đổi tương lai chính sách của Fed?
Tổng thống Biden (giữa) và ông Jerome Powell cùng bà Lael Brainard.
Tổng thống Biden (giữa) và ông Jerome Powell cùng bà Lael Brainard.
Toan tính của Biden và thách thức cho Powell
Nếu được Thượng viện xác nhận, bà Brainard sẽ kế nhiệm Richard Clarida, người đang là Thống đốc Hội đồng Dự trữ Liên bang kiêm Phó Chủ tịch Fed, sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 1-2022. Với 2 đề cử này, Hội đồng Thống đốc 7 ghế của Fed sẽ có 2 vị trí trống là sự ra đi của Clarida và việc Randal Quarles dự kiến từ chức vào cuối năm. Điều này khiến ông Biden có cơ hội rộng mở để tái lập Hội đồng Thống đốc khi ông muốn tăng cường quy định về ngân hàng một cách đáng kể. Bởi lẽ trước đây trong hội đồng thống đốc đa phần phản đối việc nới lỏng các yêu cầu về vốn và thanh khoản đối với các ngân hàng Mỹ, ngay cả vào thời điểm khủng hoảng quốc gia và toàn cầu, trong khi ông Biden muốn siết lại.
Chủ tịch Fed Jerome Powell là người chủ trương bình thường hóa chính sách. Đây là điều khiến năm 2018 ông đối đầu với Tổng thống Donald Trump. Do vậy ông Powell trong nhiệm kỳ thứ hai sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Một trong những điều đáng ngại nhất sẽ là tình trạng nợ nần trên phạm vi quốc gia và trên toàn thế giới. 
Ruchir Sharma, trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu của Morgan Stanley Investment Management, nói: “Tôi tin rằng thế giới đang ở trong một cái bẫy nợ. Trong 4 thập niên qua, tổng số nợ đã tăng hơn gấp 3 lần lên 350% GDP toàn cầu". Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ông Powell không muốn lãi suất tăng, vì kỳ vọng lạm phát được tích hợp vào lợi suất trái phiếu, như ông Sharma nhận định "lãi suất dài hạn không thể tăng cao hơn bởi vì thế giới đang mắc nợ quá nhiều".
Thế giới đang nợ quá nhiều, và ngay cả một sự gia tăng nhỏ trong lãi suất dài hạn cũng có thể dẫn đến những sự kiện thảm khốc trên thị trường trái phiếu. Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng một số loại "lỗi chính sách" có thể xảy ra trong thế giới ngân hàng trung ương, dẫn đến lãi suất tăng và giá trái phiếu giảm. Vì vậy, các ngân hàng trung ương muốn điều tiết các thị trường tài chính để tránh các sự cố. Từ trước cuộc Đại suy thoái năm 1930 đến nay, thị trường chưa bao giờ chứng kiến mức lãi suất trên 5%.
Fed hiện đang giảm dần việc mua chứng khoán từ 120 tỷ USD mỗi tháng. Việc cắt giảm được cho là sẽ kết thúc vào tháng 6-2022. Tuy nhiên, từ đây đến đó Fed sẽ đưa thêm 420 tỷ USD chứng khoán vào bảng cân đối kế toán của mình. Liệu họ có bù đắp những khoản mua này bằng việc sử dụng thị trường "repo" như đã làm trong năm qua hay không, lại là một câu chuyện khác. Hiện tại, Fed có hơn 1.700 tỷ USD trong các thỏa thuận repo trên bảng cân đối kế toán của mình, được sử dụng để giữ cho lãi suất chính sách của Fed không rơi vào vùng âm. 

Giá trị đồng USD?
Có một điều nhiều nhà phân tích tin ông Powell sẽ phải bắt đầu giải quyết trong vòng 6 tháng tới hoặc lâu hơn, đó là giá trị của đồng USD. Song ông Powell tỏ ra không mấy quan tâm đến giá trị của đồng USD, và đây là một lý do khiến nhiều nhà phân tích muốn bà Lael Brainard trở thành Chủ tịch Fed mới. Với sự tham gia của bà vào các tình huống nước ngoài khi làm việc tại Bộ Tài chính Mỹ, người ta cho rằng bà sẽ chú ý đến đồng USD nhiều hơn ông Powell.
Tuy nhiên, với việc bổ nhiệm bà làm Phó Chủ tịch Fed, ông Biden có lẽ muốn bà đưa vấn đề giá trị của đồng USD nhiều hơn vào các cuộc thảo luận chính sách tiền tệ. Kể từ đầu tháng 6-2021, giá trị của đồng USD đã tăng lên. Vào cuối tháng 5-2021, phải mất khoảng 1,22USD để mua 1EUR. Gần đây, chỉ cần khoảng 1,124USD để mua 1EUR. Nguyên nhân cơ bản khiến đồng USD mạnh lên do các nhà giao dịch tin rằng Fed sắp "thắt chặt" chính sách tiền tệ so với lập trường của các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới.
Nhiều ngân hàng trung ương lớn không muốn "thắt chặt" ngay bây giờ, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Các ngân hàng trung ương khác đang thể hiện mối quan tâm lớn hơn về việc lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng gì đến trái phiếu quốc gia trong khu vực địa lý của họ. Sự “ngược dòng” của Fed với các ngân hàng trung ương lớn khác dự báo sẽ ngày càng gia tăng vào năm 2022.

Tương lai
Fed sẽ có một chặng đường khó khăn phía trước. Mặc dù Fed luôn phải xoay sở để hoàn thành nhiệm vụ song song của mình là cố gắng ổn định giá cả, đồng thời hướng tới việc làm bền vững tối đa, và nhiệm vụ kép vừa đẩy vừa kéo này phải được cân bằng để làm sao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Fed của Powell dưới thời Biden còn phải đối mặt với áp lực và thậm chí có thể là một nhiệm vụ bổ sung các vấn đề như chống bất bình đẳng và biến đổi khí hậu. 
Fed cũng đứng trước áp lực lấy lại “thanh danh”, sau khi một số ít quan chức Fed dường như đã giao dịch bằng tài khoản của chính họ trong khi nắm giữ quyền lực về chính sách. Ngoài ra, có lẽ Fed cũng phải phát triển một đồng USD kỹ thuật số để “bằng chị bằng em”, trong bối cảnh Trung Quốc đã có đồng NDT kỹ thuật số và Ấn Độ đang cố gắng tiến tới không dùng tiền mặt. Đây là một xu hướng mà có lẽ tất cả các ngân hàng trung ương đều đang xem xét. 

Các tin khác