Trung Quốc vươn ra toàn cầu (K1): Tham vọng bắt kịp thế giới

(ĐTTCO) - LTS: Trong những thập niên qua, CHND Trung Hoa nổi lên như một cường quốc về đầu tư toàn cầu. Gần đây, nước này cũng trở thành một nguồn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (OFDI) tăng vọt, vào cả thị trường đang phát triển và phát triển.
Cũng từ đó, Trung Quốc, đã chuyển đổi từ nước xuất khẩu hàng hóa lớn sang nước xuất khẩu vốn lớn. Các nhà nghiên cứu quốc tế cảnh báo về những “thách thức” đang đến và/hoặc “sự đối đầu” các công ty Trung Quốc làm đại diện. Vậy thực chất vấn đề này như thế nào? ĐTTC trích, lược thuật góc nhìn của học giả - giảng viên Tobias ten Brink, người có nhiều năm nghiên cứu, làm việc tại Đại học Goethe ở Frankfurt, MIT ở Cambrige, Theodor Heus ở New York… Tác phẩm này của ông có tựa đề: Xu hướng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc - Hỗ trợ về chính sách và các hệ quả quốc tế.
Gia tăng xu hướng đầu tư ra ngoài
Trong vài năm qua, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các công ty tư nhân, công ty liên doanh và công ty có vốn nhà nước đến từ Trung Quốc gia tăng đáng kể. Thực sự, điều này không còn đơn thuần dựa vào chi phí nhân công rẻ. Lợi thế cạnh tranh ban đầu dựa trên chi phí đầu vào thấp hiện đang chuyển hóa thành tính cạnh tranh thâm dụng tri thức, ngay cả ở các lĩnh vực công nghệ mới nổi như sản xuất điện gió.
Nghiên cứu của Nahm và Steinfeld đã lưu ý “khả năng đóng góp nguồn tri thức quan trọng của các công ty Trung Quốc vào quá trình thương mại hóa các ý tưởng hoàn toàn mới, cho thấy Trung Quốc đóng vai trò ngày càng trung tâm trong sự phân công lao động toàn cầu, không chỉ đơn giản là địa điểm sản xuất được ưa chuộng của thế giới”.
Thêm nữa, các thị trường nội địa lớn và được bảo hộ đóng vai trò là tiền đề cho sự phát triển của các công ty đa quốc gia mới nổi, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ tầm trung.

Ngày nay, OFDI của Trung Quốc bao gồm nhiều thành phần khác nhau, từ các hợp đồng quốc tế, công ty liên doanh, công ty con tại nước ngoài cho đến hình thức mua bán sáp nhập và mua cổ phần. Sau khi tạo được các mối liên kết quốc tế thông qua bán hàng trực tiếp, các công ty Trung Quốc thường thiết lập các thỏa thuận hợp đồng ở nước ngoài (thí dụ các dự án cơ sở hạ tầng) và cuối cùng là đầu tư ra nước ngoài. Bằng cách đó, các công ty này đi theo con đường phát triển kinh tế được vạch ra bởi các công ty khác đến từ những nền kinh tế mới nổi đã có hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Tổng vốn OFDI của Trung Quốc tăng đạt 118 tỷ USD trong năm 2007 và tiếp tục gia tăng sau năm 2008, đối lập với xu hướng sụt giảm đầu tư nước ngoài toàn cầu. Năm 2013, tổng vốn OFDI của Trung Quốc đạt 614 tỷ USD. Tổng vốn OFDI của Trung Quốc vẫn còn nhỏ so với tổng vốn đầu tư toàn thế giới, tuy nhiên, xét về dòng vốn OFDI, Trung Quốc đã vươn lên xếp vị trí thứ 3 trong số 6 nước đầu tư dẫn đầu thế giới trong những năm qua. 
Trung Quốc vươn ra toàn cầu (K1): Tham vọng bắt kịp thế giới ảnh 1 Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc NDRC (ảnh sau hàng rào) là cơ quan đưa ra chính sách đầu tư của Trung Quốc ngoài lãnh thổ, đang có động thái ngăn chặn tình trạng tháo chạy vốn ra nước ngoài. 
Các công ty Trung Quốc chủ yếu tập trung đầu tư tại châu Á và các thị trường mới nổi khác, điều này lý giải phần nào nguyên nhân các công ty này ít xuất hiện ở châu Âu hay Hoa Kỳ trong thời gian dài. Hoạt động OFDI của Trung Quốc do đó giống với giai đoạn phát triển của nền kinh tế trong nước thời kỳ đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu và ngành sản xuất, khai khoáng và bán buôn bán lẻ. Tuy nhiên, mục tiêu của các công ty Trung Quốc đồng thời cũng là duy trì để hoạt động tại các nền kinh tế OECD lớn nhất, là xây dựng nền tảng xuất khẩu để tiếp cận tốt hơn thị trường Bắc Mỹ, một động lực quan trọng để tăng cường các hoạt động của Trung Quốc tại Mỹ Latin. 
Các doanh nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế trong các mảng công nghệ cao, gồm TCL trong lĩnh vực sản xuất ti vi, Lenovo trong ngành công nghiệp máy tính và Huawei và ZTE trong lĩnh vực viễn thông. Thành công của họ một phần có được nhờ biết dựa vào sự hỗ trợ của các cơ sở nghiên cứu trong nước. Số doanh nghiệp định hướng tài nguyên đặt mục tiêu bảo đảm nguồn nguyên liệu thô. 3 công ty dầu khí lớn của Trung Quốc (Sinopec, Petrochina, CNOOC) đang hoạt động trong nhiều dự án dầu và khí thiên nhiên ở nhiều quốc gia, trong đó có các nước nhạy cảm về địa chính trị như Iraq và Iran. Xếp hạng dựa trên tổng vốn OFDI, các công ty này thuộc tốp 5 công ty đa quốc gia phi tài chính mới nổi của Trung Quốc.

Mở rộng thị trường, chuỗi giá trị
Động cơ đầu tư ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc chủ yếu liên quan đến kinh tế, từ sự phát triển kinh tế theo cấu trúc đến các chiến lược mở thị trường mới và nâng cấp công nghệ. Kể từ những năm 1990, quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp đã đặt ra áp lực lớn hơn lên các công ty trong lĩnh vực tài nguyên (chủ yếu là các công ty có vốn nhà nước) trong việc cải thiện khả năng sinh lời. Trong trường hợp của Sinopec, Petrochina và CNOOC, lợi nhuận trong nước suy giảm và đầu tư nước ngoài vào các tài sản dầu khí thượng nguồn là cách để thoát khỏi tình trạng ép giá ở trong nước. 
Các động cơ khác liên quan đến mong muốn kinh doanh của những công ty xuất khẩu tập trung và công ty lãnh đạo công nghệ nhằm mở thị trường mới, thực hiện lan tỏa công nghệ đảo ngược và cải thiện hiệu quả hoạt động, như thông qua việc mua những tài sản chiến lược hay xây dựng các kênh phân phối sản phẩm Trung Quốc.
Điều thú vị là chỉ 20% công ty Trung Quốc chọn cách thành lập công ty 100% vốn Trung Quốc để kinh doanh tại nước ngoài. Thành lập công ty liên doanh hay Consortiumv với các đối tác nước ngoài thường hữu ích hơn đối với các công ty Trung Quốc. Đôi khi, các công ty Trung Quốc giàu có, như Công ty sản xuất xe cá nhân Geely có thể mua lại các công ty thâm dụng công nghệ nổi tiếng của phương Tây (như Volvo).
Chiến lược nâng cấp công nghệ và tiến lên trong chuỗi giá trị được phản ánh trong các dữ liệu quốc gia về dòng vốn OFDI. Theo Báo cáo Thống kê về OFDI của Trung Quốc, giữa năm 2004 và 2010, dòng OFDI trong mục “Nghiên cứu Khoa học, Dịch vụ Kỹ thuật và Khảo sát Địa chất” mỗi năm tăng từ 18 triệu lên 1.019 triệu USD. Trong mục “Truyền dẫn Thông tin, Dịch vụ Máy tính và Phần mềm”, OFDI mỗi năm tăng từ 31 triệu lên 506 triệu USD. Mặc dù tổng vốn OFDI của 2 mục này vẫn nhỏ so với lĩnh vực sản xuất (17,8 tỷ USD), khai khoáng (44,6 tỷ USD) và bán buôn bán lẻ (42 tỷ USD), nhưng OFDI 2 ngành này thật sự ngày càng quan trọng. Điều này cũng được minh chứng bởi các doanh nghiệp định hướng tài nguyên như các tập đoàn dầu khí lớn của Trung Quốc.
Vào những năm 2000, các doanh nghiệp này tập trung OFDI chủ yếu vào các quốc gia như Kazakhstan, Nigeria hay Sudan. Trong những năm gần đây, họ cũng bắt đầu đầu tư mạnh vào các nước công nghiệp và những ngành công nghệ cao. Vào năm 2012, CNOOC thâu tóm Nexen, một công ty chuyên về cát dầu, dầu đá phiến và khoan nước sâu của Canada, làm nên thương vụ sáp nhập ở nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc với tổng trị giá là 15 tỷ USD.
Các công ty Trung Quốc đang ngày càng cố gắng hội nhập thị trường toàn cầu thông qua hoạt động mua bán sáp nhập xuyên biên giới. Về cơ cấu OFDI, trong năm 2011, 44% vốn OFDI của Trung Quốc bao gồm hoạt động mua bán sáp nhập, trong khi 55% còn lại là đầu tư mới. Năm 2012, các công ty Trung Quốc ở đại lục tiến hành 191 vụ sáp nhập ở nước ngoài với trị giá giao dịch cao kỷ lục đạt 65,2 tỷ USD, tăng vọt hơn 50% từ 42,4 tỷ USD trong năm 2011. Những nỗ lực kể trên nhằm “tiến lên cao hơn trong chuỗi giá trị” nằm trong mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc. 
Ngày càng có nhiều nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc đổ vào các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ. Các công ty Trung Quốc chọn Hoa Kỳ là đích đến hàng đầu trong hoạt động mua bán sáp nhập. Ở châu Âu, một cuộc chuyển dịch thực sự đang diễn ra từ hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên và hỗ trợ thương mại hướng đến phạm vi mở rộng hơn các ngành công nghiệp và tài sản. Các thiết bị và dịch vụ viễn thông, máy móc công nghiệp và năng lượng tái tạo thu hút vốn đầu tư Trung Quốc nhiều nhất.  

Chính sách hỗ trợ phát triển
Tương tự như doanh nghiệp ở các nền kinh tế mới nổi khác khi đầu tư ra nước ngoài, tài sản chiến lược quan trọng các công ty Trung Quốc đang cố gắng theo đuổi là tạo dựng những thương hiệu toàn cầu. TCL, công ty sản xuất tivi lớn thứ tư thế giới trong năm 2012, là một thí dụ điển hình. TCL là một trong các công ty Trung Quốc đầu tiên cạnh tranh với các công ty đa quốc gia lớn trên trường quốc tế. Trong những năm 2000, chiến lược của công ty đã được niêm yết này là tìm kiếm liên doanh với những nhà sản xuất nước ngoài hàng đầu và tìm kiếm các thương vụ sáp nhập xuyên biên giới. Công ty này đã mua được Schneider, một doanh nghiệp phá sản của Đức và Công ty Go Video có trụ sở ở Hoa Kỳ.
Quan trọng hơn, vào năm 2004, TCL đã thành lập liên doanh với các hãng điện tử lớn có trụ sở tại Pháp là Thomson và Alcatel, trong đó TCL lần lượt giữ 67% và 55% vốn cổ phần. Cho đến bây giờ, TCL hoạt động theo chiến lược đa thương hiệu, trải rộng hoạt động sản xuất và mạng lưới kinh doanh của mình đến rất nhiều quốc gia, một phần cũng nhờ vào những nền tảng vững chắc và các kênh phân phối của các công ty liên doanh.
Các tài liệu về chủ nghĩa tư bản so sánh đã chỉ ra, nền kinh tế chính trị hiện tại của Trung Quốc có thể được hiểu là nền kinh tế thị trường điều tiết bởi nhà nước, là một hình thức có sự can thiệp lớn của nhà nước - hệ quả từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, đảng cầm quyền và sự phát triển công nghiệp muộn - có quan điểm chính sách ủng hộ kinh doanh, hỗ trợ phát triển nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, khác xa với nền kinh tế bao cấp, việc các thể chế thị trường ngày càng trở nên quan trọng trong đời sống kinh tế và việc các chính quyền địa phương cạnh tranh lẫn nhau là điều không thể tranh cãi.
Những hình thức mới của các “doanh nghiệp nhà nước”, hầu hết đã được niêm yết, định hướng cạnh tranh, theo đuổi lợi nhuận đã xuất hiện, mặc dù định nghĩa chuẩn hơn sẽ là doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước, không phải doanh nghiệp do nhà nước điều hành. Thêm nữa, các công ty tư nhân và công ty lai, các thực thể kinh tế công - tư như Huawei hay Lenovo cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong sự năng động của nền kinh tế Trung Quốc.
 Tầm quan trọng của việc hỗ trợ về chính sách đối với nỗ lực vươn ra thế giới của các công ty Trung Quốc, ở mức độ lớn, bắt nguồn từ tham vọng phát triển thiên về kinh doanh nhằm gia nhập phân khúc thị trường công nghệ cao. Và không chỉ có các doanh nghiệp nhà nước được hỗ trợ. Ngày nay, các công ty tư nhân lớn cũng được các lãnh đạo nhà nước coi như “nhà vô địch của quốc gia”, xứng đáng nhận được các hỗ trợ về chính sách. Điều này là do Trung Quốc muốn tiến lên trong chuỗi giá trị và phát triển những nguồn lực sáng tạo nội sinh thêm lớn mạnh. Nhiều nỗ lực rộng khắp đã được thực hiện nhằm kết hợp tính sáng tạo của doanh nghiệp với các năng lực của nhà nước, như thúc đẩy các cải tiến công nghệ và công nghiệp. Xu hướng hỗ trợ các công ty tiến ra toàn cầu xuất phát từ những nỗ lực của chính quyền nhằm “nâng cấp” nền kinh tế.
(còn tiếp)

Các tin khác