Sức nặng kinh tế Biển Đông

(ĐTTCO) - Biển Đông không những nằm trên tuyến đường quan trọng của thương mại hàng hải toàn cầu, còn là nơi có nguồn lợi thủy sản và trữ lượng dầu mỏ, khoáng sản cực lớn. Chính vì vậy mà nhiều nước luôn tranh giành vị thế của mình trên biển Đông.

Nhiều nước luôn tranh giành vị thế của mình trên biển Đông.
Nhiều nước luôn tranh giành vị thế của mình trên biển Đông.
Tuyến hàng hải quan trọng
Trong số 10 cảng vận tải biển hàng đầu thế giới, hơn một nửa nằm ở biển Đông. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có 2 cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Kông. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. 5/10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất thế giới liên quan đến biển Đông, gồm tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Suez, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Australia, New Zealand; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Australia và New Zealand, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á. 
Biển Đông được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ 2 của thế giới. Mỗi ngày có khoảng 150-200 tàu các loại qua lại biển Đông, trong đó khoảng 50% tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Gần 50% tổng số tàu chở dầu đi qua biển Đông, lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Khu vực biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai - Wetar). Đặc biệt, eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ 2 thế giới (chỉ sau eo biển Hormuz).
Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng còn bởi dân số trong vòng 100 dặm từ bờ biển của nó lên tới khoảng 1,5 tỷ người, và những nền kinh tế ven biển đã phát triển rất nhanh những năm qua. Chẳng hạn, các khu vực giáp biển Đông của Trung Quốc đã trở thành các đô thị nhộn nhịp, làm tăng lượng lớn giao thông, thúc đẩy các nước này tiếp tục phát triển kinh tế. 

Tài nguyên thiên nhiên
Đánh bắt cá là một phần không thể thiếu đối với các nền kinh tế Đông Nam Á và Trung Quốc. Gần 1,5 tỷ người sống dọc theo bờ biển Đông dựa vào đánh bắt cá để lấy lương thực và kiếm sống. Biển Đông đứng thứ 4 trong số 19 khu vực nghề cá hàng đầu trên thế giới về tổng sản lượng hàng hải. Khu vực này thường xuyên sản xuất khoảng 10% sản lượng đánh bắt thương mại trên toàn thế giới. 
Biển Đông còn được đánh giá là 1 trong 5 bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính ở biển Đông có 900.000 tỷ feet khối trữ lượng khí đốt tự nhiên và dầu mỏ, tương đương 7 tỷ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney - Saba, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Kông, Sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Hiện nay, hầu hết quốc gia trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển, như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan, và Indonesia là thành viên của OPEC.
Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí, trong đó các bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn nhất, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng 1.000 tỷ m3. Ngoài ra, khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng, được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần. 
Không chỉ vậy, Biển Đông còn tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế và là cửa ngõ để Việt Nam giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hóa. Đồng thời, là không gian sinh tồn để Việt Nam phát triển bền vững các ngành kinh tế mũi nhọn, như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch… Ngoài ra, ven biển Việt Nam còn chứa đựng tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng, như than, zircon, thiếc, vàng, đất hiếm... trong đó cát nặng, cát đen là nguồn tài nguyên quý giá.

Nếu Biển Đông bị “đóng”?
Nếu một nước kiểm soát biển Đông và cản trở việc đi lại trong khu vực, nỗi đau sẽ được cảm nhận trên toàn thế giới. Theo một nghiên cứu được công bố bởi Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ, chi phí vận chuyển bổ sung sẽ làm giảm hoạt động kinh tế trên toàn thế giới, nhưng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia ở tâm chấn. 
Nghiên cứu giả định rằng một cuộc xung đột sẽ làm đóng cửa eo biển Malacca giữa Malaysia và Indonesia, và sẽ ngăn chặn tất cả tuyến đường Đông-Tây giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua biển Đông. Khi đó việc vận chuyển hàng hóa sẽ phải chuyển qua eo biển Torres về phía Bắc của Australia. Điều này không khả thi bởi các rạn san hô và độ sâu nông của biển khu vực này rất nguy hiểm cho các tàu lớn. Đối mặt với tình trạng đóng băng hoàn toàn đối với vận chuyển quốc tế, nền kinh tế Đài Loan sẽ giảm 1/3, trong khi nền kinh tế Singapore giảm 22%, theo ước tính cơ sở. Hồng Kông, Việt Nam, Philippines và Malaysia giảm 10-15%.
Mô hình cho thấy tác động kinh tế sẽ thấp nhất đối với các quốc gia có tuyến đường thương mại ngắn hơn và những quốc gia có khả năng bù đắp tổn thất thương mại quốc tế bằng chi tiêu trong nước tốt nhất. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ phải đối mặt với mức tổn thất 0,7% vì nước này có các thị trường nội địa khổng lồ và các cảng bên ngoài khu vực xung đột tiềm tàng. Kịch bản mô hình cũng cho thấy Australia sẽ bị sụt giảm 1,9-3,1%. Nền kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ giảm 2-3%.
Một cuộc xung đột cũng sẽ có tác động đáng kể đến một số quốc gia bên ngoài khu vực. Thí dụ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ phải đối mặt với mức giảm 5% và Ả Rập Xê-út giảm 3% do mất thương mại. Nếu không có tự do hàng hải, giá của nhiều loại hàng hóa cần thiết, đặc biệt là dầu, sẽ tăng chóng mặt do việc định tuyến lại và những phiền toái khác phát sinh từ những con đường kém hiệu quả. 
 Biển Đông là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ 2 thế giới, là 1 trong 5 bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới, đứng thứ 4/19 khu vực nghề cá hàng đầu với khoảng 10% sản lượng đánh bắt thương mại trên toàn thế giới. 

Các tin khác