Cuộc chiến kinh doanh trên vũ trụ ảo

(ĐTTCO) - Cho đến nay không gian ảo của internet đã có bước tiến mới, đó là vũ trụ ảo (còn gọi là metaverse). Đây là đấu trường tiếp theo trên không gian ảo mà các doanh nghiệp, thương hiệu phải tranh giành ảnh hưởng. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thay vì xem nội dung kỹ thuật số trên máy tính của không gian ảo, với vũ trụ ảo chúng ta sẽ đeo tai nghe và kính thực tế ảo để di chuyển trong môi trường kỹ thuật số 3D, tựa như những bộ phim khoa học viễn tưởng mà chúng ta từng xem.
Internet ngày nay thường là nơi để hàng triệu người trên thế giới truy cập thông tin và dịch vụ, giao tiếp với nhau, bán hàng hóa và giải trí. Còn vũ trụ ảo được dự đoán sẽ lặp lại các giá trị này, nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế thế giới thực. Nói cách khác, vũ trụ ảo có khả năng cho các công ty và cá nhân tham gia vào hoạt động kinh tế giống như cách họ làm ngày nay trong thế giới thực, nghĩa là có thể xây dựng, kinh doanh và đầu tư vào các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ trong vũ trụ ảo mà như thật. 

Cơ hội đột phá
Theo JP Morgan, vũ trụ ảo sẽ thâm nhập vào mọi lĩnh vực kinh doanh trong những năm tới, đạt đến đỉnh điểm là một thị trường trị giá hơn 1.000 tỷ USD doanh thu hàng năm. Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook – công ty mới đổi tên thành Meta, cho biết vũ trụ ảo sẽ là “cơ hội lớn nhất cho kinh doanh hiện đại kể từ khi internet ra đời”. Mark Zuckerberg đã vạch kế hoạch chi hơn 10 tỷ USD để phát triển phần mềm và phần cứng thực tế ảo. 
Các tiến bộ trong công nghệ đang trở nên đáng tin cậy hơn. Ngay cả Disney cũng đã xin cấp bằng sáng chế công nghệ vũ trụ ảo cho các công viên giải trí ảo của mình. Hay nhà sản xuất ô tô BMW đã xây dựng các phiên bản kỹ thuật số của 31 nhà máy khác nhau, với môi trường 3D giống như đời thực. Chúng được sử dụng cho các chức năng khác nhau, bao gồm đào tạo robot di chuyển xung quanh nhà máy và tập hợp các nhà thiết kế từ các quốc gia khác nhau để thử nghiệm trên dây chuyền mới. Trong khi đó, Warner Bros, đã tổ chức một bữa tiệc trong thế giới ảo Roblox để kỷ niệm bộ phim ca nhạc của họ: In the Heights; và thương hiệu Gucci đã xây dựng một trải nghiệm sân vườn trong metaverse. 
Có một lý do khiến các công ty này đều đổ vào: tiền. Bởi thị trường vũ trụ ảo toàn cầu dự kiến sẽ đạt 1.527,55 tỷ USD vào năm 2029 từ 100,27 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) là 47,6%. Sự tăng trưởng này được cho là do sự gia tăng trong việc áp dụng trò chơi điện tử trực tuyến và sự ưa thích của người tiêu dùng đối với việc mua sắm trực tuyến các sản phẩm. Vũ trụ ảo đang trở nên quan trọng vì nó cung cấp một cách mới cho các doanh nghiệp để giao tiếp và cộng tác với người dùng từ mọi nơi trên thế giới. 

Kinh doanh gì trên vũ trụ ảo
Thí dụ, nếu ông chủ có thể xây dựng và kiếm tiền từ một khu vực giải trí ngoài đời thực, thì ông chủ này có thể kinh doanh loại hình này trên vũ trụ ảo, và những người tham gia vũ trụ ảo có thể đến chơi trò chơi; hay tương tự một thương hiệu thời trang có thể mở một cửa hàng quần áo thực tế ảo (VR). Thậm chí, người không có đầu óc kinh doanh nhưng có kiến thức công nghệ, có thể kiếm tiền bằng cách sử dụng các kỹ năng của mình như một người xây dựng, bằng cách cung cấp một cấu trúc kiến trúc hoặc sáng tạo kỹ thuật số trong metaverse. 
Ngoài ra, sự ra đời của metaverse giúp cho doanh nghiệp tiến hành các cuộc họp kinh doanh và các buổi đào tạo trong thời đại làm việc từ xa trở nên dễ dàng hơn. Sử dụng tai nghe và kính VR, bạn và đồng nghiệp của mình có thể ngồi quanh cùng một bàn và thảo luận các vấn đề quan trọng trong một môi trường hoàn toàn nhập vai. Sau khi cuộc họp kết thúc, bạn có thể tháo tai nghe và quay lại thế giới thực. Nói tóm lại, metaverse cho phép bạn ở bất cứ đâu và với bất kỳ ai trong một khung cảnh thực tế.
Hiện tại có rất nhiều nền tảng có thể được coi là một phiên bản của metaverse đang hoạt động gồm các lĩnh vực như bất động sản, trò chơi, mã thông báo không thể thay thế (NFT)… Một trong những nền tảng phổ biến nhất bao gồm Roblox, hiện có hơn 49 triệu người dùng đang hoạt động. Với việc tập trung vào người trẻ, Roblox cho phép người dùng tham gia vào nhiều trò chơi và dịch vụ giải trí. Đây là một mô hình cũng đã làm nên thành công của Fortnite. Nó đã trở thành một địa điểm ảo, nơi mọi người có thể đi chơi và tham dự các buổi hòa nhạc trong trò chơi. Một số nghệ sĩ nổi bật bao gồm Travis Scott, Ariane Grande đã tham gia nền tảng. Nhiều thương hiệu có uy tín cũng đã bắt đầu hợp tác với Fortnite về tiếp thị nội dung, chiến dịch PR và các sự kiện metaverse được tài trợ. Các hãng thời trang nổi tiếng như Gucci và Valentino đã bắt đầu bước những bước đầu tiên trong metaverse, và những hãng khác như Nike và Adidas đã mở các cửa hàng ảo, nơi người dùng có thể mua NFT của giày thể thao và quần áo thể thao trên vũ trụ ảo.
Trong khi đó, một nền tảng cũng đang thành công trong vũ trụ ảo là Decentraland, đã tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra các cơ sở hạ tầng kỹ thuật số được hỗ trợ bởi công nghệ chuỗi khối Ethereum. Tại đây, người dùng có thể tham gia vào các hoạt động thực tế như mua đất ảo, tổ chức sự kiện và tạo đối tượng ảo. Rất nhiều thương hiệu nổi tiếng đã hiện diện ở Decentraland, bao gồm cả Samsung và Sotheby’s. Do vậy, trước khi chọn nền tảng tham gia vũ trụ ảo, bạn nên nghiên cứu kỹ lưỡng các nền tảng và hiểu đối tượng mà họ thu hút, các sản phẩm hoặc dịch vụ cần thiết nhất ở đó và cách doanh nghiệp của bạn có thể phù hợp với thế giới ảo.

Cuộc chiến thế giới game
Ngành công nghiệp game hiện nay có trị giá ước tính 201 tỷ USD, lớn gấp đôi ngành kinh doanh điện ảnh. Chơi game đã trở thành một lĩnh vực chính trong xã hội hiện đại. Và theo ước tính của FT, hiện có khoảng 3 tỷ người chơi game trên toàn thế giới. Vì vậy, ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên vũ trụ ảo là đơn đặt hàng có quy mô lớn hơn so với các loại hình giải trí khác. Không có gì ngạc nhiên khi một số công ty có giá trị nhất thế giới hiện đang rất coi trọng trò chơi điện tử. 
Cách đây vài năm, Amazon đã thực hiện thứ được coi là một bước tiến khá lớn vào công nghiệp game khi mua Twitch với giá 1 tỷ USD. Và đầu năm nay, tốc độ hợp nhất trong ngành công nghiệp game đang tăng lên, với một số giao dịch thực sự khủng khiếp, như Microsoft mua Activision Blizzard, Sony mua Bungie, nhà sản xuất Destiny mua Halo, và Take-Two mua Zynga… Và có vẻ như Sony, chủ sở hữu của PlayStation sẽ mua Bungie… Các công ty công nghệ tin rằng tương lai của họ sẽ phụ thuộc vào công nghiệp game, một phần là do chính trò chơi, tài sản trí tuệ và nhượng quyền thương mại đi kèm với trò chơi đó. Nhưng các doanh nghiệp cũng đánh cược rằng chúng ta sẽ dành nhiều thời gian hơn trong những thế giới ảo này. 
Trước đây, khái niệm metaverse chủ yếu phổ biến trong không gian trò chơi, với các trò chơi như Roblox, Minecraft, nơi những người trẻ tiếp tục tạo ra thế giới và có hình đại diện kỹ thuật số và giao tiếp thông qua chúng. Trong Second Life, mọi người tự chế tạo đồ đạc và sau đó bán chúng cho những người dùng khác. Nhưng với nền tảng Fortnite trong vũ trụ ảo, các doanh nghiệp kinh doanh ngoài đời thực với các thương hiệu thời trang nổi tiếng có thể giam gia mua bán quần, áo… cho các chiến binh trong game.

Sự kết hợp giữa game và tiền ảo
Vào năm 2017, chúng ta có trò chơi blockchain đầu tiên: CryptoKitties. Và điều gây ấn tượng là ý tưởng những con mèo ảo dưới dạng NFT thực sự có thể được trao đổi và bán trên thị trường, và thị trường đó thực sự nằm ngoài trò chơi. NFT về cơ bản là chứng nhận quyền sở hữu hàng hóa kỹ thuật số bằng cách sử dụng công nghệ blockchain. Và NFT được củng cố bởi tiền ảo, được mua và bán bằng tiền ảo. Do đó, NFT và tiền ảo xuất hiện trong metaverse, là con đường dài hạn dẫn đến khả năng tương tác. Trong thời kỳ đại dịch, đã có nhiều sự kiện quan trọng xảy ra trong metaverse. Chẳng hạn, nghệ sĩ Travis Scott đã biểu diễn buổi hòa nhạc của anh trong Fortnite, nơi có hàng triệu lượt xem và người tham gia. Anh đã kiếm được hàng triệu USD. Trường hợp của anh là một thử nghiệm thành công.
Nhiều người cho rằng vũ trụ ảo vẫn là ảo, nó không có thật. Nhưng với các thế hệ Gen-Z và Gen-Alpha, những gì xảy ra trong những không gian ảo này là có thật. Đó là lý do tại sao các công ty lại quan tâm đến metaverse. Tại sao Nike lại muốn bán cho bạn những đôi giày trong metaverse? Vì họ có thể bán những thứ thậm chí không có thật, thậm chí còn không được sản xuất. Việc đó dễ dàng hơn nhiều so với bán sản phẩm thật, vì không cần nguyên liệu, không cần chuỗi cung ứng… nhưng giá bán còn có thể cao hơn ngoài đời thực. 
 Các doanh nghiệp kinh doanh ngoài đời thực với các thương hiệu thời trang nổi tiếng có thể tham gia mua bán quần áo… trên vũ trụ ảo cho các chiến binh trong game.

 Vũ trụ ảo có khả năng cho các công ty và cá nhân tham gia vào hoạt động kinh tế giống như cách họ làm ngày nay trong thế giới thực, nghĩa là có thể xây dựng, kinh doanh và đầu tư vào các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ trong vũ trụ ảo mà như thật. 

Các tin khác