Chiến sự tại Afghanistan: Tương lai nào cho Afghanistan?

(ĐTTCO) - Ngày 15-8, lực lượng khủng bố Taliban đã chiếm được thủ đô Kabul của Afghanistan, chính thức đánh bại chính quyền dân sự của Tổng thống Ashraf Ghani. Vài ngày trước đó, Taliban đã chiếm Kandahar, thành phố lớn thứ 2 của đất nước, cùng một loạt thủ phủ của các tỉnh.
Đường phố Kabul trước khi bị Taliban chiếm đóng.
Đường phố Kabul trước khi bị Taliban chiếm đóng.
Vài nét về Afghanistan
Afghanistan có diện tích gần gấp 2 lần Việt Nam, nằm ở nơi giao nhau của Trung Á và Nam Á, giáp với 6 nước gồm Pakistan ở phía Đông và Nam, Iran ở phía Tây, Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan ở phía Bắc, Trung Quốc ở Đông Bắc. Với vị trí được coi là "ngã tư của châu Á", Afghanistan đã thu hút các thương nhân và quân xâm lược trong nhiều thiên niên kỷ. Trong thế kỷ 20, nước này cũng chịu sự can thiệp sâu sắc từ các nước như Anh, Liên Xô, sau đó là Nga, Mỹ, Iran, Arab Saudi, Ấn Độ và đặc biệt Pakistan.
Vào tháng 10-2001, Mỹ đã tiến đánh Afghanistan nhằm loại bỏ Taliban sau khi Taliban từ chối bàn giao Osama Bin Laden, nghi phạm chính của vụ tấn công khủng bố ngày 11-9. Lúc đó, trùm khủng bố là "khách mời" của Taliban và đang điều hành mạng lưới al-Qaeda ở Afghanistan. Tháng 12-2001, sau khi Taliban bị lật đổ, chính quyền lâm thời Afghanistan dưới quyền Hamid Karzai được thành lập. Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thành lập để hỗ trợ chính quyền Karzai. Lúc đó, Afghanistan đã trải qua 2 thập niên chiến tranh và nạn đói khốc liệt, là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em cao nhất thế giới, tuổi thọ thấp nhất, phần lớn dân số bị đói và cơ sở hạ tầng đổ nát.
Trong thập niên tiếp theo, ISAF và quân đội Afghanistan đã dẫn đầu nhiều cuộc tấn công chống lại Taliban, nhưng không đánh bại được chúng hoàn toàn bởi địa hình núi non hiểm trở của đất nước, rất thuận tiện cho việc trú ẩn của quân du kích. ISAF cũng tiến hành huấn luyện Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan. Số lượng quân NATO hiện diện tại Afghanistan đạt đỉnh 140.000 vào năm 2011 và giảm xuống còn khoảng 16.000 vào năm 2018.
Ngày 28-12-2014, NATO chính thức chấm dứt các hoạt động chiến đấu của ISAF tại Afghanistan, chuyển giao toàn bộ trách nhiệm an ninh cho chính phủ Afghanistan. Dù vậy, hàng ngàn binh sĩ NATO vẫn ở lại nước này để huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng chính phủ Afghanistan tiếp tục cuộc chiến chống lại Taliban. Ngày 14-4-2021, NATO cho biết sẽ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 1-5. Mỹ cũng tuyên bố sẽ rút quân hoàn toàn sau ngày 31-8. Ngay sau khi NATO rút quân, Taliban đã tiến hành cuộc tấn công chống lại chính phủ Afghanistan, nhanh chóng mở rộng lãnh thổ trước lực lượng chính phủ Afghanistan đang sụp đổ.
Taliban là ai?
Taliban nổi lên vào đầu những năm 1990 tại miền Bắc Pakistan, sau khi quân đội Liên Xô rút khỏi Afghanistan. Người ta tin rằng phong trào, vốn gồm chủ yếu là người Pashtun, xuất hiện đầu tiên từ các chủng viện tôn giáo - phần lớn được tài trợ bằng tiền từ Arab Saudi - nơi rao giảng dòng Hồi giáo Sunni có đường lối cứng rắn. Hứa hẹn của Taliban khi lên cầm quyền sẽ phục hồi hòa bình và an ninh, đồng thời thực thi Sharia, hay luật Hồi giáo khắc khổ. Tháng 9-1995, họ chiếm được tỉnh Herat, giáp biên giới Iran, và đúng 1 năm sau họ chiếm thủ đô Kabul, lật đổ chính quyền của Tổng thống Burhanuddin Rabbani, một trong những người sáng lập phong trào mujahideen (thánh chiến) Afghanistan chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô. Tới năm 1998, Taliban nắm quyền kiểm soát trên gần 90% đất nước Afghanistan.
Chiến sự tại Afghanistan: Tương lai nào cho Afghanistan? ảnh 1 Một vụ đánh bom của Taliban làm sập 3 tòa nhà và giết chết 90 người ở Kabul.
Người dân Afghanistan vốn mệt mỏi vì sự cực đoan của phong trào mujahideen và cuộc nội chiến sau khi quân Liên Xô rút lui, đã chào đón Taliban khi phe này xuất hiện. Lúc đầu, Taliban được người dân ưa chuộng vì đã dẹp bỏ tham nhũng, kiềm chế được tình trạng hỗn loạn, khiến các khu vực dưới sự kiểm soát của họ an toàn, thương mại phát triển. Nhưng Taliban cũng áp dụng các hình phạt rất hà khắc, như hành quyết công khai người bị kết án vì tội giết người hay ngoại tình, chặt tay chân những người bị kết tội ăn cắp. Đàn ông bị buộc phải để râu còn phụ nữ phải choàng kín khăn burka từ đầu tới chân. Taliban còn cấm truyền hình, âm nhạc, điện ảnh, không cho phép bé gái 10 tuổi trở lên được tới trường. 
Taliban cũng bị cáo buộc vi phạm quyền về văn hóa và con người. Thí dụ, năm 2001 họ phá hủy tượng phật Bamiyan Buddha nổi tiếng tại miền Trung Afghanistan, bất chấp sự phẫn nộ quốc tế. Đặc biệt, ngày 11-9-2001 Taliban đã tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York. Taliban còn bị cáo buộc đã cung cấp nơi ẩn náu cho các nghi phạm chính, gồm Osama Bin Laden và lưc lượng khủng bố al-Qaeda.

“Lá bài” của láng giềng và khu vực
Sự nổi lên của Taliban khiến nhiều người lo ngại, nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng đó là “tin tốt” cho một số nước láng giềng, vốn muốn lợi dụng lực lượng này cho lợi ích quốc gia của họ. GS. Natasha Lindstaedt, Đại học Essex, Anh, cho rằng vị trí chiến lược của Afghanistan từ lâu đã thu hút sự chú ý của các nước. Từ khi Taliban nổi lên ở thập niên 1990, các nước láng giềng của Afghanistan hầu hết đều ủng hộ lực lượng này ở các mức độ khác nhau. Trong đó, Pakistan có sự ủng hộ lớn nhất do muốn có thêm “quốc gia chư hầu” để đối trọng lại với Ấn Độ. 
Theo GS. Lindstaedt, Pakistan đã góp phần quan trọng cho việc Taliban lên nắm quyền năm 1996. Thông qua vai trò của Cơ quan tình báo quốc gia (ISI), chính quyền Pakistan đã tài trợ nhiều hoạt động của Taliban, tuyển mộ binh sĩ, cung cấp vũ khí, và hỗ trợ trong các chiến dịch quân sự. Người Pakistan thậm chí còn chiến đấu trong hàng ngũ Taliban. 
Vì sao họ ủng hộ Taliban? Theo GS. Lindstaedt, vì quan hệ giữa Pakistan và Afghanistan đã xung khắc từ lâu. Khi Pakistan tuyên bố độc lập năm 1947, Afghanistan là quốc gia duy nhất tại LHQ bỏ phiếu không công nhận với lý do chủ yếu là vấn đề biên giới. Bên cạnh đó, lo ngại sự trỗi dậy của các phong trào đòi độc lập của người Pachtoun, chính quyền Pakistan chủ trương hậu thuẫn sự trỗi dậy của “bản sắc Hồi giáo” tại quốc gia láng giềng để làm đối trọng. Vì vậy, sau khi Mỹ lật đổ chính quyền Taliban năm 2001, lực lượng này đã có được chỗ trú ẩn an toàn trên lãnh thổ Pakistan.
Trung Quốc cũng đang ngấm ngầm ủng hộ Taliban. Theo nhà báo Richard Arzt, kênh truyền hình Quốc hội Pháp, về mặt chính thức cho đến những tuần trước khi Kabul thất thủ, Bắc Kinh vẫn tuyên bố ủng hộ chính quyền hợp pháp tại Kabul, nhưng cũng song song có các đối thoại cấp cao với Taliban. Trung Quốc ủng hộ bất kể chính quyền nào tại Kabul vì 2 mối quan tâm chính: bảo đảm các hoạt động thương mại và kinh tế tại cửa ngõ của con đường giao thương sang phía Tây (Trung Quốc và Afghanistan có chung 75km biên giới), và không để Afghanistan trở thành hậu phương cho các hoạt động của những người Duy Ngô Nhĩ chống đàn áp của Bắc Kinh tại khu tự trị Tân Cương.
Ông Richard cho biết Taliban cũng đã có quan hệ lâu dài với Trung Quốc. Ngay từ những năm 1980, Bắc Kinh đã ngầm thể hiện thiện cảm với các lực lượng chống Liên Xô tại Afghanistan. Trong thời gian Taliban cầm quyền tại Afghanistan (1996-2001), Bắc Kinh cũng kín đáo ủng hộ Taliban, đổi lại Taliban không can thiệp vào các cộng đồng người theo đạo Hồi tại Trung Quốc. Bắc Kinh đã hoàn toàn nhắm mắt trước các đạo luật Hồi giáo khắc nghiệt, các xâm phạm nhân quyền của chính quyền Taliban. Trung Quốc tiếp tục hậu thuẫn các thủ lĩnh Taliban ẩn náu tại Pakistan, sau can thiệp của Mỹ năm 2001.
Dù không có chung đường biên giới nhưng Iran đặc biệt quan tâm đến tình hình Afghanistan. Lúc đầu, cường quốc khu vực này có quan hệ gai góc với Taliban, bởi mâu thuẫn về ý thức hệ tôn giáo. Iran và Mỹ từng có các hợp tác để ngăn cản các đe dọa từ Taliban trong những năm 1990. Tuy nhiên, quan hệ Teheran và Washington xấu đi nghiêm trọng 2 thập niên sau đó, khiến chính quyền Iran thay đổi thái độ với Taliban. Iran thừa nhận Taliban, cùng lúc ủng hộ chính quyền Kabul và Taliban, đồng thời tìm cách lợi dụng các mâu thuẫn giữa 2 thế lực này. 
Nga cũng có mối quan hệ từ lâu với Taliban. Ngay từ những năm 1990, chính quyền Nga đã tìm cách củng cố khu vực biên giới phía Nam, gần với Afghanistan, để ngăn ngừa các ảnh hưởng của Mỹ. Moscow thiết lập quan hệ với nhiều nhóm tại Afghanistan, kể cả với Taliban, bất chấp khả năng Taliban ủng hộ các nhóm khủng bố. Quan hệ Nga - Taliban còn cải thiện rõ rệt sau khi xuất hiện tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vào năm 2015. Trong cuộc chiến chống Daech tại Afghanistan, Nga coi Taliban như đồng minh.
 Sự nổi lên của Taliban khiến nhiều người lo ngại, nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng đó là “tin tốt” cho một số nước láng giềng, vốn muốn lợi dụng lực lượng này cho lợi ích quốc gia của họ.
(còn tiếp)

Các tin khác