Biết gì về các khối kinh tế, thương mại hiện nay trên thế giới?

Khối kinh tế BRICS và các khối thương mại CPTPP, RCEP đều được thiết lập trên cơ sở đối trọng lại sức ảnh hưởng của các bên đối đầu trên trường quốc tế.

Trên cơ sở tạo đối trọng với ảnh hưởng của đối thủ trên trường quốc tế, nhiều nước đã đi đến việc thành lập các khối kinh tế, thương mại. Trong số đó, phải kể đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), và nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS.

Dưới đây là một số thông tin về các khối này.

CPTPP

Theo tờ South China Morning Post, CPTPP là một khối thương mại lớn, là sự kế thừa của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một kế hoạch quan trọng trong chiến lược “Xoay trục sang châu Á” của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm tạo ra một đối trọng kinh tế đối với sự ảnh hưởng của Trung Quốc (TQ) trong khu vực.

CPTPP có 11 thành viên, gồm Nhật, New Zealand, Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Singapore, Peru và Việt Nam. CPTPP được ký kết vào tháng 3-2018 và có hiệu lực vào tháng 12 cùng năm.

Biết gì về các khối kinh tế, thương mại hiện nay trên thế giới? ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) công bố ý tưởng về IPEF tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á trực tuyến hồi tháng 10-2021. Ảnh: AP

TQ không phải là thành viên của hiệp định này, nhưng đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào tháng 9 năm ngoái. Sau đó khoảng 1 tuần, Đài Loan cũng nộp đơn xin gia nhập hiệp định.

Theo SCMP, Bắc Kinh - vốn coi hòn đảo tự trị là một tỉnh ly khai sẽ được tái thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết - đã phản đối các động thái của Đài Bắc trong việc gia nhập bất kỳ hiệp định và tổ chức quốc tế nào.

Bà Joanna Shelton - cộng sự Chương trình Kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - nhận định rằng việc TQ xin gia nhập CPTPP (một ngày sau khi Úc, Anh và Mỹ công bố cái gọi là liên minh phòng thủ AUKUS) là một nỗ lực rõ ràng nhằm chia rẽ Washington với các đồng minh và đối tác.

Tuy nhiên, trao đổi với tờ Shanghai Securities News, ông Vương Tiểu Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Giao dịch Kinh tế Quốc tế TQ - nói rằng việc Bắc Kinh xin tham gia vào thỏa thuận này nhằm làm sâu sắc thêm các cải cách trong nước, chẳng hạn như tăng cường đổi mới, đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.

RCEP

Tương tự CPTPP, RCEP cũng là một khối thương mại. Đây là khối thương mại có quy mô lớn nhất thế giới, với sự có mặt của 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và các nước ngoài ASEAN như Úc, TQ, Nhật, New Zealand và Hàn Quốc.

Theo SCMP, RCEP được thảo luận lần đầu tại hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11-2011, được ký kết vào tháng 11-2020. Hiệp định chính thức có hiệu lực tại một số quốc gia thành viên vào ngày 1-1 năm nay.

RCEP được đánh giá là sẽ mở ra một chương mới cho các mối quan hệ kinh tế và thương mại trong khu vực. Đây cũng là hiệp định đầu tiên có sự hiện diện của cả 3 nước Trung-Nhật-Hàn.

Vì bao gồm các nền kinh tế phát triển và các nước đang phát triển, RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp, khi có sự kết hợp giữa công nghệ và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Bên cạnh những lợi ích kinh tế đi kèm với việc cắt giảm thuế quan, RCEP còn hướng đến thiết lập các quy tắc thương mại cho các quốc gia thành viên.

Ấn Độ đã tham gia quá trình đàm phán hiệp định. Tuy nhiên, cuối năm 2020, New Delhi đã rút khỏi thỏa thuận do lo ngại nền kinh tế của nước này có thể tràn ngập hàng hóa giá rẻ của TQ và nông dân có thể bị tổn thương do nhập khẩu nông sản từ Úc và New Zealand.

BRICS

Brazil, Nga, Ấn Độ và TQ thành lập nhóm vào năm 2009 (gọi là BRIC) với mục tiêu chung là đối phó sự thống trị toàn cầu của Mỹ. Đến năm 2010, với sự tham gia của Nam Phi, nhóm đổi tên thành BRICS.

Theo SCMP, BRICS hiện hướng đến mục tiêu kết nạp thêm nhiều thành viên và cải cách hệ thống đa phương, làm cho hệ thống này trở nên bao trùm hơn. Các nước nhóm BRICS còn cam kết cùng nhau đẩy mạnh thương mại và đầu tư để tăng cường sự ổn định, đa dạng và độ tin cậy của chuỗi cung ứng.

Theo Hội đồng châu Mỹ (COA) - tổ chức kinh doanh quốc tế hàng đầu châu Mỹ, các nhà kinh tế dự đoán rằng 4 nước trong BRICS là Brazil, TQ, Ấn Độ và Nga sẽ cùng Mỹ trở thành 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050.

Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF)

IPEF được coi là một công cụ để Mỹ đối phó với ảnh hưởng của TQ trong khu vực, theo đài CNBC.

Đây là một khuôn khổ do Mỹ khởi xướng, nhằm củng cố quan hệ với đồng minh và đối tác của Washington. Đồng thời, IPEF còn có thể tham gia vào các vấn đề kinh tế và thương mại quan trọng mà khu vực quan tâm, chẳng hạn như xây dựng chuỗi cung ứng có khả năng chống chọi với đại dịch.

Đây không phải là một hiệp định thương mại tự do. Không có cơ hội tiếp cận thị trường hoặc cắt giảm thuế quan nào được nêu ra, mặc dù các chuyên gia cho rằng IPEF có thể mở đường cho các giao dịch thương mại.

Các nước tham gia ban đầu (ngoài Mỹ) gồm Úc, Ấn Độ và Nhật, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand. Washington cho biết khuôn khổ mở cửa cho các nước khác muốn tham gia.

CNBC đưa tin rằng IPEF có 4 trụ cột chính: gồm nền kinh tế kết nối (thiết lập các tiêu chuẩn và quy tắc cao hơn cho thương mại kỹ thuật số, chẳng hạn như luồng dữ liệu xuyên biên giới); nền kinh tế có khả năng phục hồi (xây dựng các chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi và chịu được sự gián đoạn bất ngờ như đại dịch); nền kinh tế sạch (hướng tới các cam kết và dự án năng lượng xanh); và nền kinh tế công bằng (thực hiện thương mại công bằng, bao gồm xây dựng điều khoản đối phó chống tham nhũng).

SCMP thì đưa tin rằng IPEF hướng đến việc thiết lập các quy tắc thương mại, bao gồm các lĩnh vực từ bảo vệ dữ liệu đến cắt giảm lượng khí thải carbon. Các nước thành viên có thể lựa chọn tham gia vào các phần của khuôn khổ.

Các tin khác