Biến đổi khí hậu đe dọa du lịch châu Á

(ĐTTCO) - Mùa hè năm nay, khủng hoảng khí hậu đã lộ rõ hơn với sự xuất hiện của nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên toàn thế giới. Đây là một thách thức lớn đối với ngành du lịch, vốn chỉ đang hồi phục yếu ớt sau đại dịch. Và hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, châu Á là nơi hứng chịu nhiều rủi ro nhất.

Thiệt hại sau lốc xoáy tại thành phố Chiba, Nhật Bản năm 2019. Ảnh Getty Images 
Thiệt hại sau lốc xoáy tại thành phố Chiba, Nhật Bản năm 2019. Ảnh Getty Images 
Những thiệt hại
Sự trở lại của ngành du lịch sau đại dịch đi kèm với lượng khí thải carbon gia tăng bị coi là một yếu tố nguy hại đối với sự tồn tại của loài người. Tuy nhiên, sinh kế của hàng triệu người đang phụ thuộc vào ngành công nghiệp này. Hơn nữa, không nhiều người sẵn sàng từ bỏ niềm vui du lịch.
Tuy vậy, như bất kỳ lĩnh vực nào khác, ngành du lịch sẽ ngày càng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng khí hậu: thời tiết thay đổi, các quy định, thuế và các hạn chế khác mà chính phủ sẽ đặt ra nhằm hạn chế sự di chuyển bằng đường hàng không…
Những tác động của biến đổi khí hậu đến ngành du lịch có thể được chia làm 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất bao gồm các tác động có thể được nhận thấy rõ ràng, như ô nhiễm môi trường hoặc thiên tai.
Nhóm thứ hai là những tác động khó có thể nhìn thấy hơn, như sự gia tăng mực nước biển, sự nóng lên toàn cầu, băng tan…
Đối với nhóm thứ nhất, Nhật Bản và Ấn Độ là 2 trong số 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai vào năm 2019. Nếu tính trong vòng 2 thập niên trở lại đây, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Nepal cũng là những quốc gia nằm trong số đó. Những dữ liệu trên được công bố trong Báo cáo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu, thực hiện bởi Germanwatch, một tổ chức phi lợi nhuận. 
Vào tháng 10-2019, Nhật Bản đã phải hứng chịu siêu bão Hagibis, cơn bão mạnh nhất trên nước này trong hơn 60 năm. Với tốc độ gió đạt 250 km/h, cơn bão đã khiến gần 100 người thiệt mạng và 13.000 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hại. Vào thời điểm đó, Nhật Bản còn đang trong quá trình phục hồi thiệt hại từ cơn bão Faxai cách đó 1 tháng, khiến hơn 900.000 ngôi nhà bị mất điện.
Tổng thiệt hại kinh tế Nhật Bản phải gánh chịu từ 2 cơn bão được ước tính khoảng 25 tỷ USD. Ở Ấn Độ, quốc gia có khí hậu gió mùa thường kéo dài từ tháng 6 đến đầu tháng 9, năm 2019 đã kéo dài điều kiện khí hậu này hơn 1 tháng so với thường lệ. Cộng thêm lượng mưa tăng gây ra lũ lụt, năm 2019, Ấn Độ ghi nhận 1.800 người thiệt mạng và 1,8 triệu người phải di dời nơi ở. Tổng thiệt hại về kinh tế được ước tính 10 tỷ USD.
Đối với nhóm thứ hai, các quốc đảo hoặc giáp biển sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất. Theo dự đoán của các nhà khoa học, mực nước biển có thể tăng thêm 1,1 m vào năm 2100. Nếu dự đoán này trở thành hiện thực, Maldives có thể sẽ chìm xuống biển vào cuối thế kỷ này. Điều đó đồng nghĩa với việc cư dân ở những vùng trũng như Maldives thậm chí khó tìm nơi sinh sống, chưa kể đến việc làm sao để thu hút khách du lịch.
Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) công bố ngày 9-8, con người đã làm khí hậu nóng lên với tốc độ chưa từng có trong ít nhất 2.000 năm qua. Nghiên cứu cho thấy, trung bình 20 năm tới, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng đến hoặc vượt quá 1,5oC.
Vào tháng 8-2019, Nhật Bản đã trải qua nhiều đợt nắng nóng, khiến hơn 18.000 người nhập viện và 57 người thiệt mạng. Sự nóng lên toàn cầu sẽ kéo dài mùa hè ở nhiều khu vực, khiến nhiều du khách cảm thấy khó chịu khi ở các bãi biển. Mực nước biển dâng cao làm xói mòn các bãi biển ở các khu vực cộng đồng ven biển. Tình trạng khan hiếm nước ở một số khu vực đang gây ra xung đột giữa người dân địa phương và khách du lịch. 
Tuy nhiên, những thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra cho ngành du lịch còn lớn hơn thế. Theo một nghiên cứu của tạp chí Journal of Travel Research (JTR), điều kiện khí tượng có sức ảnh hưởng nhất định đến hành vi của du khách, bao gồm những ưu tiên về địa điểm sẽ ghé thăm, trải nghiệm du lịch, mức độ hài lòng của chuyến đi…
Gần đây, JTR đã công bố một khảo sát được thực hiện trên gần 300.000 đánh giá trên nền tảng TripAdvisor của các du khách đã đến Trung Quốc. Kết quả cho thấy, nếu du khách có đề cập đến vấn đề ô nhiễm không khí trong đánh giá của họ, rất ít khả năng (1%) họ sẽ quay trở lại đất nước này. Nghiên cứu đồng thời chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí đã khiến Trung Quốc mất đi gần 93% lượt khách quay lại.
Cuộc chiến chung
Trong bối cảnh ngày càng nhiều người quan tâm đến du lịch bền vững, việc đo lường và bù đắp khí thải carbon của ngành du lịch cần được hiểu rõ, từ đó nhanh chóng triển khai các chiến lược nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu ở châu Á. Theo các nhà khoa học, để ổn định khí hậu, cần phải giảm mạnh, giảm nhanh và bền vững lượng phát thải khí nhà kính để đạt được mức phát thải carbon ròng bằng không.
Alexandra Michat, Giám đốc Phát triển bền vững của Exo Travel, nhấn mạnh rằng bù đắp carbon nên là một biện pháp đi đầu trong các chính sách nếu muốn giảm thiểu các tác động của ngành du lịch đối với môi trường. "Hơn nữa, lượng khí thải carbon cũng sẽ được giảm đi đáng kể nếu chính phủ các nước Đông Nam Á chú trọng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng tàu hỏa, thay vì đầu tư hơn nữa vào du lịch hàng không" - bà Michat nói. 
Bên cạnh đó, các chuyên gia về du lịch bền vững cho biết, việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở tầm vĩ mô không thể thiếu sự hỗ trợ chính trị của chính phủ các nước. Cụ thể, bà Michat cho rằng, chính phủ các nước chỉ đang thực hiện những biện pháp nhỏ, như cấm túi nhựa, nhưng lại không chú trọng đến những vấn đề lớn hơn, như chứng “nghiện tăng trưởng”.
Một trường hợp điển hình, theo Michat, là Phú Quốc, hòn đảo nghỉ dưỡng đang phát triển nhanh tại phía Nam Việt Nam. Khi khách du lịch đổ về đây ngày càng nhiều, khách sạn và các khu nghỉ dưỡng cũng được xây dựng ngày càng nhiều, nhưng từ đó, điểm đến từng là nguyên sơ đã phải chứng kiến sự gia tăng lượng rác thải ở các cánh đồng và bãi biển ngoài trời, do thiếu hệ thống tái chế hoặc quản lý chất thải rắn thích hợp.
Masary Takayama, Chủ tịch công ty du lịch sinh thái Spirit of Japan Travel và nhà sáng lập Mạng lưới Du lịch sinh thái châu Á, cho biết: “Tất cả chúng ta đều tham gia vào trận chiến này, và không một ai đáng bị bỏ lại phía sau. Cuối cùng, trận chiến chống lại biến đổi khí hậu ở châu Á đòi hỏi một cách tiếp cận từ nhiều phía, nhiều bên liên quan”.

Các tin khác