Hệ thống tài chính toàn cầu: 4 yếu tố biến động và định hình lại

(ĐTTCO) - Chỉ sau mấy tháng đầu năm 2022, hệ thống tài chính toàn cầu đã biến động rất mạnh, thậm chí có thể tạo ra các hình thái mới từ nhiều yếu tố.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bóng ma suy thoái kinh tế, đình lạm
Nền kinh tế  lớn nhất  thế giới là Mỹ với gần 1/4 GDP toàn cầu đang đối mặt với lạm phát cao, khi CPI tháng 3-2022 đã lên tới 8,5% và tháng 4-2022 vẫn ở mức 8,3% - mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Nguyên nhân cơ bản là sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đi đôi với lạm phát toàn cầu do cuộc xung đột Nga-Ukraine, chiến tranh kinh tế giữa Mỹ và NATO chống lại Nga, cùng với việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp phong tỏa khắc nghiệt để theo đuổi chính sách Zero Covid vốn đã bị nhiều nước từ bỏ. 
Tuy Mỹ thừa nhận lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy kết hợp với cầu kéo khi tiêu dùng phục hồi sau đại dịch, nhưng thực tế chính sách tăng lãi suất của Fed lại được coi là cứu cánh duy nhất cho nền kinh tế Mỹ lúc này, và hệ quả tất yếu là đối mặt với suy thoái.
Lịch sử cho thấy trong 14 chu kỳ tăng lãi suất gần đây nhất của Fed, có tới 11 lần kết thúc là tình trạng suy thoái kinh tế, và các cuộc suy thoái đều đã diễn ra sau những đợt tăng giá mạnh về lương thực và nhiên liệu, như giai đoạn 1973-1975, 1981-1983, 1990-1991 và 2007-2008.
Thực tế GDP của Mỹ trong quý I-2022 đã giảm 1,4%, và chỉ cần GDP quý II-2022 cũng giảm thì nền kinh tế Mỹ chính thức bước vào suy thoái. Hậu quả đối với kinh tế toàn cầu nói chung, hệ thống tài chính toàn cầu nói riêng sẽ rất nặng nề.
Tăng trưởng của Eurozone cũng bi đát khi GDP quý I-2022 chỉ vỏn vẹn 0,2%. Cấm vận dầu mỏ và khí đốt từ Nga cùng với sự tham gia ngày càng sâu vào chiến sự giữa Nga và Ukraine hoàn toàn có thể đẩy châu Âu rơi vào suy thoái kinh tế. 
Nguy cơ sụp đổ thị trường tiền mã hóa 
Theo Reuters, ngày 11-5, lần đầu tiên Bitcoin tụt xuống dưới mốc 30.000USD trong vòng 10 tháng và tổng trị giá thị trường tiền mã hóa giảm còn 1.510 tỷ USD. Dưới tác động trực tiếp của chính sách tiền tệ thắt chặt ở Mỹ và nhiều nước khác, giá trị thị trường của tiền mã hóa đã mất 800 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tháng qua.
Ngày 9-5-2022, TerraUSD (UST), một đồng tiền ổn định có vốn hóa lớn đã rơi từ mốc 1USD xuống mức 0,67USD. Sự sụp đổ của một số đồng tiền mã hóa có thể ảnh hưởng tới các ngân hàng do các loại phái sinh và rủi ro chưa được phòng ngừa liên quan đến tiền mã hóa. Kỳ vọng về một đồng tiền mã hóa toàn cầu thay thế các đồng tiền chủ chốt hiện nay trên thế giới đang ngày càng lung lay.
Trước đó, vai trò của tiền mã hóa trong hệ thống tài chính toàn cầu đã tăng mạnh (tuy còn thấp xa so với một số thị trường khác, chẳng hạn thị trường chứng khoán Mỹ có trị giá 49.000-52.900 tỷ USD), khi tháng 11-2021 Bitcoin chạm đỉnh 68.000USD và trị giá toàn bộ thị trường tiền mã hóa đạt 3.000 tỷ USD.
Đến cuối năm 2021, có khoảng 10.000 nhà đầu tư kiểm soát 1/3 thị trường Bitcoin, trong đó 1.000 nhà đầu tư sở hữu khoảng 3 triệu Bitcoin trong tổng số 18 triệu Bitcoin đang lưu thông, và khoảng 14% người Mỹ đang đầu tư vào các tài sản mã hóa. Cả Fed, Bộ Tài chính và Hội đồng Bình ổn Tài chính Mỹ đều coi những đồng tiền ổn định (stablecoin) là mối nguy cho sự ổn định của hệ thống tài chính. 

Xung đột Nga-Ukraine khoét sâu bất ổn toàn cầu 
Nếu Nga vỡ nợ vì hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế vô tiền khoáng hậu của Mỹ và châu Âu, như loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi Hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và đóng băng dự trữ ngoại hối cùng tài sản ở nước ngoài của các tổ chức và cá nhân Nga, cấm vận thương mại và đầu tư... thì nhiều định chế tài chính toàn cầu có thể thiệt hại khoảng 150 tỷ USD.
Hiện Nga đang nợ khoảng 100 tỷ USD tại ngân hàng nước ngoài, đứng đầu là ngân hàng Áo, Pháp và Italia. Ngay công ty Mỹ Citigroup cũng có khoảng 10 tỷ USD giao dịch tài chính với Nga. Bên cạnh đó, Ukraine cũng hoàn toàn có thể vỡ nợ khoản nợ trái phiếu trị giá khoảng 60 tỷ USD.
Các ngân hàng Thụy Sĩ, Síp hay Anh bị ảnh hưởng bởi hạn chế người Nga tích trữ tài sản ở nước ngoài, thậm chí có thể rơi vào thua lỗ, điển hình như giá cổ phiếu của các ngân hàng Anh Lloyds và NatWest đã giảm hơn 10% kể từ khi chiến dịch quân sự ở Ukraine bắt đầu. 
Cuộc xung đột Nga-Ukraine không chỉ gây thiệt hại cho các định chế tài chính ngân hàng, mà cả các công ty xuyên quốc gia tại Nga cũng chịu tác động nặng nề do cấm vận kinh tế, biến động tỷ giá hối đoái, hạn chế thanh toán quốc tế, mất khả năng trả nợ... thậm chí đối mặt nguy cơ bị tịch thu tài sản. Theo đó, thị trường cổ phiếu toàn cầu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
Đặc biệt, việc Nga yêu cầu nhiều khách hàng mua dầu mỏ và khí đốt phải thanh toán bằng đồng ruple đã khiến cho chính sách petrodollar của Mỹ bị thách thức nghiêm trọng, đồng thời chiến tranh tiền tệ Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga bị phá sản với tỷ giá giữa USD và ruple đã tăng vọt từ khoảng 140 ruple/USD hồi cuối tháng 2-2022 lên dưới 60 ruple/USD. Theo đó, thị trường tiền tệ toàn cầu có những chuyển dịch đáng kể. 

Ẩn số Trung Quốc và CNY
Ngày 20-5-2022, PBoC (Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) hạ lãi suất chuẩn đối với khoản vay 5 năm trở lên từ 4,6% xuống 4,45%, trong khi giữ nguyên lãi suất đối với khoản vay kỳ hạn 1 năm ở mức 3,7% - bước đi này không hoàn toàn bất ngờ vì chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ của PBoC đã được định hình từ cuối năm 2021 đầu năm 2022.
Tính chủ động của PBoC được xác quyết bởi nguy cơ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc khi vẫn duy trì chính sách Zero Covid. Chính sách nới lỏng tiền tệ năm 2022 của Trung Quốc thận trọng hơn, thay vì áp dụng với quy mô lớn và trên diện rộng như trong năm 2020 với 2 lần hạ lãi suất ngay hồi đầu năm 2020.
Chính sách Zerocovid đang khiến khoảng 40% GDP của Trung Quốc bị phong tỏa, theo đó mục tiêu tăng trưởng 5,5% năm 2022 gần như không thể và dự báo GDP của Trung Quốc chỉ tăng khoảng 4-5%, thậm chí thấp hơn nữa nếu kéo dài chính sách Zerocovid.
Xuất khẩu của Trung Quốc tháng 4-2022 chỉ tăng 3,9% (tháng 3-2022 vẫn tăng 14,7%) - mức thấp nhất kể từ tháng 6-2020. Tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc kéo tốc độ tăng GDP xuống thấp, đặc biệt ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Á có quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với Trung Quốc.
Theo Fitch ước nợ chính phủ bằng ngoại tệ trung bình của các nền kinh tế mới nổi đã tăng từ 18% GDP năm 2013 lên 31% GDP năm 2021, và gánh nặng nợ bằng USD có nguy cơ tăng nhanh, chưa kể các tập đoàn phi tài chính của các nước đang phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng vay nợ tới 909,4 tỷ USD, trong đó 139,3 tỷ USD đáo hạn trong vòng 1 năm.
Nhiều nền kinh tế mới nổi rất có thể phải tăng lãi suất để ngăn chặn dòng vốn ra và ổn định tỷ giá hối đoái, do đó gia tăng áp lực lạm phát đồng thời kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ mới vừa phục hồi sau đại dịch.
Tháng 5-2022, IMF đã nâng tỷ trọng của đồng CNY từ mức 10,92% lên 12,28% trong rổ tiền tệ SDR (Special Drawing Rights) lần đầu tiên kể từ khi CNY được đưa vào rổ SDR năm 2016. Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh CNY giảm giá mạnh kể từ cuối tháng 4-2022 do Trung Quốc đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm lại và dòng vốn chảy ra dưới tác động chính sách tiền tệ của Mỹ.
Tuy nhiên, USD mới là đồng tiền tăng tỷ trọng nhanh nhất trong rổ SDR với 43,38%, trong khi tỷ trọng của EUR lại giảm còn 30,93%, còn JPY và GBP giảm lần lượt xuống 8,33% và 8,09%. Tương quan giữa các đồng tiền chủ chốt trên thế giới đang thay đổi theo hướng nâng cao vị thế của CNY. 

Các tin khác