Giải pháp hạn chế vi phạm

(ĐTTCO)-Lãnh đạo TPHCM đang quyết tâm chấn chỉnh kỷ cương trong lĩnh vực trật tự xây dựng (TTXD), bằng việc ban hành Chỉ thị 23 với hàng loạt nội dung nhằm tăng cường lãnh đạo, quản lý, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu đơn vị về TTXD trên địa bàn. 
Giải pháp hạn chế vi phạm
Ông LÊ TRẦN KIÊN, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM: 

Các sở cùng phối hợp

Việc cần làm ngay là hoàn thiện quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc (QH-KT) phục vụ công tác cấp giấy phép xây dựng (GPXD). Theo đó, Sở QH-KT, UBND các quận, huyện tập trung phối hợp rà soát quy hoạch chung 1/5.000, quy hoạch phân khu 1/2.000 tại các địa phương để đánh giá, điều chỉnh quy hoạch, làm cơ sở cấp GPXD theo quy định.
Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn các quận, huyện vùng ven, tham mưu trình UBND TP phân bổ chỉ tiêu đất nông nghiệp phù hợp với tình hình dân số và tốc độ đô thị hóa của từng địa phương. Sở Xây dựng tiếp tục cải cách hành chính trong công tác cấp GPXD, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư nhà ở. 
Nhằm tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm trong TTXD, Chánh thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra và chỉ đạo trực tuyến với 24 đội Thanh tra địa bàn quận huyện, tăng cường phối hợp xử lý các sai phạm. Không cấp số nhà, dịch vụ điện nước và các dịch vụ khác đối với công trình vi phạm về đất đai, quy hoạch, xây dựng khi chưa chấp hành các quyết định xử lý của cơ quan nhà nước.
ĐỖ THỊ LÂM TUYỀN, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn:

Tăng trách nhiệm người đứng đầu

Hóc Môn là huyện ngoại thành có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân nhập cư đông. Tuy nhiên, các giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện chưa hiệu quả. UBND các xã - thị trấn đều ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý đất đai, xây dựng, nhưng chưa phát huy, khiến việc cung cấp các thông tin công trình vi phạm chưa kịp thời, công tác phối hợp xử lý đôi lúc chưa đồng bộ giữa Đội Thanh tra địa bàn huyện với UBND xã - thị trấn…
Các trường hợp không xác định được chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư không hợp tác, đã gây khó khăn trong công tác xử lý công trình vi phạm xây dựng. Để tồn tại tình trạng này do bộ máy quản lý TTXD cấp xã thiếu, yếu, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu công việc; chưa kịp thời phát hiện các vi phạm ngay từ lúc mới phát sinh, lúng túng trong tham mưu xử lý. 
Để tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, Bí thư, Chủ tịch cấp xã phải cam kết về việc lập lại TTXD trên địa bàn quản lý. Bố trí công tác khác đối với người đứng đầu không cam kết hoặc không thực hiện đúng cam kết, để tình trạng xây dựng không phép, sai phép xảy ra. Ban hành quy trình kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý địa bàn, trách nhiệm cán bộ công chức được giao nhiệm vụ quản lý đất đai, xây dựng.
Hiện chúng tôi đã giao Đoàn Thanh niên thành lập các tổ tuyên truyền, giám sát việc sử dụng phần mềm “Hóc Môn trực tuyến”, giúp tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ hành chính, các thông tin phản ánh, bức xúc của người dân được chuyển đến các cơ quan quản lý dễ dàng, nhanh chóng, tạo thuận lợi, kịp thời trong xử lý, giải quyết. 

Các tin khác