Giá nhiều loại nông sản tăng mạnh sau khi Trung Quốc “mở cửa”

(ĐTTCO) - Việc thông quan sang Trung Quốc đều đặn trở lại, cùng hoạt động thu mua, chế biến tại các nhà máy sôi động là cơ hội để giá các loại nông sản bật tăng mạnh.
Hiện nông sản xuất sang Trung Quốc đang được doanh nghiệp thu mua đạt từ 30 - 50% so với trước đó. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Hiện nông sản xuất sang Trung Quốc đang được doanh nghiệp thu mua đạt từ 30 - 50% so với trước đó. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Khởi động lại thị trường xuất khẩu

Năm 2022 được coi là năm "mở cửa" thị trường Trung Quốc của ngành nông nghiệp Việt Nam khi nhiều loại nông sản được ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc như: sầu riêng, khoai lang, chuối, tổ yến. Ngoài ra, chanh leo và ớt tươi cũng được nước bạn chấp nhận thí điểm xuất khẩu chính ngạch.

Nhờ bước đệm này, năm nay được kỳ vọng là "thời cơ chín muồi" để nông sản Việt mở rộng thị phần, nhất là khi ngay từ đầu năm Trung Quốc mở cửa biên giới sau một thời gian dài hạn thực hiện chính sách Zero COVID-19.

Ngay khi Trung Quốc mở cửa trở lại, mỗi ngày Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Hoa Cương thu mua từ 300 tấn - 500 tấn thanh long. Sản lượng thu mua này đã bằng 70% so với công suất nhà máy trước đó.

"Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, chúng tôi thu mua 1.500 - 2.500 một tháng", chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Hoa Cương, cho biết.

Mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu gần 10 tỷ USD nông sản từ Việt Nam. Riêng rau quả vào Trung Quốc luôn chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Ngay sau khi thị trường này mở cửa, hàng loạt nông sản thế mạnh của nông sản Việt được doanh nghiệp tập trung thu mua để xuất khẩu.

Hiện nông sản xuất sang Trung Quốc đang được doanh nghiệp thu mua đạt từ 30 - 50% so với trước đó. Kế hoạch thu mua nông sản hết công xuất nhà máy đang được nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch. Dự kiến khoảng cuối tháng 2, khi vào mùa vụ mới, việc thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ nhộn nhịp.

Nông sản tăng giá nhờ xuất khẩu

Việc thông quan sang Trung Quốc đều đặn trở lại, cùng hoạt động thu mua, chế biến tại các nhà máy sôi động cũng là cơ hội để giá các loại nông sản bật tăng mạnh. Sự tăng giá ghi nhận ở hầu hết các loại nông, thủy sản, đặc biệt rõ rệt nhất là trái cây, có mặt hàng đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba.

Ba tuần trở lại đây, giá sầu riêng bật tăng. Tại vùng trồng sầu riêng tỉnh Tiền Giang, giá đã tăng gần gấp đôi khi thông tin thị trường Trung Quốc nhập khẩu trở lại.

"Giá sầu riêng lúc trước là 70.000 - 80.000 đồng/kg, hiện lên tới 130.000 - 150.000 đồng/kg. Trong Tết, giá tăng liên tục", anh Nguyễn Văn Thảo, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, cho hay.

Trung Quốc là thị trường tiềm năng, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Chính vì vậy, khi thị trường này mở cửa, hầu hết các nông sản Việt đều tăng giá.

"Trước khi có thông tin Trung Quốcmở cửa trở lại, thanh long đã chớm lên rồi. Khi Trung Quốc mở cửa từ ngày 8/1, giá thanh long lên rất cao, tăng gấp ba lần trước đó. Hiện giá thanh long tại vườn là hơn 33.000 đồng/kg", ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, thông tin.

Lưu ý khi xuất khẩu sang Trung Quốc

Có thể thấy việc thị trường Trung Quốc khởi động lại đang mang đến niềm phấn khởi cho cả nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, lần mở cửa trở lại sau đại dịch, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Nước này đã bắt đầu siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu đối với mặt hàng nông sản.

Sau khi có thông tin Trung Quốc thu mua trở lại nông sản Việt Nam, hiện giá các loại nông sản đã tăng lên gấp nhiều lần. Thậm chí, giá nhiều nông sản đã tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, người dân cũng cần lưu ý, để xuất khẩu sang Trung Quốc cần phải có mã số vùng trồng. Vì vậy, người dân cần nhanh chóng đăng ký mã vùng trồng để xuất khẩu trở lại thị trường này.

Việc thị trường Trung Quốc khởi động lại đang mang đến niềm phấn khởi cho cả nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Bắt đầu từ năm 2022, Trung Quốc siết chặt quy định xuất khẩu nông sản vào thị trường này. Cụ thể, phía Trung Quốc sẽ thay đổi mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng giảm hàm lượng thuốc bảo vệ gần ngang bằng với các nước phát triển. Cùng với đó, nước này cũng quy định về truy xuất được nguồn gốc, mã vùng trồng.

Với hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản, nhất là rau quả sang Trung Quốc tấp nập trở lại, ngay trong tháng 1/2023, xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang thị trường này đã tăng trưởng mạnh mẽ với ước mức tăng tới 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chuyên gia và doanh nghiệp cũng kỳ vọng, năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả Việt Nam, việc còn lại nằm ở nông dân và doanh nghiệp làm sao nắm vững, cập nhật đầy đủ và tuân thủ những yêu cầu từ phía nhà nhập khẩu.

Các tin khác