Fed có kỷ lục đáng khích lệ trong việc tạo ra các cuộc hạ cánh mềm cho nền kinh tế

Lịch sử cho thấy rằng, với những quyết định khéo léo và một chút may mắn, các ngân hàng trung ương có thể đánh bại lạm phát mà không gây ra suy thoái.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp trong nỗ lực chống lạm phát. Động thái này khiến các nhà đầu tư lo lắng hơn về một cuộc suy thoái, mặc dù Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell và các thành viên khác của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã nhiều lần bày tỏ mong muốn tạo ra một cuộc "hạ cánh mềm" - nghĩa đại khái là để giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái, mặc dù tăng trưởng sẽ chậm lại.

Các nhà phê bình đã bày tỏ sự hoài nghi rằng liệu điều này có thể được thực hiện hay không. Nhiều nhà kinh tế tin rằng Fed chỉ hạ cánh mềm được 1 lần duy nhất trong 11 lần thắt chặt chính sách trong 60 năm qua, vào giai đoạn 1994-1995. Những nhà phê bình này cho rằng lịch sử cho thấy Fed hoặc sẽ tăng lãi suất quá ít và không thể đánh bại lạm phát hoặc đi quá xa và dẫn đến suy thoái.

Tuy nhiên, một phân tích lịch sử cẩn thận cho thấy Fed có một kỷ lục đáng khích lệ hơn nhiều. Giáo sư kinh tế Alan Blinder và từng là Phó chủ tịch Fed giai đoạn 1994-1996 cho biết, Fed đã hạ cánh nhẹ nhàng gần 6 trong số 11 trường hợp. Trong 5 trường hợp còn lại, Fed không cố gắng hạ cánh nền kinh tế một cách nhẹ nhàng vì cần phải hạ cánh cứng để đè bẹp lạm phát cao hoặc chính sách của Fed bị áp đảo bởi các sự kiện ngoài tầm kiểm soát.

Chắc chắn, hạ cánh nền kinh tế một cách nhẹ nhàng là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng thành công không phải là không tưởng. Fed đã làm điều đó trước đây.

Giai đoạn thắt chặt 1965-1966

Đợt thắt chặt chính sách tiền tệ đầu tiên cần xem xét kéo dài từ tháng 9/1965 đến tháng 11/1966. Tổng thống Lyndon Johnson vào thời điểm đó đã đẩy mạnh cả chi tiêu quốc phòng và chi tiêu phi quốc phòng vào thời điểm toàn dụng lao động. Điều này đã gây áp lực lên lạm phát và Fed đã cố gắng chống lại bằng cách tăng lãi suất từ khoảng 4% lên khoảng 5,75%, giúp ổn định lạm phát gần 3%.

Lạm phát bắt đầu tăng trở lại vào tháng 12/1967 và đạt khoảng 6% vào mùa Xuân năm 1969, một con số đáng kinh ngạc vào thời điểm đó. Với chính sách tài khóa vẫn vô kỷ luật, ngay cả việc Fed tăng lãi suất mạnh lên khoảng 9,2% cũng không đủ để đẩy lạm phát xuống. Tổng thống Lyndon Johnson đã cố gắng giúp Fed bằng cách yêu cầu Quốc hội tăng thuế vào tháng 1/1967, nhưng các nhà lập pháp đã trì hoãn việc thông qua cho đến tháng 6/1968, lúc đó tổng cầu và lạm phát đã đạt mức cao.

Vì lạm phát không giảm nhanh chóng, các nhà quan sát đương thời tuyên bố gói chống lạm phát - tiền eo hẹp cộng với việc tăng thuế năm 1968 - là một thất bại. Nhưng trong khi sự kiên nhẫn là cần thiết, lạm phát cuối cùng đã giảm một chút - xuống còn khoảng 5% vào năm 1971. Một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào tháng 12/1969, nhưng sự sụt giảm GDP thực tế trong cuộc suy thoái 1969-1970 chỉ là 0,6%. Ông Alan Blinder đã mô tả nó như một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng.

Giai đoạn thắt chặt vào những năm 1970 và 1980

Các đợt thắt chặt tiền tệ tiếp theo diễn ra vào những năm 1970 và đầu những năm 1980, khi lạm phát đạt mức đỉnh ở mức hai con số, khoảng 12% vào năm 1975 và hơn 13% vào năm 1980. Fed đã tăng lãi suất huy động thêm gần 10% từ tháng 2/1972 đến tháng 7/1974, tăng 13% từ tháng 1/1977 đến tháng 4/1980 và khoảng 10% từ tháng 7/1980 đến tháng 1/1981. Mỗi chu kỳ lãi suất này được theo sau bởi một cuộc suy thoái, có thể là nguồn gốc của quan điểm rộng rãi rằng các cuộc hạ cánh khó khăn là điều dễ xảy ra.

Tuy nhiên, trong hai trường hợp sau, các cuộc hạ cánh cứng rõ ràng là lựa chọn chính sách chứ không phải là sai lầm. Chủ tịch Fed năm 1979, ông Paul Volcker đã không cố gắng hạ cánh nền kinh tế một cách nhẹ nhàng. Ông nhấn mạnh rằng lạm phát hai con số phải được xóa bỏ ngay cả khi chi phí khá cao. Trong trường hợp của những năm 1972-1974, suy thoái có lẽ là không thể tránh khỏi dù Fed làm bất cứ điều gì, với một loạt cú sốc lương thực do mất mùa và cú sốc năng lượng do OPEC.

Giai đoạn thắt chặt năm 1988-1989

Giai đoạn thắt chặt quan trọng tiếp theo là chu kỳ tăng lãi suất kéo dài cả năm từ tháng 3/1988 đến tháng 4/1989, đó là ngoại lệ chứng minh quy luật. Vào đầu năm 1988, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 5,7%, mà nhiều nhà kinh tế coi là tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên hoặc tỷ lệ cân bằng vào thời điểm đó, và lạm phát cơ bản đã tăng nhẹ. FOMC đã quyết định bắt đầu thắt chặt, mặc dù rất chậm, nâng lãi suất quỹ liên bang lên khoảng 3,25% trong 13 tháng.

Cựu Phó Chủ tịch Fed Alan Blinder tin rằng, chu kỳ thắt chặt này sẽ tạo ra một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng nếu không phải do giá dầu tăng vọt sau cuộc tấn công của Iraq vào Kuwait trong tháng 8/1990. Cú sốc dầu mỏ năm 1990 là ngắn nhưng đã làm tiêu tan mọi hy vọng về một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng và đưa Mỹ vào cuộc suy thoái 1990-1991. Đó là điều xui xẻo cho Fed và nền kinh tế cũng như Tổng thống George H.W.Bush lúc bấy giờ.

Bài học ở đây là những cú sốc từ bên ngoài có thể làm hỏng những kế hoạch đã được sắp đặt tốt nhất.

Giai đoạn thắt chặt năm 1994

Đợt tăng lãi suất tiếp theo bắt đầu vào đầu năm 1994 và kéo dài khoảng một năm. Nó dẫn đến một cuộc hạ cánh mềm "hoàn hảo" và thường được coi là trường hợp như vậy duy nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông Alan Blinder cũng là Phó chủ tịch Fed vào thời điểm đó.

Khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 2/1994, lạm phát ổn định ở mức khoảng 3% và tỷ lệ thất nghiệp cũng ổn định ở mức 6,6%, sau đó được cho là gần với tỷ lệ tự nhiên một cách có thể chấp nhận được. Những con số như vậy rõ ràng không kêu gọi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Nhưng với lãi suất huy động vốn ở mức 3% kể từ tháng 9/1992 khiến lãi suất thực bằng không, FOMC đang lo lắng về áp lực lạm phát ban đầu từ chính sách tiền tệ nới lỏng. Họ đã phản ứng bằng cách tăng lãi suất mục tiêu lên 3% trong suốt một năm.

Kết quả thật tuyệt vời vì lạm phát vẫn ở mức 3% trong 2-3 năm nữa và sau đó giảm nhẹ. Tỷ lệ thất nghiệp cũng có xu hướng giảm trong hầu hết sáu năm tiếp theo, xuống mức thấp nhất là 3,8% vào tháng 4/2000. Ngoại trừ một nấc thang tăng trưởng ngắn trong nửa đầu năm 1995, GDP thực hiếm khi tăng với tốc độ hàng năm dưới 3% trong phần còn lại của thập kỷ. Không có suy thoái xảy ra nên chắc chắn đây là cuộc hạ cánh mềm hoàn hảo. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là Fed không cố gắng đẩy lạm phát xuống vào thời điểm đó, mà chỉ để ổn định nó và ngân hàng trung ương đã may mắn rằng các kế hoạch của họ đã không bị trật bánh bởi cú sốc nguồn cung như năm 1990.

Giai đoạn thắt chặt năm 1999

Theo tính toán của ông Alan Blinder, chu kỳ thắt chặt tiếp theo bắt đầu vào tháng 1/1999. Lần tăng lãi suất được công bố đầu tiên của FOMC chỉ đến tháng 7/1999, nhưng lãi suất trên thị trường đã tăng trong 6 tháng trước đó. Một năm sau, lãi suất đã tăng thêm gần 2%. Đây là một mức thắt chặt khiêm tốn nhưng cùng với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 2000, nó đủ để dẫn đến cuộc suy thoái năm 2001. (Thảm họa 11/9 dường như không làm nền kinh tế trật bánh).

Liệu đó có phải là một cuộc hạ cánh khó khăn? Không hẳn. Hai quý (không liên tiếp) tăng trưởng GDP âm vào năm 2001 quá nhỏ đến mức khiến GDP của cả năm 2001 cao hơn cả năm 2000. Vì lý do đó, việc hạ cánh vẫn ở khía cạnh của một cuộc hạ cánh mềm.

Giai đoạn thắt chặt 2004-2006 và 2015-2019

Lãi suất tăng của các năm 2004-2006 và 2015-2019 được theo sau bởi các cuộc suy thoái cực kỳ đau đớn trong các năm 2007-2009 và 2020. Nhưng những cuộc suy thoái này không phải do tiền eo hẹp. Cuộc suy thoái đầu tiên đến từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và cuộc suy thoái thứ hai là sản phẩm của đại dịch Covid.

Vì vậy, câu hỏi chính cần đặt ra là “Khi Fed cố gắng thiết kế hạ cánh mềm, họ đã thành công?” Có lẽ đáng ngạc nhiên nhưng câu trả lời hầu hết là có. Trong số 6 chu kỳ thắt chặt, 5 thời điểm nền kinh tế đã có cuộc hạ cánh khá nhẹ nhàng và đoạn còn lại có khả năng xảy ra như vậy nếu không xảy ra cú sốc dầu năm 1990.

Ngày nay, Fed đang ở giữa chu kỳ thắt chặt thứ 12 kể từ những năm 1960. FOMC vừa nâng lãi suất lên 3%-3,25% và dự kiến sẽ tăng cao hơn. Lạm phát chỉ giảm nhẹ cho đến nay, và mọi người đang quên một trong những bài học quan trọng của lịch sử tiền tệ: Khoảng thời gian giữa tiền thắt chặt hơn và lạm phát thấp hơn là rất lâu. Sự hạ cánh cuối cùng dù cứng hay mềm, đều ở đâu đó trong tương lai.

Dựa trên lịch sử, ông Alan Blinder đánh giá khả năng hạ cánh mềm lần này là dưới 50% nhưng cũng trên 0. Về mặt tiêu cực, nhiệm vụ hiện tại của Fed không chỉ là ổn định tỷ lệ lạm phát như năm 1994, mà là hạ thấp tỷ lệ này về cơ bản như năm 1980. Đó sẽ là một công việc khó khăn ngay cả khi không có các cú sốc về lương thực và năng lượng. Thật không may, vận may của Fed bắt đầu không tốt vì lạm phát đang khá dai dẳng và các thành phần của lạm phát hiện đang ở mức cao.

Hơn nữa, FOMC đã bắt đầu tăng lãi suất khá muộn. Hiện tại, lạm phát vừa tập trung lại vừa lan rộng ra ngoài các lĩnh vực chịu tác động ban đầu như năng lượng, thực phẩm và các sản phẩm bị ách tắc nguồn cung.

Tuy nhiên, về mặt tích cực, những kỳ vọng lạm phát dường như vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Các nhà phê bình lo ngại rằng kỳ vọng lạm phát cao đã ăn sâu nên hãy nhớ rằng lạm phát ngày nay vẫn còn nhẹ. Chỉ 18 tháng trước, tỷ lệ lạm phát cơ bản là 1,6%. Không giống như người Mỹ vào đầu những năm 1980, những người thiết lập giá và tiền lương ngày nay không nghĩ lạm phát 2% như một thứ gì đó không bao giờ xảy ra. Họ đã sống với mức lạm phát đó trong thời gian gần đây. Cuối cùng, khi chu kỳ thắt chặt tiền tệ bắt đầu từ tỷ lệ thất nghiệp khoảng 3,5%, tỷ lệ tạo việc làm gần 500.000 một tháng và các vị trí tuyển dụng kỷ lục, nền kinh tế có thể tăng trưởng chậm lại mà không có tác động nghiêm trọng đến thị trường lao động.

Lịch sử đã dạy chúng ta rằng việc thiết kế thành công một cuộc hạ cánh mềm đòi hỏi cả những quyết định khéo léo và sự may mắn. Nhưng, xác suất là điều khó đoán.

Các tin khác