Ngắm nhìn Hải Vân Quan từ trên cao

(ĐTTCO) - Đèo Hải Vân là một con đèo hiểm trở cắt ngang dãy núi Bạch Mã, trên đỉnh đèo thường có mây nên còn gọi là đèo Mây. Hiện nay, các con đường hiện đại vượt đèo được đưa vào sử dụng, nhưng du khách đi qua đây vẫn ít nhiều “rợn tóc gáy” vì độ uốn lượn của các cung đường.

Ngắm nhìn Hải Vân Quan từ trên cao ảnh 1
Địa điểm ấn tượng nhất đối với du khách qua đây chính là đỉnh đèo Hải Vân hay cửa ải Hải Vân tức Hải Vân Quan. Hải Vân Quan được vua Minh Mạng cho xây dựng năm 1826, cửa trông về phủ Thừa Thiên có đề 3 chữ “Hải Vân Quan”, còn cửa trông xuống Quảng Nam đề 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Hiện nay, Hải Vân Quan còn một số lô cốt, tháp canh thuộc địa phận cả tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng. Năm 2017, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch công nhận Hải Vân Quan là di tích lịch sử kiến trúc cấp quốc gia.
Về mặt mỹ thuật, đèo Hải Vân và Hải Vân Quan được triều đình nhà Nguyễn rất coi trọng, nên vua Minh Mạng đã truyền lệnh cho khắc hình vào Dụ Đỉnh, tức đỉnh thứ 8 của Cửu Đỉnh trong sân Thế miếu, kinh thành Huế. Cung đường qua Hải Vân Quan nằm khá gần bờ biển và cao hơn mực nước biển khoảng 500m. Cung đường khá ngoằn ngoèo, chênh vênh sườn núi, có những đoạn gập khúc 180o khiến những tay lái vững vàng nhất cũng phải dè chừng. Dọc cung đường là những thảm thực vật xanh tốt do được hưởng nhiều lượng mưa trên địa hình dãy núi Bạch Mã.
Không chỉ đường bộ, du khách đi bằng đường sắt qua cung đường này cũng sẽ được thưởng thức cảm giác rất thú vị, đó là những đường cong bám sát các quả núi hùng vĩ, nơi cheo leo qua thung lũng hun hút, nhìn từ trên cao đoàn tàu như một con giun đất đang bò trên thảm cỏ xanh. Và để bắt được mây trên Hải Vân Quan không phải điều khó khăn, bên cạnh đó là hít thở gió biển có chút vị mặn thổi vào.
Để nói về sự thơ mộng, hùng vĩ của đèo Hải Vân, người xưa truyền tai nhau câu ca dao: Chiều chiều mây phủ Ải Vân / Chim kêu ghềnh đá gẫm thân lại buồn. Còn địa thế hiểm trở của Hải Vân cũng được nhắc đến trong câu: Đường bộ thì sợ Hải Vân / Đường thủy thì sợ sóng thần hang Dơi.
Qua Hải Vân Quan, cung đường bắt đầu xuống dốc, xuôi về TP Huế. Nhìn từ trên cao, con đường trông như sợi chỉ chạy ngoằn ngoèo với rất nhiều khúc ngoặt gây cho các tay lái cảm giác con đường kéo dài vô tận. Nhưng chỉ đến khi chính bạn bắt đầu thấy hụt hẫng thì ô tô lượn quanh khúc ngoặt cuối cùng và một phong cảnh hết sức thần tiên hiện ra trước mắt: bãi biển và làng chài Lăng Cô thơ mộng.
Cho dù là chặng nghỉ chân giữa chừng hay là điểm cuối cùng của chuyến đi, bãi biển Lăng Cô vẫn là địa chỉ tuyệt vời của chuyến vượt đèo Hải Vân. Từ đây trở đi, trên những con đường đồng bằng ven biển, du khách có thể thoải mái ngắm nhìn những cánh đồng lúa bát ngát vào độ chín cùng những làng quê thanh bình dọc trên hai con đường dẫn tới TP Huế. 

Các tin khác