Nam thiên đệ nhất thác

(ĐTTCO) - Đây là danh hiệu vua Bảo Đại từng phong cho thác Pongour, con thác chảy trên sông Đa Nhim thuộc vùng đất xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Đây là danh hiệu vua Bảo Đại từng phong cho thác Pongour, con thác chảy trên sông Đa Nhim thuộc vùng đất xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Dòng thác huyền sử
Thác Pongour nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 50 km về hướng nam. Thác còn có tên gọi khác là thác Bẩy Tầng bởi thác có 7 tầng đá. Thác Pongour có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân tộc K’ho, bởi dòng thác gắn liền với câu chuyện huyền sử.
Truyền thuyết kể lại rằng, ngày xửa ngày xưa vùng đất này do một nữ tù trưởng người K’ho xinh đẹp tên là Kanai cai quản. Nữ tù trưởng có tài chinh phục thú dữ để dân làng yên tâm sản xuất, sinh sống. Nàng còn có 4 con tê giác rất khỏe khoắn, to lớn và rất thuần phục, luôn tuân lệnh nàng để dời non ngăn suối, khai phá nương rẫy trồng bắp, chống lại kẻ thù và bảo vệ dân làng. 
Cuộc sống của dân làng đang yên ấm, vui vẻ bỗng vào một mùa xuân năm ấy, ngày rằm tháng Giêng, nàng Kanai đã trút hơi thở cuối cùng ra đi mãi mãi. 4 con tê giác tiếc thương, quanh quẩn ngày đêm bên chủ nhân không rời nửa bước. Chúng không buồn ăn uống rồi chết bên cạnh chủ nhân.
Nam thiên đệ nhất thác ảnh 1
Bỗng nhiên, vào một buổi sáng bình minh, dân làng vô cùng ngạc nhiên khi thấy nơi nàng yên nghỉ hiện lên một dòng thác đẹp tuyệt trần. Hóa ra, dòng thác đó là do mái tóc nàng hóa thành. Dòng thác nước chảy xuống bọt tung trắng xóa, mát rượi, dưới là những phiến đá bàn xanh rêu xếp dần từ cao xuống thấp.
Người dân địa phương tin rằng, các phiến đá đó là do các cặp sừng của 4 con tê giác hóa thạch - biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, gắn bó vĩnh cửu giữa con người với thiên nhiên bao la.
Thác Pongour là tên do người Pháp đặt, phiên âm từ tiếng bản địa của người dân tộc K’ho, có nghĩa là “ông chủ vùng đất sét trắng”. Còn theo tài liệu địa chất khảo sát của người Pháp, vùng đất này có nhiều cao lanh, loại đất sét có màu trắng, tính bở và chịu được lửa tốt.

Tìm hiểu lịch sử, khát vọng cuộc sống, tự do
Thác Pongour là một thác nước hùng vĩ và là điểm tham quan tuyệt đẹp khi du khách tới thăm thành phố Đà Lạt. Không tự nhiên thác được gọi là “Nam thiên đệ nhất thác” - dòng thác đẹp nhất trời Nam, thậm chí người Pháp từng đánh giá thác Pongour còn là ngọn thác hùng vĩ nhất Đông Dương.
Danh hiệu “Nam thiên đệ nhất thác” được vua Bảo Đại đặt cho dòng thác khi đến tham quan vào những năm đầu thế kỷ 20. Và đến nay du khách đến tham quan thác đều trầm trồ tán thưởng danh xưng mỹ miều mà vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam dành tặng. Năm 2000, thác Pongour đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nam thiên đệ nhất thác ảnh 2
Thác Pongour đổ từ độ cao gần 40m và trải rộng hơn 100m. Xung quanh  dòng thác là khu rừng nguyên sinh có diện tích khoảng 2,5ha với thảm thực vật đa dạng, phong phú. Điều thú vị nhất khi chiêm ngưỡng thác Pongour là ngắm nhìn các bậc đá bằng phẳng được xếp thành lớp. Tuy không theo trật tự và đoạn phiến đá to nhỏ khác nhau nhưng dòng nước vẫn bị xé đều ra thành hàng trăm dòng nước nhỏ trắng xóa, y như mái tóc trắng suôn mềm giữa đại ngàn.
Du khách có thể đi vào giữa dòng thác để được dòng nước mát chảy từ trên cao xuống đẩy lùi cái nóng bức trong những ngày hè. Trên đoạn đường đi vào khu tham quan du lịch thác Pongour, du khách sẽ cảm nhận được sự thơ mộng và lãng mạn. Những thảm thực vật xanh rì và những đàn chim hát líu lo trong rừng như bản bản hòa ca nhẹ nhàng. Tất cả tạo nên một nơi hoang dã đầy sức sống. Đặc biệt, nếu du khách đi vào dịp tháng 10, sẽ thấy hoa dã quỳ vàng rực khắp một không gian rộng lớn. 
Hàng năm, vào ngày rằm tháng Giêng, thác Pongour lại mở hội linh đình. Nam thanh nữ tú từ khắp nơi, không phân biệt dân tộc về đây trẩy hội rất đông. Đến hội, ngoài thưởng lãm phong cảnh thác còn là nơi mọi người giao lưu tìm hiểu về lịch sử, khát vọng cuộc sống, tự do tìm hiểu và yêu mến nhau. Đến tham quan mùa khô và mùa mưa đều có những điểm hấp dẫn khác nhau.
Mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11, lượng nước dồi dào, chảy khá mạnh, tuy nhiên mùa mưa đường sá trơn trượt, du khách nên hạn chế ra giữa thác để đảm bảo an toàn. Còn vào mùa khô, tuy lượng nước không nhiều nhưng du khách có thể đi ra giữa thác dễ dàng hơn, nước cũng trong hơn. 
 Để đến được thác Pongour, du khách có thể đi xe máy dọc theo Quốc lộ 20, hướng Đà Lạt - TPHCM. Sau đó, du khách rẽ phải khoảng 8km, tính từ khu vực xóm Trung - núi Chai. Có một cách khác đi trên đường từ TPHCM lên Đà Lạt, du khách có thể dừng tại km 260 và sau đó rẽ phải và đi thẳng khoảng 8km là tới nơi. Do đã được quy hoạch là điểm du lịch nên vào tham quan thác Pongour cần mua vé 20.000 đồng mỗi người. Từ khu vực gửi xe, du khách đi bộ chừng 15 phút để ra được thác.

Các tin khác