Lạc giữa miền biên cương

(ĐTTCO) - Bình Liêu là huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ninh với đường biên giới dài hơn 43km. Trong ánh nắng đầu đông, cả một vùng núi đồi Bình Liêu ngả vàng màu cỏ úa.
 Đến mảnh đất này, chúng tôi như được lạc vào miền hoa cỏ hoang sơ, kỳ thú. Khám phá những nét văn hóa bản địa đặc sắc, lạ lẫm càng níu chân du khách ở lại lâu hơn.
Cung đường cột mốc mùa cỏ úa
Từ Hà Nội chúng tôi bắt đầu một hành trình mới tới vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Quãng đường 230km từ Hà Nội đến Thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) khá thong dong. Từ Tiên Yên đi tiếp 30km theo Quốc lộ 18C sẽ đến được Thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu.
Buổi sáng ngày mới, màn sương mờ giăng kín thị trấn rẻo cao miền biên cương. Mọi người tạt vào quán, thưởng thức đĩa phở xào thịt lợn nóng hổi chính hiệu Bình Liêu trước khi bắt đầu tour khám phá. Cái cảm giác se se lạnh đầu đông cộng với ánh nắng vàng dần lan tỏa nơi rẻo cao Đông Bắc làm chúng tôi thêm phần phấn khích và nhiều năng lượng. Từ thị trấn Bình Liêu ngược lên phía Bắc, cung đường bắt đầu xuất hiện nhiều khúc cua, dốc ngày càng cao.
Lạc giữa miền biên cương ảnh 1
Đến đích đầu tiên, mọi người bắt gặp Cột mốc 1317 bên Cửa khẩu Hoành Mô. Cột mốc nằm sát đường bờ sông Đồng Mô (Việt Nam) chạy sang Phòng Thành, Quảng Tây (Trung Quốc). Mọi người dừng chân tham quan, chụp ảnh kỷ niệm bên cột mốc một lúc rồi bắt đầu rẽ trái ngược lên cung đường tuần biên.
Trước khi khởi hành từ cửa khẩu Hoành Mô, chúng tôi được người dân bản địa mách bảo phía trước được mệnh danh là: “Cung đường cột mốc, cung đường tuần tra biên giới”. Được gọi với cái tên ấy bởi gần 30km đường núi ở đây, du khách sẽ bắt gặp hàng chục cột mốc với điểm xuất phát từ 1317 (cửa khẩu Hoành Mô) đến điểm cuối 1297 (giáp ranh giữa huyện Bình Liêu và huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn).
Bắt đầu chinh chiến trên cung đường cột mốc, những chiếc xe máy, ô tô phải ì ạch leo từng đoạn dốc. Đang từ độ cao 300-400m đến cuối cung đường đột ngột vượt lên trên 1.000m so với mực nước biển. Đường tuần tra đã được bê tông hóa, uốn lượn bên sườn núi như một con trăn dài vô tận miền biên cương. Đứng trên một mỏm cao thuộc dãy núi Mã Thông Thuận, tôi và mọi người bị choáng ngợp bởi sự bao la, bát ngát, thăm thẳm của đất trời.
Những thảo nguyên mênh mông trên đỉnh núi hút trọn tầm mắt. Cỏ cây, hoa lá biến đổi theo mùa làm cho cả một vùng núi cao hiện ra đẹp lạ thường. Dù bạn đi vào bất cứ thời điểm nào trong năm cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp nơi đây. Mùa xuân - hạ miền thảo nguyên trên núi tươi xanh mơn mởn đầy sức sống. Đến khi thu - đông, gió mùa se lạnh tràn về từ phương Bắc, miền lau cỏ nơi đây dần ngả vàng, úa màu phôi phai. Vẻ đẹp hoang sơ với ai đó sẽ thấy quen quen mà lại có chút gì là lạ.
Vẻ đẹp miền lau cỏ úa vàng cứ từ từ ngấm vào tâm hồn, có sức cuốn hút đặc biệt. Thỉnh thoảng không thể cầm được lòng trước cảnh sắc thiên nhiên, chúng tôi lại dừng xe, cùng nhau dạo bộ lạc bước vào miền cỏ cây. Những đồi lau bạt ngàn, cao quá đầu người khiến từng nhóm du khách phương xa thích thú tột độ. Lạc giữa miền lau, hà hít hương sắc trinh nguyên của thiên nhiên, khiến trong lòng ai cũng lâng lâng.
Những đồi lau, đồng cỏ ôm trọn lấy cung đường tuần tra biên giới. Thỉnh thoảng trên một mỏm núi, du khách lại thấy thấp thoáng cột mốc chủ quyền. Những địa danh như: “Đồi Hạnh phúc”, “Sống lưng Khủng long” gắn với các cột mộc 1300, 1302, 1305, 1306… Mang vẻ đẹp của thiên nhiên vừa toát lên niềm tự hào, xúc động về chủ quyền lãnh thổ.
Từ điểm dừng xe trên cung đường tuần tra biên giới, chúng tôi theo đoàn người leo từng bậc thang để dạo ngắm “Sống lưng Khủng long”. Đoạn đường dài cả 1km với hàng ngàn bậc thang. Đi trên đoạn này, du khách sẽ cảm nhận được vẻ hùng vĩ của đất trời nơi biên ải. Trên là đỉnh núi, 2 bên là vực sâu hun hút, chỉ toàn lau cỏ. Cảm giác được chinh phục ùa về trong lòng mỗi người. 
Lạc giữa miền biên cương ảnh 2
Đặc biệt, cột mốc 1300 nằm trên một đỉnh cao, mà so với địa hình xung quanh nó y như một quả đồi, được người bản địa đặt tên là “Đồi Hạnh phúc”. Lau cỏ xung quanh đồi úa vàng hiện hữu dưới nắng đông rực rỡ.
Đứng trên đây, du khách ngỡ ngàng nhìn đất trời bốn phương 3600, như đang nằm trọn trong đôi mắt. Ở đây, lòng ta như đang hòa cùng thiên nhiên, núi trời. Ta chợt nhớ về câu thơ cảm khái tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước của vị Không Lộ Thiền Sư xưa: “Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng / Một tiếng kêu vang lạnh cả trời”. 
Hiện nay cung đường tuần tra biên giới, khám phá cột mốc mới chỉ đón tiếp du khách Việt Nam. Mọi người đi khám phá ở đây, cần chuẩn bị trang phục nhã nhặn, lịch sự, mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân để có thể xuất trình.

Vẻ đẹp phụ nữ rẻo cao
Đến Bình Liêu ngoài khám phá cung đường cột mốc, tuần tra biên giới,  mọi du khách sẽ được bắt gặp những phiên chợ thảo quả, rau củ… đặc sản chốn núi rừng. Đặc biệt nơi đây sẽ được ngắm vẻ đẹp độc đáo, lạ mắt của những phụ nữ Dao Thanh Phán, Sán Chỉ.
Trên những nương lúa chín muộn (khoảng tháng 11 dương lịch mới bắt đầu gặt) ở lưng chừng núi thuộc các xã vùng cao: Húc Động, Lục Hồn, Đồng Văn… du khách bị vẻ đẹp độc đáo của trang phục người phụ nữ Dao Thanh Phán hút hồn. Dao Thanh Phán là một nhánh thuộc dân tộc Dao ở Việt Nam.
Người Dao Thanh Phán chủ yếu định cư ở vùng núi phía Đông Bắc thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang. Lạ mắt, độc đáo nhất là chiếc khăn mũ đội đầu của người phụ nữ. Đây là nét văn hóa truyền thống của người phụ nữ Dao Thanh Phán. Chiếc khăn mũ đội đầu của phụ nữ được trang trí bằng vải gấm thêu hoa văn rất cầu kỳ, màu sắc sặc sỡ. Đặc biệt khung mũ khăn thường làm bằng tre, nứa để gắn chụp vào đầu, có quai đội qua hàm, phần mũ nhô lên khỏi đỉnh đầu cao chót vót, đến 30-40cm. Nhiều phụ nữ trung và cao tuổi ở các bản người Dao Thanh Phán vẫn còn giữ tục lệ bọc răng bằng vàng.
Nếu phụ nữ Dao Thanh Phán khiến nhiều du khách phương xa trầm trồ khi ngắm những chiếc mũ khăn gấm thêu hoa, bọc răng vàng… thì phụ nữ Sán Chỉ lại gây bất ngờ cho du khách bởi những hoạt động thể thao thú vị. Đó là những cô gái Sán Chỉ ở xã Húc Động mặc áo váy xanh đen, đầu quấn khăn đá bóng để lại ấn tượng cực mạnh trong lòng du khách.
Thậm chí bóng đá nữ của phụ nữ Sán Chỉ ở đây đã trở thành giải truyền thống thường niên. Còn vào dịp cuối tuần, hay các ngày lễ trong năm đều có các giải bóng đá phong trào cấp thôn, cấp xã diễn ra. Những pha tranh bóng quyết liệt, những cú sút ấn tượng của các cô gái Sán Chỉ làm cho du khách, người xem vang lên từng tràng vỗ tay, tiếng cười không ngớt. 
Nếu các cô gái trẻ đam mê bóng đá thì các bà lão U70, U80 Sán Chỉ lại thích thú với trò đánh quay (một số nơi gọi là đánh cù). Cả chục bà lão hào hứng thi nhau đánh những con quay gỗ to bằng chiếc đĩa trên mảnh đất trống. Người chơi lẫn người xem cười nói, trêu đùa, vô cùng vui vẻ. Đến đây vào dịp cuối tuần, du khách có thể được khám phá buổi lễ tái hiện đám cưới truyền thống của người Sán Chỉ. Chúng tôi đã được chiêm ngưỡng vẻ duyên dáng của những cô gái Sán Chỉ trong bộ trang phục truyền thống, đẹp đẽ nhất của dân tộc mình.
Những hoạt động văn hóa - thể thao như đá bóng nữ, đánh quay, tái hiện lễ hội, đám cưới… nằm trong chương trình chào đón, thu hút du khách đến với rẻo cao Bình Liêu. Vẻ đẹp của thiên nhiên biên cương hòa cùng nét văn hóa độc đáo, lạ mắt ở nơi đây sẽ làm du khách ấn tượng mãi không quên. 

Các tin khác