Lạc cảnh tiên động Đá Bạc

(ĐTTCO) - Tuy mới được phát hiện vào năm 1990 nhưng động Đá Bạc ở xóm Điếm Tổng (thôn Đá Bạc, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã nhanh chóng trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch. Với vẻ đẹp huyền bí, linh thiêng như cảnh tiên, động Đá Bạc còn có tên gọi khác là động Tiên.
Nơi các nàng tiên giáng trần
Dãy núi động Đá Bạc có hình dạng như một con cóc khổng lồ nửa ngồi, nửa nhảy, được người dân nơi dây gọi tên là Pai Dáy, hay hang Beo. Người dân địa phương thường truyền tai nhau về câu chuyện truyền thuyết liên quan đến động Đá Bạc rất ly kỳ.
Chuyện kể ngày xửa ngày xưa, các nàng tiên ở trên thiên đình vì chán cảnh thần tiên, mây trời, bèn rủ nhau xuống trần gian để vui chơi, vãn cảnh. Sau khi đi thăm thú nhiều nơi, các nàng tiên đã lạc tới động Đá Bạc. Vẻ đẹp huyền bí của động làm các nàng tiên say mê, thích thú vô cùng.
Ngọc Hoàng Thượng Đế hay tin, rất tức giận ra lệnh đóng cửa tiên giới không cho các
nàng tiên quay về. Vì vậy, các tiên nữ phải ở lại động Đá Bạc và dần dần đã hóa thân vào các vách đá. Từ câu chuyện trên khi du khách tham quan sẽ thấy rất nhiều những tượng đá, nhũ đá mang dáng dấp của các nàng tiên, và tên động Tiên bắt đầu được trở nên phổ biến.
Động Đá Bạc được phát hiện khá muộn cho dù không nằm quá xa khu dân cư. Vào cuối năm 1989, anh Trịnh Viết Bảy người xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) vào rừng kiếm củi và đã bị lạc đến chân núi Cóc. Thấy một khe đá nhỏ có thể lọt vừa, động rất tối nhưng bên trong có những nhũ đá tuyệt đẹp đã cuốn hút anh đi sâu vào hang, lần mò từng ngóc ngách.
Về sau, câu chuyện phát hiện ra một động đá tuyệt đẹp trong lòng núi Cóc đã lan rộng. Sau đó, người dân địa phương đã tìm đến và mở rộng cửa động, đồng thời lát gạch nền và lắp đặt hệ thống đèn sáng để dễ dàng tham quan hơn. 
Động Đá Bạc dài gần 70m, nơi rộng nhất nhất 22m, nơi cao nhất 15m. Động  gồm 3 động nhỏ là Cô Tiên, Long Tiên và động Mẫu. Qua cửa động chính (rộng chừng 1m, cao 2m), du khách bước lên vài bậc thang bằng đá sẽ tới động Cô Tiên.
Lạc cảnh tiên động Đá Bạc ảnh 1
Ngay khi bước vào của động, có 4 câu thơ được viết và treo ngay trước cửa động khiến du khách không thể không đọc trước khi vào động: Núi Cóc động tiên trời tạo hóa / Nguy nga lộng lẫy đẹp linh thiêng / Nơi đây hướng thiện tâm thanh thản /Du khách tìm về Phật độ thương.

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia
Động Cô Tiên có hình dạng đặc biệt mang dáng vẻ của một con cóc (ếch) khổng lồ. Do đó, trước cửa động Cô Tiên những khối đá có tạo hình rất thú vị như con rùa, con cóc… hiện diện khắp nơi. Qua động cô Tiên sẽ sang động Long Tiên bởi một con đường khá dài và thấp.
Những nhũ đá khiến du khách liên tưởng đến một tòa lâu đài uy nghi, lộng lẫy. Động Long Tiên có một lối thông ra cửa phụ, từ đây ánh sáng có thể len vào tạo nên khung cảnh chập chờn, hư ảo. Đi trong động Long Tiên, du khách cần hết sức chú ý các nhũ đá trên đầu vì độ thấp của chúng cũng như những giọt nước nhỏ từ trần xuống. Và động Mẫu là động cuối và cũng là động đẹp nhất trong động Đá Bạc.
Tại động Mẫu có một ban thờ Mẫu nghiêm trang khiến du khách như lạc vào miền cổ tích, thần thoại. Bên cạnh đó, có rất nhiều nhũ đá tự nhiên có hình thù giống với ngoài đời thật và được người dân đặt tên rất hay như: cây vàng, cây bạc, Thái Thượng Lão Quân, ba lọ linh đan, giàn gấc, đụn gạo, Na Tra thái tử, con cóc, con rùa, ruộng bậc thang...
Có một số thạch nhũ rỗng, khi gõ tay vào phát ra âm thanh như tiếng cồng chiêng rất thú vị. Đặc biệt, ở đây có một hồ nước nhỏ ngấm và nhỏ xuống từ trần động tạo ra những tiếng kêu róc rách rất huyền bí. Ngoài ra, động Mẫu còn có loài hoa ưu đàm là loài hoa linh thiêng mang điềm lành từ Trời. Từ có truyền thuyết nói rằng, hoa ưu đàm 3.000 năm mới nở một lần. Theo kinh Phật, hoa ưu đàm nở báo hiệu một vị Phật giáng sinh.
Với vẻ đẹp huyền bí được tạo hóa ban tặng, năm 2000, động Đá Bạc được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của tỉnh Hòa Bình. Trước khi vào động Đá Bạc, du khách sẽ đi qua đền động Đá Bạc thờ Mẫu Tứ phủ, ngoài ra, bên sườn núi còn có đường lên đỉnh núi Cóc, nơi có ban thờ Mẫu Thượng và Mẫu Cửu Trùng Thiên.
Để có thể di chuyển đến động Đá Bạc, từ Hà Nội du khách đi theo đường Quốc lộ 6 khoảng hơn 30km về phía Tây. Đến thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) , sau đó rẽ vào đường Quốc lộ 21A (đường Hồ Chí Minh) chừng 5km nữa về phía Nam và hỏi thăm đến xã Liên Sơn.
Nếu du khách di chuyển từ phía Nam Hà Nội đi ra, du khách có thể men theo đê sông Đáy trên địa phận huyện Thanh Oai, đến cầu Ba Thá, rồi rẽ vào Tỉnh lộ 429. Sau đó rẽ ngược lên đường Hồ Chí Minh tới đoạn hồ Văn Sơn thì rẽ tay trái khoảng 3km nữa là đến địa phận xã Liên Sơn và hỏi đến động Đá Bạc. 

Các tin khác