“Du lịch bụi” nước Mỹ thời hậu covid

“Du lịch bụi” nước Mỹ thời hậu covid

(ĐTTCO) - Thế là tôi trở lại nước Mỹ sau 3 năm ngăn cách vì dịch bệnh. Thực ra Mỹ mở cửa rất sớm, nhưng với người đi “du lịch bụi” làm sự nghiệp chính như tôi, để trang trải cho chuyến đi lang thang ở Mỹ trong 2 tháng không phải là điều dễ dàng.

Thế nên, “trải nghiệm nhiều nhất, chi phí thấp nhất” là tiêu chí hàng đầu cho chuyến đi này.

Lạm phát, tăng giá

Chuyến bay của tôi đáp tại sân bay Los Angeles lúc 21 giờ đêm, sau khi quá cảnh 4 tiếng tại sân bay Đào Viên của Đài Loan. Khác với cảnh vắng lặng như tờ tại sân bay ở Đài Loan vì vẫn hạn chế mở cửa, sân bay Los Angeles đông nghịt người. Xong thủ tục nhập cảnh, tôi đẩy hành lý tìm chỗ trong sân bay để… ngủ.

Phương án ngủ sân bay không chỉ tiết kiệm một đêm khách sạn còn đỡ được chi phí taxi ra vào sân bay, vì hôm sau tôi vẫn phải vào lại sân bay để thuê xe. Bởi vậy túi ngủ là thứ không thể thiếu cho dân đi bụi trong những tình huống này.

Để khám phá nước Mỹ với chi phí tiết kiệm nhất, việc đầu tiên là thuê xe tự lái. Ở sân bay có các tuyến bus đưa khách đến các công ty cho thuê xe gần đó. Thuê chiếc xe xịn ở Mỹ cực kỳ đơn giản, nhưng chi phí thuê xe lại là cả vấn đề. Dù đã từng có kinh nghiệm từ lần trước, nhưng thuê xe vẫn là điều khó khăn nhất với tôi trong hành trình này, bởi chi phí thuê xe giữa các công ty muôn hình vạn trạng, chênh lệch rất nhiều.

Sau một ngày mệt nhoài rà soát thông tin, vác hành lý lên xuống xe bus để đến các công ty cho thuê xe, cuối cùng tôi cũng tìm được chiếc xe ưng ý với giá cả chấp nhận được. Một điều cần giải đáp cho thắc mắc của nhiều người, là bằng lái ô tô của Việt Nam thể hiện bằng ngôn ngữ Việt và Anh đều được công ty cho thuê xe ở Mỹ chấp nhận.

Có “chiến mã” ngon lành rồi, lên đường thôi. Niềm hứng khởi vừa mới le lói đã bị hiện thực lạm phát ở Mỹ làm choáng váng. Trên Airbnb, ứng dụng cho thuê nhà qua việc chia sẻ nơi ở của chủ nhà, cách thức giúp tôi giảm rất nhiều tiền chỗ ở khi đi Mỹ, nay cũng tăng 30-50%. Một phòng ở ké với chủ nhà tại Los Angeles, thấp nhất cũng phải 80USD/đêm, các bang khác cũng 70USD trở lên.

Chi phí ăn uống cũng nằm trong vòng xoáy này, tăng lên nhiều so với 3 năm trước. Như tô phở ở nhà hàng Việt Nam trước đây tầm 8-12USD, nay tăng lên 12-16USD. Giá xăng tùy theo bang, ở Los Angeles và Arizona cao gần gấp đôi các bang khác như Texas, Kansas, Oklahoma, Colorado… Nhiều người Mỹ tôi gặp dọc đường đi luôn than thở về tình hình lạm phát đang diễn ra. Có vẻ cả thế giới cùng bị ảnh hưởng và nhiều khó khăn.

Để quên con tim ở Great Salt Plains, Oklahoma

Xăng, vé vào bảo tàng và những nơi tôi muốn tham quan không thể thương lượng giá cả, nên tôi chỉ còn cách tiết kiệm chi phí chỗ ở và ăn uống, đó là vào rừng cắm trại là một trong những phương án tôi chọn.

Nói vui một chút, thực ra cắm trại luôn là trải nghiệm đặc biệt của tôi trong những hành trình. So với Nepal, Mông Cổ, cắm trại ở Mỹ sướng hơn nhiều. Bang nào của Mỹ cũng có nhiều điểm cắm trại của tư nhân cũng như của chính phủ trong các khu rừng. Chi phí cũng theo đó dao động theo. Nhìn chung, nếu chỉ thuê chỗ để dựng lều kèm tiện ích tối thiểu như nước vòi và nhà vệ sinh, sang nữa thì có wifi, chỉ dao động 10-40USD/đêm.

Cũng là ngủ trong rừng nhưng sang chảnh có loại hình các xe kiêm nhà di động, hoặc nhà cabin với chi phí vài trăm đến cả ngàn USD 1 ngày. “Phận” bụi đời như tôi cứ tưởng sẽ mãi sống kiếp tự dựng lều rồi co ro trong túi ngủ, khi nhiệt độ đêm khuya xuống còn 2-3oC giữa rừng Angeles National Park gần Los Angeles, vậy mà không ngờ có ngày được ở nhà cabin ở nơi tuyệt đẹp bang Oklahoma với chi phí rất đỗi nhẹ nhàng.

Oklahoma là tiểu bang ít được nhắc đến với du khách Việt, ít nhất là tôi chưa bao giờ nghe đến tên. Nhưng vốn dĩ là người thích săn lùng những nơi độc lạ, vùng sâu vùng xa, nơi nào ít ai đến thì tôi đến. So với các bang tôi đã đi qua, Oklahoma có vẻ bình dân, “nhà quê” hơn với những thị trấn nhỏ, những căn nhà cũng nhỏ nhỏ. Đổi lại, thiên nhiên ở Oklahoma tuyệt đẹp với những thảo nguyên mênh mông và rất nhiều sông hồ.

Nơi đặc biệt nhất ở Oklahoma là cánh đồng muối khổng lồ, với tên gọi Great Salt Plains, bao phủ trong khu rừng rộng lớn và chiếc hồ thơ mộng. Tinh thể muối ở đây được coi là “độc nhất vô nhị” vì kết tinh thành tinh thể rắn, đủ hình dạng màu sắc và không bao giờ tan chảy. Đào tinh thể muối làm món đồ trang trí lưu niệm, câu cá, bơi lội và đi rừng, là những hoạt động rất được yêu thích ở đây.

Tôi đến Great Salt Plains vào mùa đông, đã hết mùa đào tinh thể hay câu cá, bơi lội. Nhưng nơi đây vẫn đẹp nao lòng với những rừng cây lá vàng lấp lánh trong gió, với đồng cỏ xanh rì nơi yêu thích của mấy con tê tê để đào bới tìm thức ăn. Great Salt Plains là công viên thuộc quản lý của chính phủ, có 5 cabin xinh xắn cùng rất nhiều khu cắm trại với đầy đủ tiện ích mà phí lại rất mềm, chưa đến 100USD cho 1 cabin 4 người ở.

Cửa sổ cabin của tôi nhìn ra cây cổ thụ to chẳng khác nào bức tranh vô cùng sống động mỗi khi cành lá rung rinh theo gió. Hôm tôi ở đây, cũng đúng dịp trăng tròn. Bắc chiếc ghế trước thềm, tôi ngồi ngắm trăng lên trên những tàng cây cổ thụ, trong thanh âm tĩnh mịch của núi rừng, trong lòng dâng lên niềm biết ơn những khoảnh khắc đẹp và yên bình thiên nhiên trời đất ban tặng cho con người.

“Trại hè” bí ẩn của các tỷ phú ở Thung lũng Mặt trời

Trước khi đến Idaho, tôi chỉ biết đây có nhiều núi non, mùa đông tuyết phủ trắng xóa. Quả thật, mới cuối tháng 11 những ngọn núi ở Idaho đã phủ đầy tuyết. Những ngôi làng dưới chân núi tuyết đã đóng thành lớp dày với những hàng thông phủ tuyết như hình ảnh của những chiếc thiệp tôi vẫn hay nhìn thấy khi Noel về.

Thiên nhiên tươi đẹp, diện tích lớn thứ 14 nhưng Idaho không nằm trong nhóm các bang giàu có nhất của Mỹ khi xếp hạng 41 (năm 2021). Tuy nhiên, điều vô cùng bất ngờ và thú vị, ngôi làng Sun Valley (Thung lũng Mặt Trời) nhỏ bé ở đây lại là nơi hàng năm diễn ra những hoạt động được trông ngóng: “Trại hè” của các tỷ phú thế giới.

Từ năm 1983, dưới sự tài trợ và tổ chức của Ngân hàng đầu tư Allen & Company, cứ vào tháng 7 hàng năm, hội nghị một tuần lễ của những người giàu có và quyền lực nhất thế giới diễn ra tại resort Sun Valley. Sân bay Freidman Memorial vắng vẻ chỉ cỏ và cây chính là nơi tập kết những chiếc phi cơ cá nhân trị giá hàng triệu đô la, chở những tỷ phú và lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn lừng lẫy thế giới về công nghệ, kinh doanh và truyền thông đến dự “trại hè” huyền thoại.

Năm 2022, ngôi làng nhỏ này đã đón nhà đầu tư lừng danh Warren Buffett, tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập Microsoft Bill Gates, ông chủ Amazon, ông chủ thương hiệu Nike, Chủ tịch kiêm cựu CEO Disney; các CEO của Tập đoàn Samsung, hãng xe hơi GM, Uber, Netflix, Facebook; ông trùm truyền thông Michael Bloomberg…

Tại resort Sun Valley, xen lẫn những chuyến đi bộ đường dài, câu cá đánh golf… là những hội thảo về chính trị, văn hóa, kinh tế, biến đổi khí hậu, chính sách nhập cư, chăm sóc sức khỏe của những người có thể khuynh đảo thế giới. Tuy nhiên, thương hiệu của “trại hè tỷ phú” này là những thương vụ tỷ đô.

Đáng chú ý là thương vụ tỷ phú Elon Musk mua Twitter, hay Apple mua lại Netflix tăng sức mạnh cho Apple TV+. Trước đây, cũng tại trại hè này, ông chủ Amazon đã gặp chủ báo The Washington Post trước khi mua lại tờ báo này. Hay thương vụ Verizon mua lại Yahoo cũng được “bắt tay” ở đây.

Đó là câu chuyện của những ngày tháng 7. Còn Thung lũng Mặt trời những ngày tôi đến, vô cùng tĩnh lặng và bình yên.

Các tin khác