Đầu tư SX thiết bị chăn nuôi: Lực bất tòng tâm?

Để giành thị phần trong ngành công nghiệp chăn nuôi, những năm gần đây nhiều DN đầu tư mạnh tay vào các thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất. Song, nguồn thiết bị đa số được nhập từ nước ngoài vì năng lực của các công ty sản xuất thiết bị chăn nuôi trong nước không đáp ứng được nhu cầu này.

Để giành thị phần trong ngành công nghiệp chăn nuôi, những năm gần đây nhiều DN đầu tư mạnh tay vào các thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất. Song, nguồn thiết bị đa số được nhập từ nước ngoài vì năng lực của các công ty sản xuất thiết bị chăn nuôi trong nước không đáp ứng được nhu cầu này.

Thị trường tiền tỷ

Theo nhận định của ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành công nghiệp chăn nuôi nước ta đã có những bước phát triển vững chắc trong nhiều năm qua. Ở mảng này, các DN nước ngoài dù có tham gia vào thị trường cũng khó có thể cạnh tranh được với DN trong nước.

Theo thống kê sơ bộ, chỉ có khoảng 17% sản lượng thịt gia súc, gia cầm trên thị trường Việt Nam được cung cấp từ các DN chăn nuôi nước ngoài. Con số này cho thấy ngành chăn nuôi Việt Nam đang khẳng định được khả năng tự cung ứng tại thị trường trong nước.

Nhận thức được điều đó, nhiều DN chăn nuôi đã mạnh tay đầu tư phát triển chăn nuôi để nâng cao hiệu quả hoạt động. Song các ngành sản xuất thiết bị phụ trợ chăn nuôi trong nước lại chưa đáp ứng được nhu cầu này.

Do đó, muốn phát triển chăn nuôi theo hướng tự động, DN Việt phải cất công sang các nước để tìm mua dây chuyền công nghệ sản xuất phù hợp với nhu cầu. Theo các DN, dù số vốn đầu tư cho dây chuyền công nghệ lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng nếu muốn phát triển bền vững, DN phải chấp nhận.

Bà Nguyễn Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết để chiếm lĩnh khoảng 50% thị phần trứng gia cầm như hiện nay, công ty phải nhập dây chuyền thiết bị xử lý trứng tự động từ nước ngoài để hỗ trợ sản xuất. Dây chuyền xử lý trứng đầu tiên của Công ty Ba Huân được nhập từ Tập đoàn Moba của Hà Lan trị giá 30 tỷ đồng, dây chuyền xử lý hiện nay trị giá đến 100 tỷ đồng. Không chỉ các DN lớn mạnh tay đầu tư để đẩy mạnh sản xuất, gần đây các DN nhỏ và các trang trại chăn nuôi tư nhân cũng đang tiến hành nhập máy móc, thiết bị để phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Minh Thông, chủ DN tư nhân Minh Thông, cho biết trong tháng này DN sẽ hoàn tất việc nhập 2 dây chuyền công nghệ chăn nuôi theo quy trình tự động của Đức trị giá 9 tỷ đồng. Tương tự, Công ty TNHH chăn nuôi Nguyễn Thanh đã đầu tư 7 tỷ đồng để nhập dây chuyền vắt sữa bò tự động do Israel sản xuất.

Thiếu lực, thiếu hỗ trợ

Hiện nay, trong nước cũng có DN sản xuất thiết bị phục vụ chăn nuôi nhưng chỉ mới đáp ứng cho chăn nuôi thủ công, nhỏ lẻ còn các trang trại quy mô lớn chưa thể đáp ứng được.

Bà Nguyễn Linh Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị chăn nuôi Mai Khoa, cho biết hiện nay thiết bị chăn nuôi ở Việt Nam dù đã được các nhà sản xuất nâng cấp thành những sản phẩm tự động, nhưng nhìn chung vẫn chỉ mang tính riêng lẻ. Nếu áp dụng vào sản xuất khép kín khó có thể đáp ứng được.

Các sản phẩm phổ biến DN sản xuất được vẫn là máng ăn tự động, dụng cụ chăn nuôi, quạt thông gió, hệ thống chuồng trại khép kín, phòng lạnh theo kiểu bán tự động với giá thành rất thấp. Dù vậy, các dòng sản phẩm này cũng đang bị sản phẩm từ Trung Quốc, Pháp, Italia cạnh tranh gay gắt.

Tuy vẫn nhìn thấy tiềm năng của thị trường thiết bị chăn nuôi đang bị bỏ ngỏ, tiền tỷ chảy vào túi nhà sản xuất nước ngoài, nhưng trên thực tế các DN trong nước vẫn chưa đủ lực để mở rộng nghiên cứu phát triển dây chuyền sản xuất công nghệ cao.

Dù có rất nhiều chương trình hỗ trợ cho ngành chăn nuôi từ các cấp, các ngành nhưng hầu như vấn đề hỗ trợ vốn và công nghệ để phát triển lĩnh vực sản xuất thiết bị chăn nuôi ít khi nào được nhắc đến. Nếu muốn sản xuất được một dây chuyền công nghệ chăn nuôi khép kín, DN phải mời kỹ sư nước ngoài có kinh nghiệm, đồng thời phải đào tạo, xây dựng một đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề để phục vụ cho việc nghiên cứu và sản xuất sản phẩm.

Thị trường thiết bị chăn nuôi hiện đại, công nghệ cao lại đang bị các sản phẩm ngoại độc chiếm. Vì vậy, để mở rộng phát triển ngành thiết bị chăn nuôi trong nước, các DN không những cần đủ vốn và nhân lực để nghiên cứu và phát triển sản phẩm, mà còn phải chuẩn bị tư thế để đối đầu với các sản phẩm ngoại nhập.

Các tin khác