SMC lướt sóng hay nắm giữ?

Lâu nay, nhiều NĐT vẫn cho rằng CP ngành thép thích hợp cho lướt sóng hơn đầu tư dài hạn. Nhưng SMC (CTCP Đầu tư Thương mại SMC) có thể là một CP đi ngược với những quan điểm trên.

Lâu nay, nhiều NĐT vẫn cho rằng CP ngành thép thích hợp cho lướt sóng hơn đầu tư dài hạn. Nhưng SMC (CTCP Đầu tư Thương mại SMC) có thể là một CP đi ngược với những quan điểm trên.

Giải mã thách thức

SMC nắm giữ 17% thị phần tiêu thụ thép ở miền Nam và khoảng 5% thị phần cả nước, đóng vai trò là nhà phân phối cho các công ty sản xuất như thép Pomina hay thép miền Nam. Khách hàng của công ty là những công trình lớn, tiêu biểu như cao ốc Bitexco Financial Tower, Sunrise City, Cantavil, Vincom Tower, Everich II…

Đây là lợi thế của SMC, nên giảm thiểu được rủi ro nợ xấu và duy trì số dư các khoản phải thu ở mức hợp lý. SMC trực tiếp đàm phán với các nhà thầu lớn hiện nay như Kumho, Hyundai hay Coteccons nên có thể tiêu thụ được khối lượng lớn cùng một lúc. Do đó, mặc dù là công ty thương mại nhưng vòng quay hàng tồn kho của SMC tương đối nhanh, trung bình 30 ngày, nên giảm thiểu rủi ro giảm giá.

Hoạt động trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là thép đòi hỏi một lượng vốn lưu động lớn. Dù SMC đã xoay vòng tối đa hàng tồn kho cũng như duy trì các khoản phải thu ở mức hợp lý, nhưng cũng phải huy động vốn từ các khoản vay. Vì vậy, biến động lãi suất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công ty. Năm 2009 do được hưởng ưu đãi từ gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ nên chi phí lãi vay của SMC chỉ phát sinh ở mức 24 tỷ đồng.

Bước sang năm 2010, những khoản ưu đãi này không còn nên chi phí lãi vay đội lên thành 81 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có mối quan hệ tốt với các ngân hàng, SMC thường được hưởng mức lãi vay tương đối “dễ thở”, lãi suất vay ngắn hạn trong tháng 1-2011 là 16%, sang tháng 2 tăng nhẹ lên 16,5%/năm. Do vậy biến động lãi suất vẫn sẽ là một trong những thách thức lớn nhất trong việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2011.

Hiện nay tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của SMC xấp xỉ 3,5 lần. Trong tổng nợ của SMC, khoản mục vay ngắn hạn (45,6%) và phải trả người bán (38,6%) là chủ yếu. Điều này xuất phát từ đặc điểm của các công ty thương mại nói chung và SMC nói riêng, SMC phải bị kẹp vốn cho hàng tồn kho (41% tài sản ngắn hạn) và công nợ với khách hàng (43% tài sản ngắn hạn). Năm 2010, do giá thép có xu hướng tăng nên tồn kho thép của công ty cũng tăng lên về giá trị. SMC đã tích cực quản lý công nợ để cân đối dòng tiền.

Vì vậy, mặc dù khoản mục hàng tồn khi tăng 517 tỷ đồng so với năm 2009, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty chỉ giảm đi 165 tỷ đồng. Đây là một nỗ lực rất lớn của SMC trong bối cảnh nền kinh tế năm 2010 nhìn chung vẫn còn khó khăn.

Kịch bản 2011

Từ năm 2008 đến nay, năm nào thị trường thép cũng biến động mạnh, nhưng SMC lại có lợi nhuận ổn định nhất trong ngành, nên khả năng bị ảnh hưởng mạnh khi giá thép đảo chiều tương đối thấp. Lợi nhuận sau 2 tháng của công ty khoảng 14,4 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực vì trong 2 tháng đầu năm 2011, có 1 tháng là Tết Nguyên đán và hầu hết các công trình đều tạm ngưng thi công.

Thông thường, quý II và quý IV là mùa cao điểm xây dựng nên kỳ vọng lợi nhuận công ty sẽ tăng trưởng tốt trong 2 quý này. Ước tính tăng trưởng của SMC xấp xỉ tăng trưởng trung bình của ngành, tức 10-15% trong năm 2011. Lợi nhuận sau thuế của SMC có khả năng tăng nhẹ, đạt từ 90-100 tỷ đồng tùy diễn biến của thị trường.

Ước tính công ty sẽ tiêu thụ được khoảng 600.000 tấn trong năm nay, tăng khoảng 18-20% so với năm 2010 trong đó sẽ có khoảng 100.000 tấn xuất phát từ nhà máy mới.

Nhu cầu thép cán nóng và nguội của Việt Nam khoảng 4-5 triệu tấn/năm, chủ yếu đi vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp (các ngành đóng tàu, ô tô, máy móc, đồ hộp...) và xây dựng. Hầu hết đều yêu cầu công đoạn cắt, xả băng trước khi đưa vào sản xuất sản phẩm chính. Lợi thế của SMC là khả năng cắt, xả băng quy mô  lớn và chuyên biệt. Dự kiến nhà máy Coil Center 2 sẽ tập trung khai thác phân khúc sản phẩm thép cán nóng có độ dày lớn (3-14 ly) và bề rộng khoảng 2m, mặt hàng tiềm năng thị trường hiện đang hiếm nhà cung cấp nên sẽ có đầu ra khá tốt.   

Hiện nay giá thép thế giới đang ổn định và có xu hướng đi ngang. Đây cũng là tín hiệu tích cực đối với những doanh nghiệp kinh doanh thép vì giá thép không biến động nhiều, giúp các doanh nghiệp hoạch định tốt hơn các kế hoạch kinh doanh. Chiến lược của SMC là không đầu cơ thép, chỉ phân phối thuần túy.

Điều này giúp công ty hạn chế rủi ro khi giá thép quay đầu hoặc tiêu thụ chậm. Hiện tình hình vĩ mô trong nước chưa lạc quan, lạm phát tăng, lãi suất ở mức cao nên hạn chế phần nào nhu cầu xây dựng, qua đó gia tăng áp lực đối với các doanh nghiệp ngành thép. Tuy nhiên, theo dự đoán nhu cầu về thép trong nước vẫn tăng trưởng trong năm 2011, vì tâm lý người tiêu dùng vẫn là “an cư lạc nghiệp”.

Ngoài ra, quý II là mùa cao điểm xây dựng nên dự đoán nhu cầu sẽ không sụt giảm quá nhiều, chỉ không tăng mạnh như mọi năm.

Mục tiêu của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2011, nên những dự án đầu tư công sẽ phần nào bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, phần lớn doanh thu của SMC đến từ các dự án đầu tư của tư nhân. Do đó, dự đoán khối lượng tiêu thụ của SMC vẫn có sự tăng trưởng. Thực tế từ năm 2006 đến nay, sản lượng tiêu thụ của SMC luôn tăng, dù đã trải qua những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Ngoài ra, dự án Nhà máy Coil Center cũng sẽ đóng góp đáng kể vào doanh thu của công ty, vì phân khúc này chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh và còn rất nhiều tiềm năng. Đây là một hướng đi đúng đắn của công ty vì hoạt động này không “ngốn” quá nhiều vốn đầu tư, phù hợp với tiềm lực tài chính của SMC cũng như đáp ứng được nhu cầu khách hàng vì đánh vào đúng phân khúc thị trường cần. 

Các tin khác