VCSC: Masan sẽ xem xét niêm yết The CrownX

(ĐTTCO) - Lãnh đạo Masan cho biết chưa có kế hoạch niêm yết VinCommerce, nhưng sẽ xem xét niêm yết The CrownX - công ty mẹ của Masan Consumer Holdings và VinCommerce khi thích hợp.
Masan chưa có kế hoạch niêm yết công ty mẹ sở hữu trực tiếp chuỗi VinMart và VinMart+, nhưng sẽ xem xét niêm yết The CrownX khi đạt một số chỉ tiêu. Ảnh: Lê Hiếu.
Masan chưa có kế hoạch niêm yết công ty mẹ sở hữu trực tiếp chuỗi VinMart và VinMart+, nhưng sẽ xem xét niêm yết The CrownX khi đạt một số chỉ tiêu. Ảnh: Lê Hiếu.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa có báo cáo tường thuật buổi gặp mặt nhà đầu tư của Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN, trong đó nhấn mạnh định hướng và hoạt động kinh doanh của công ty con – The CrownX.

Ban lãnh đạo Masan cho biết vẫn giữ kế hoạch kinh doanh năm nay của toàn tập đoàn đã được đề ra tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, bao gồm doanh thu đạt 92.000 tỷ đồng, tăng 19-32% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế, sau lợi ích cổ đông thiểu số là 2.500-4.000 tỷ, tăng tương ứng 103-224%.

Chưa có kế hoạch niêm yết VinCommerce

Về hoạt động của công ty con mang nhiều kỳ vọng nhất hiện nay của Masan là The CrownX (sở hữu đa số vốn tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce), Masan cho biết chưa có kế hoạch niêm yết VinCommerce, tuy nhiên, tập đoàn sẽ xem xét niêm yết The CrownX sau khi các tích hợp kinh doanh giữa Masan Consumer Holdings, Masan MEATLife và VinCommerce được thực hiện thành công và đạt kỳ vọng của ban lãnh đạo.

Tập đoàn này cũng cho biết vẫn đang tiếp tục thực hiện các thương vụ tăng vốn cổ phần tiềm năng tại các công ty con để giảm đòn bẩy tài chính cho tập đoàn mẹ.

Mới nhất, Masan và nhóm các nhà đầu tư do Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia đứng đầu đã ký thỏa thuận phát hành cổ phần mới của The CrownX với tổng giá trị 400 triệu USD, đổi lấy 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.

Thông qua giao dịch này, The CrownX được định giá gần 7,3 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu sau phát hành. Tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX sau phát hành dự kiến là 80,2%.

Với hoạt động của Masan Consumer (MSC) - công ty con chính của Masan Consumer Holdings - ban lãnh đạo tập đoàn kỳ vọng có thể vượt mục tiêu doanh thu năm 2021 hiện tại là 27.500-30.500 tỷ đồng, tăng 16-31%, nhờ mức tăng trưởng một chữ số mảng gia vị, tăng hai chữ số mảng thực phẩm tiện lợi và đồ uống, thịt chế biến, sản phẩm chăm sóc gia đình/cá nhân.

Trong khi đó, biên lãi gộp năm 2021 của MSC có thể bị ảnh hưởng bởi giá hàng hóa tăng. Vì vậy, lãnh đạo tập đoàn cho rằng biên lãi gộp của công ty con này có thể giảm xuống dưới 42% năm nay, so với mức 42,5% năm 2020.

Tập trung vào VinMart, Vinmart+

Với VinCommerce, dù số lượng cửa hàng đã giảm nhẹ trong quý I do tiếp tục đóng các điểm hoạt động kém hiệu quả, lãnh đạo Masan vẫn duy trì mục tiêu mở 300-700 cửa hàng (sau khi trừ các cửa hàng đóng cửa) năm nay. Trong đó, cửa hàng mở mới chủ yếu là siêu thị mini.

Công ty con này đã mở khoảng 40 cửa hàng mới trong tháng 4 và đang trên đà mở tối thiểu 100 cửa hàng mới trong quý II.

Ngoài ra, VinCommerce đang triển khai thí điểm 62 cửa hàng siêu thị mini theo các mô hình khác nhau để tìm ra công thức phù hợp trước khi tăng tốc mở rộng. Theo Masan, các cửa hàng thử nghiệm này đang mang lại kết quả tốt hơn cửa hàng hiện hữu, bao gồm doanh thu/cửa hàng cao hơn 10% và doanh thu sản phẩm tươi sống/cửa hàng cao hơn 15%.

Masan cũng đặt mục tiêu các cửa hàng mới sẽ đạt mức hòa vốn EBITDA cửa hàng sau 6 tháng hoạt động và thu hồi hoàn toàn vốn đầu tư sau 2 năm.

Dựa trên tổng biên lợi nhuận thương mại đạt được năm 2020, mức doanh thu/m2 để một cửa hàng có thể hòa vốn vào khoảng 7 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu VinCommerce có thể nâng biên lợi nhuận này thêm 2,5-3 điểm % năm nay, con số này sẽ giảm xuống 6,6-6,7 triệu đồng.

Trong quý I, doanh thu trên mỗi m2 trung bình của VinMart+ là 6,6 triệu, trong khi VinMart đạt 5,7 triệu đồng.

Đáng chú ý, lãnh đạo Masan cũng cho biết VinCommerce đang làm việc với Techcombank về việc triển khai dịch vụ tài chính tại các cửa hàng. Công ty dự kiến bắt đầu thử nghiệm các dịch vụ này vào cuối năm nay và đặt mục tiêu hơn 50% cửa hàng VinMart+ sẽ cung cấp các dịch vụ này.

Với Masan MEATLife (MML), công ty có kế hoạch chế biến khoảng 450.000 con heo thịt năm nay, cao hơn 170.000 con so với năm trước và giữ biên EBITDA tương đương năm 2020.

Trong tương lai, việc phân phối các sản phẩm thịt mát của MML sẽ chủ yếu đi cùng với VinMart và VinMart+. Hiện các sản phẩm thịt của công ty đã có mặt tại gần 90% cửa hàng tiện lợi và siêu thị VinMart và dự kiến đạt 100% vào tháng 6 tới.

Riêng với Masan Hi-Tech Materials (MHT), Masan cho biết do các hạn chế của Việt Nam đối với xuất khẩu đồng, công ty đang thảo luận với một công ty nội địa để tiêu thụ lượng tồn kho đồng.

Theo giá trị sổ sách, MHT có lượng tồn kho đồng khoảng 24 triệu USD đến cuối quý I. Nếu tính theo giá đồng giao ngay, giá trị hàng tồn kho này vào khoảng 100 triệu USD. Do đó, nếu thành công, việc tiêu thụ đồng sẽ mang lại thu nhập và tiền mặt đáng kể cho công ty.

Với các kế hoạch kinh doanh kể trên, VCSC ước tính doanh thu toàn Tập đoàn Masan năm nay sẽ đạt khoảng 96.000 tỷ, tăng 24% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế, sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 2.300 tỷ, tăng 88%.

Các tin khác