TPHCM ghi nhận "điểm sáng” trong lĩnh vực xuất khẩu

(ĐTTCO) - Tại Diễn đàn xuất khẩu 2022 với chủ đề "Vận hội mới cho xuất khẩu - tận dụng thời cơ để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên" do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức ngày 8-12, ông Trần Phú Lữ, Phó giám đốc ITPC nhấn mạnh TPHCM ghi nhận nhiều "điểm sáng" trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 10-2022. 
TPHCM ghi nhận "điểm sáng” trong lĩnh vực xuất khẩu
Theo ông Lữ, TPHCM ghi nhận “điểm sáng” trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa trong 10 tháng đầu năm 2022, đặc biệt là xuất khẩu. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp TP (xuất qua cảng của TP bao gồm cả dầu thô)  trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt gần 36 triệu USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Các thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp TPHCM vẫn là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU.... 
Tuy nhiên các doanh nghiệp trên cả nước nói chung cũng như doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TPHCM nói riêng cũng đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những biến động của tình hình kinh tế thế giới. Dự báo những biến động, khó khăn này còn kéo dài qua năm 2023 và doanh nghiệp phải tìm cách xoay trở để thích nghi. 
Trước thực tế ấy các diễn giả tham gia diễn đàn lần này đã chia sẻ nhiều góc nhìn nhằm giúp các doanh nghiệp vươn lên, tìm kiếm vận hội mới cho xuất khẩu. Cụ thể, ông Đặng Thái Thiện, Phó phòng giám sát quản lý, Cục Hải quan TPHCM nhấn mạnh đến việc tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các đối tác nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. 
Ông Thiện đánh giá thời cơ từ các hiệp định này không kéo dài nên các doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng tận dụng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá. 
Ở góc nhìn của một chuyên gia kinh tế cũng là người gắn bó nhiều năm với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, ông Từ Minh Thiện, nguyên giám đốc ITPC nhấn mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp xuất khẩu thích ứng với những thay đổi của các điều kiện tình hình mới đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Cũng theo ông Thiện, để tái cấu trúc doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề như: Xây dựng chiến lược kinh doanh cho từng mặt hàng cụ thể, từng thị trường mục tiêu. Lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và qui mô của doanh nghiệp. Chú trọng tìm hiểu thị hiếu, xu hướng và đặc trưng thị trường thông qua các hội thảo quốc tế, các hội chợ - triển lãm quốc tế, các roadshow… Gia tăng sản phẩm trên các thị trường ngách, tiếp cận các thị trường mới. Ngoài các thị trường truyền thống; cần lưu ý các thị trường chưa được khai thác đúng mức như thị trường các nước thuộc khối Ả Rập, các nước Hồi giáo hoặc các dòng sản phẩm dành riêng cho các phân khúc khách hàng riêng biệt, các thị trường ngách…
Tại diễn đàn lần này nhiều diễn giả quốc tế có chung nhận định dù tình hình chung còn nhiều thách thức nhưng Việt Nam vẫn có tốc độ phục hồi kinh tế ấn tượng và là điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư quốc tế. 

Các tin khác