Thị trường thép kỳ vọng phục hồi từ Trung Quốc

(ĐTTCO) - Thị trường thép đang chịu nhiều áp lực từ các yếu tố hiện hữu (chính sách zero Covid của Trung Quốc) và cả những nỗi lo về rủi ro tiềm ẩn đối với tăng trưởng trong trung hạn, như nguy cơ suy thoái kinh tế bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.
Theo đó, giá thép trên thị trường thế giới vẫn chật vật tìm kiếm đà tăng, sau khi bắt đầu quá trình giảm từ quý III-2021 đến nay. Tính tới ngày 1-6, giá hợp đồng kỳ hạn tháng 6 của thép cuộn cán nóng và thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải (SHFE) lần lượt giao dịch quanh mức 4.817 NDT/tấn và 4.522 NDT/tấn. Mức giá này thấp hơn khoảng 11% so với đầu tháng 4 và thấp hơn khoảng 24% so với quý III năm ngoái. Cùng thời điểm, giá thép cuộn cán nóng tại Mỹ giao dịch trên sàn COMEX quanh mức 1.190 USD/tấn, giảm tới 39% so với mức đỉnh.

Bất ổn liên tiếp
Cuối quý III-2021, thị trường thép bắt đầu biết đến khả năng vỡ nợ của tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande và giá thép giảm kể từ đó. Điều này đến như sự tất yếu sau quá trình tăng trưởng liên tục, đặc biệt giá thép đã tăng mạnh kể từ mức đáy tháng 4-2020 (ảnh hưởng bởi đại dịch). Diễn biến ảm đạm của thị trường bất động sản tại Trung Quốc đã duy trì đà giảm của giá thép, cho tới khi chính phủ có những động thái chính sách hỗ trợ đối với tập đoàn Evergrande nói riêng và các công ty trong ngành xây dựng - bất động sản của nước này. Giá thép trên sàn Thượng Hải tạo đáy vào cuối tháng 11-2021 và dần phục hồi.
Thị trường thép kỳ vọng phục hồi từ Trung Quốc ảnh 1
Tuy nhiên, sau đó chính sách zero Covid đã làm đảo lộn kế hoạch hoạt động của các thành phần trong nền kinh tế Trung Quốc, khi chính quyền phong tỏa trên diện rộng diễn ra ở nhiều tỉnh thành lớn kể từ cuối tháng 3. Do đó, giá thép trên sàn Thượng Hải tiếp tục giảm. Trong cùng khoảng thời gian đó, giá thép tại Mỹ thậm chí giảm nhiều hơn, do tăng trưởng GDP quý I của nước này bất ngờ âm 1,4%.
Thị trường thép kỳ vọng phục hồi từ Trung Quốc ảnh 2
Theo báo của Hiệp hội Thép thế giới, Trung Quốc chiếm 53% sản lượng sản xuất thép và 56% nhu cầu tiêu thụ của thế giới. Số liệu cho thấy nền kinh tế nước này có vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng của ngành thép. Quốc gia lớn thứ 2 trong sản xuất và tiêu thụ thép là Ấn Độ, nhưng quy mô chỉ bằng 1 phần 10 so với Trung Quốc. Quy mô ngành thép của Nga chỉ chiếm 2-4% thị trường ngành, nên chiến tranh giữa Nga và Ukraine không làm ảnh hưởng nhiều tới nguồn cung thép thế giới. Trong khi đó, với nhu cầu tiêu thụ lên tới gần 1 tỷ tấn của Trung Quốc, chỉ cần nước này phong tỏa kéo dài, nhu cầu tiêu thụ có thể giảm tới 83,3 triệu tấn mỗi tháng, lớn hơn sản lượng cả năm của Nga.

Các yếu tố tác động 
Nhu cầu tiêu thụ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới xu hướng giá thép. Và Trung Quốc với quy mô ngành thép lớn hơn cả phần còn lại của thế giới, sự tăng trưởng kinh tế của nước này có sự tương quan thuận rất cao tới nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu, thể hiện qua hệ số tương quan đo được là 0,97. Chính vì vậy, khi các sự kiện bất ổn diễn ra tại Trung Quốc kể từ quý III-2021 đến nay, như vỡ nợ của Evergrande, chính sách zero Covid, đã làm dấy lên những lo ngại về sự sụt giảm GDP của kinh tế nước này và gây áp lực lên đà giảm của giá thép. 
Thị trường thép kỳ vọng phục hồi từ Trung Quốc ảnh 3
Vừa qua, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống còn 3,5%, thay vì 5,1% như dự báo trước đó. Đồng thời IIF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu xuống còn 2,2% từ mức dự báo tăng trưởng 4,6%. Như vậy, dựa vào mối tương quan này có thể ước tính, nhu cầu tiêu thụ thép thế giới năm 2022 vẫn tăng trưởng khoảng 1,6% so với năm trước, và vượt mốc 2 tỷ tấn. 
Trong khi đó, về phía nguồn cung sản xuất toàn cầu theo báo cáo của World Steel, lũy kế 4 tháng đầu năm nay chỉ sản xuất được 619.100 tấn, thấp hơn 7,1% so với tốc độ sản xuất của cùng kỳ năm ngoái. Do đó ước tính sản xuất năm nay có sự sụt giảm khoảng 2,4% so với năm 2021, tức chỉ đạt khoảng 1,9 tỷ tấn thép. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt cán cân cung - cầu khoảng 100.000 tấn thép, khi Trung Quốc chuẩn bị nới lỏng phong tỏa và quay trở lại hoạt động kinh tế bình thường.
Thị trường thép kỳ vọng phục hồi từ Trung Quốc ảnh 4
Ngoài ảnh hưởng bởi nhu cầu tiêu thụ, giá các loại nguyên liệu như quặng sắt, than cốc, thép phế liệu là những chi phí đầu vào quan trọng ảnh hưởng tới giá thành sản xuất thép. Đối với những nhà máy thép sử dụng công nghệ BOF, chi phí quặng sắt chiếm khoảng 36,3% giá vốn sản xuất, chi phí than cốc chiếm khoảng 33,3%, và thép phế liệu chiếm khoảng 12,4%. Còn đối với các nhà máy theo công nghệ EAF, chi phí thép phế liệu chiếm tới 82%. 
Về hiệu quả đối với chi phí theo báo cáo của VCBS, công nghệ BOF có chi phí thấp hơn khoảng 20% so với dùng công nghệ EAF. Giá than cốc tại Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đà tăng kể từ cuối năm 2021 đến nay, dự kiến đà tăng còn tiếp diễn hoặc ít nhất giá được neo cao trong thời gian dài, do Trung Quốc định hướng giảm khí thải CO2 theo cam kết quốc tế. Giá quặng sắt đầu tháng 6 vừa qua đã chạm mức 900 NDT/tấn lần đầu tiên trong gần 6 tuần, do Thượng Hải được dỡ bỏ phong tỏa. Với các chi phí đầu vào sản xuất tiếp tục neo ở mức cao, cán cân cung - cầu ước tính thiếu hụt, giá thép được kỳ vọng hồi phục khi nền kinh tế Trung Quốc quay trở lại hoạt động bình thường.  

Các tin khác