Thị trường cà phê vẫn lo ngại nguồn cung, giá sẽ tăng

(ĐTTCO) - Từ đầu tháng 2-2022, thị trường cà phê Arabica tiếp tục xu hướng tăng giá do lo ngại sản lượng thu hoạch mặt hàng này bị ảnh hưởng bởi thời tiết ở Brazil và Columbia. Bên cạnh đó, các nhận định cho thấy biến chủng mới Omicron không làm cho các quốc gia quay trở lại giải pháp “khóa cửa” như trước đây, nên kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng trưởng tốt, hỗ trợ giá đi lên trong bối cảnh sản lượng thu hẹp. 

Thị trường cà phê vẫn lo ngại nguồn cung, giá sẽ tăng
Tồn kho giảm do nhu cầu tăng
Trên sàn ICE Mỹ, giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 3-2022 đóng cửa ngày 8-2-2022 ở mức 248,95 cent/pound, tương ứng tăng 5,6% so với mức giá mở cửa 235,75 cent/pound vào đầu tháng 2-2022, và tăng 10,1% so với mức giá mở cửa đầu năm nay. Trong đi đó, giá cà phê Robusta cũng đã quay đầu đi lên kể từ đầu tháng 2-2022 nhờ động lực tăng giá của Arabica. Cụ thể, giá Robusta kỳ hạn tháng 3-2022 đóng cửa ngày 8-2-2022 ở mức 2.246 USD/tấn, tương ứng tăng 3,1% so với đầu tháng 2-2022.
Tồn kho của cả 2 loại cà phê ở các cảng lớn trên thế giới vẫn tiếp tục xu hướng giảm từ đầu mùa vụ 2021-2022 đến nay. Cụ thể, tính đến ngày 1-2-2022, tồn kho cà phê Arabica chỉ ở mức 1,2 triệu bao (bao 60 kg), tương ứng giảm gần 10% (0,13 triệu bao) so với tuần trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên trong vụ cà phê này tồn kho Arabica ở các cảng thấp hơn mức thấp nhất trong 5 năm (1,29 triệu bao).
Thị trường cà phê vẫn lo ngại nguồn cung, giá sẽ tăng ảnh 1
Thị trường cà phê vẫn lo ngại nguồn cung, giá sẽ tăng ảnh 2
Đối với Robusta, tính đến ngày 1-2-2022, tồn kho tại cảng đạt 93.800 tấn, giảm 1,27% (1.200 tấn) so với tuần trước đó. Tính đến tuần đầu tháng 2-2022, có 7 tuần liên tiếp tồn kho tại cảng của loại cà phê này duy trì ở mức thấp hơn mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Điều này trái với thường lệ khi khoảng thời gian sau nghỉ Tết thường là giai đoạn tồn kho tăng.
Yếu tố thời tiết
Chính phủ Brazil giữa tháng 1-2022 thông báo trên kênh Reuters, cho biết sản lượng cà phê của nước này năm 2022 dự kiến khoảng 55,74 triệu bao, thấp hơn so với mức kỳ vọng của đa số thương nhân trên thị trường. Trong khi đó, dự báo sản lượng của niên vụ sắp tới 2022-2023 hiện đang gặp khó khăn trong công tác khảo sát do các hạn chế bởi dịch bệnh Covid-19.
Ảnh hưởng bởi thời tiết La Nina trong năm 2021 cũng đang gây những ảnh hưởng lớn lên sản lượng cà phê Arabica của Colombia mùa vụ 2021-2022, nước sản xuất Arabica lớn thứ hai trên thế giới sau Brazil. Việc mưa nhiều trong lúc trái cà phê còn nhỏ đã gây ra hiện tượng rụng trái dẫn đến năng suất sụt giảm.
Thị trường cà phê vẫn lo ngại nguồn cung, giá sẽ tăng ảnh 3
Thị trường cà phê vẫn lo ngại nguồn cung, giá sẽ tăng ảnh 4
Cụ thể, theo dự báo từ Liên đoàn Người trồng cà phê Colombia (FNC), sản lượng Arabica của Colombia trong tháng 1 năm nay chỉ đạt 870.000 bao, giảm 20% so với mức 1,1 triệu tấn của tháng 1 năm ngoái và cũng thấp hơn 20% so với mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Tính từ đầu niên vụ (tháng 10/2021) đến nay, chỉ duy nhất tháng 12 là sản lượng cà phê vượt trên mức thấp nhất trong 5 năm. 
Do đó, tính đến hết tháng 1 năm nay, sản lượng Arabica dự kiến của quốc gia này chỉ đạt 4,4 triệu bao, thấp hơn tới 19% so với cùng kỳ niên vụ trước và thấp hơn 11,5% so với mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (niên vụ 2018-2019). Điều này gây bất ngờ với các thương nhân bởi trong báo cáo về cà phê của USDA tháng 12-2021, USDA lại dự báo sản lượng cà phê của nước này sẽ tăng 0,4 triệu bao (tương đương tăng 3%).
Dữ liệu cho biết, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 175.000 tấn trong tháng 1 năm nay (tương đương 2,9 triệu bao). Con số này cao hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu việc nước ta đã bắt đầu xuất khẩu mạnh cà phê trở lại sau nhiều tháng khó khăn trong việc vận chuyển do dịch bệnh và giá cước vận chuyển tăng cao. Kể từ khi dịch bệnh có dấu hiệu suy yếu tại TPHCM đến nay, nguồn cung Robusta từ Việt Nam được khơi thông đã gây áp lực lên giá cà phê Robusta trên sàn ICE ở châu Âu. Tính từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 1-2022, giá Robusta kỳ hạn tháng 3-2022 đã giảm khoảng 8,3% so với mức đỉnh 2.373 USD/tấn, mặc dù từ đầu tháng 2-2022 đến nay giá có xu hướng tăng trở lại theo sự tăng giá của Arabica.
Theo nhận định của giới chuyên gia tại các sàn giao dịch hàng hóa, giá cà phê Robusta sau lần thứ hai cố vượt vùng kháng cự 2.250 USD/tấn đã không thành công, có vẻ như lực mua đang rất cố gắng vượt vùng này nhưng lực bán tại vùng này cũng tạo thành mức cản rất vững chắc. Sau 2 lần không thể breakout và với lực bán phản ứng rất mạnh mẽ ở vùng 2.250 USD/tấn, có khả năng diễn biến tiếp theo giá Robusta đang hướng lại về vùng 2.160 USD/tấn, và vùng hỗ trợ gần nhất nên chú ý là 2.200-2.210 USD/tấn. Trong trường hợp giá vượt qua được mức cản 2.250 USD/tấn, mục tiêu tiếp theo có thể tăng lên vùng kháng cự mạnh là 2.365-2.375 USD/tấn.
Về phần cà phê Arabica, theo hướng kỹ thuật dài hạn, giá Arabica đã chạm vào biên trên của vùng kênh giá 244-245 cent/pound đến 2 lần nhưng chưa có khả năng phá vỡ được. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng cao giá Arabica sẽ hướng đến vùng biên dưới trong thời gian sắp tới, chúng ta sẽ chú ý đến các vùng hỗ trợ tiếp theo là 235 và 231 cent/pound. Trong trường hợp giá vượt qua vùng kháng cự 244-245 cent/pound, do không còn mức kháng cự nào phía trên, khuyến nghị không nên giao dịch. Bởi với tỷ lệ tồn kho hiện tại đang rất thấp, tình trạng cover short có thể diễn ra làm cho biến động giá rất lớn theo cả 2 chiều. 

Các tin khác