Sản lượng đậu nành 2022-2023 Cung tăng, cầu giảm

(ĐTTCO) - Diễn biến tăng giá mạnh mẽ và duy trì ở mức cao của thị trường đậu nành kể từ tháng 11-2021 đến nay đã kích thích sản lượng gieo trồng tăng mạnh đối với mặt hàng này. Trong báo cáo ban hành đầu tháng 6 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho thấy sản lượng dự báo gia tăng ấn tượng ở những quốc gia chủ chốt về nguồn cung đậu nành của thế giới như Brazil, Mỹ và Argentina trong mùa vụ 2022-2023. 

Sản lượng đậu nành 2022-2023 Cung tăng, cầu giảm
Điều này gây áp lực lên giá hợp đồng tương lai đậu nành trên sàn CBOT, dẫn tới xu hướng giảm giá gần đây. Tính đến ngày 22-6, hợp đồng kỳ hạn tháng 7 giao dịch quanh mức 1.665 cent/giạ, tương ứng giảm 6,7% so với mức đỉnh 1.784 cent/giạ thiết lập ngày 9-6. Bên cạnh yếu tố nguồn cung gia tăng, nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ cũng tác động đáng kể đến giá đậu nành, khi các tổ chức nghiên cứu lần lượt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022.

Tương quan cung-cầu
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng đậu nành thế giới mùa vụ 2022-2023 dự báo đạt 395,4 triệu tấn, tương ứng tăng 12,3% so với mùa vụ 2021-2022. Trong đó, sản lượng của Brazil dự báo đạt 149 triệu tấn, tăng tới 18,3% so với mùa vụ trước. Tiếp theo, sản lượng của Mỹ đạt 126,3 triệu tấn, tăng 4,6%, Argentina tăng 17,5% lên mức 51 triệu tấn, Paraguay tăng 138% từ mức 4,1 triệu tấn của vụ trước lên mức 10 triệu tấn trong vụ này. Châu Mỹ có sản lượng đậu nành chiếm tới hơn 86,6% toàn cầu và nguồn cung ở khu vực này tăng 14%. Đặc biệt khu vực Nam Mỹ có sự gia tăng tới 21% nhờ thời tiết thuận lợi hơn so với mùa vụ trước.
Sản lượng đậu nành 2022-2023 Cung tăng, cầu giảm ảnh 1
Nguyên nhân sản lượng ở khu vực châu Mỹ tăng mạnh do xu hướng giá đậu nành tăng liên tục từ mức đáy tháng 4 đến nay, đã kéo tăng mức biên lợi nhuận của nông dân trồng đậu nành. Tại những bang trồng đậu nành chủ chốt ở Mỹ, biên lợi nhuận tính trên mỗi giạ đã tăng gấp gần 4 lần từ đó đến nay. Bên cạnh đó, sự gia tăng trong chi phí phân bón và nguyên liệu gieo trồng đã thúc đẩy nông dân ở Mỹ chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô sang đậu nành, bởi loại cây này cần ít phân bón hơn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, với quy mô GDP của thế giới hiện tại, nhu cầu tiêu thụ đậu nành toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 ước tính khoảng 377,9 triệu tấn, tương ứng tăng 3,6% so với niên vụ trước. Trong đó, Trung Quốc được dự báo có nhu cầu tiêu thụ 115,6 triệu tấn, chiếm quy mô 31% toàn cầu. Tuy nhiên, quốc gia này chỉ sản xuất được khoảng 17,5 triệu tấn đậu nành, do đó nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc trong vụ này khoảng 99 triệu tấn, tăng khoảng 7,6% so với mùa vụ 2021-2022.
Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc chiếm tới hơn 59% thị trường giao thương thế giới. Do đó giá đậu nành đã có được xu hướng tăng liên tục từ tháng 4-2020 đến đầu tháng 6-2022, nhờ vào hoạt động kinh tế của quốc gia này tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch Covid.
Xu hướng giá thời gian tới
Nhu cầu nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc có sự tương quan cao với quy mô GDP của nền kinh tế. Tuy nhiên, với diễn biến kinh tế tại Trung Quốc trong quý II có sự gián đoạn nghiêm trọng do chính sách Zero Covid, đã khiến các tổ chức nghiên cứu bắt đầu các động thái hạ dự báo tăng trưởng GDP của nước này. Cụ thể, Viện Tài chính thế giới (IIF) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống còn 3,5% trong năm nay từ mức 5,1% trong dự báo trước đó. Tổ chức OECD cũng hạ dự báo kinh tế của Trung Quốc xuống còn 4,4% từ mức 5,1%. 
Sản lượng đậu nành 2022-2023 Cung tăng, cầu giảm ảnh 2
Bên cạnh sự gián đoán hiện tại về nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc do dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ của thế giới cũng có nguy cơ giảm mạnh từ các yếu tố quan trọng khác, như sức tiêu thụ của người tiêu dùng suy giảm đáng kể khi lạm phát tăng cao và kéo dài, động thái thắt chặt tiền tệ của hàng loạt ngân hàng trung ương lớn có thể tạo ra căng thẳng thanh khoản trên thị trường tài chính. Do đó, tăng trưởng kinh tế của các khu vực/quốc gia lớn khác cũng bị hạ dự báo. IIF hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ xuống còn 2,5%, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 2,2% từ mức 4,6% trước đó. Khu vực EU bị hạ mức tăng trưởng xuống còn 1% từ mức 3%, nguyên nhân do các gián đoạn gây ra bởi cuộc chiến Nga-Ukraine. Trong diễn biến mới nhất, tháng 6 Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống còn 1,7% từ mức 2,8% trong dự báo hồi tháng 3.
Sản lượng đậu nành 2022-2023 Cung tăng, cầu giảm ảnh 3
Các chuyên gia kinh tế cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ hiện tại đang định giá tương đối cao so với mức lợi nhuận tiềm năng của các công ty. Trong khi đó, bối cảnh kinh tế thế giới hiện đang chịu sức ép gọng kìm từ 2 phía: chi phí nguyên liệu tăng cao làm giảm lợi nhuận đối với các công ty sản xuất hàng hóa, nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu do lạm phát đã làm ảnh giảm doanh thu bán hàng của các công ty. Như vậy, nếu như thị trường chứng khoán Mỹ có sự điều chỉnh định giá, xu hướng giảm mạnh có thể xuất hiện bởi tâm lý. Và khi thị trường chứng khoán giảm giá, cộng hưởng với xu hướng giảm của thị trường trái phiếu USD hiện tại, dẫn tới giá trị đồng USD tăng cao. Quá trình này tạo nên sức ép với giá hàng hóa nguyên liệu nói chung và giá đậu nành nói riêng. 
Ngoài ra, ngay cả khi rủi ro suy thoái kinh tế không xuất hiện, bản thân thị trường đậu nành đang đối diện tình huống thặng dư 17,5 triệu tấn từ sản xuất so với nhu cầu tiêu thụ. Do đó, các yếu tố cơ bản cho thấy giá đậu nành nhiều khả năng sẽ tiếp tục suy yếu sau khi tạo đỉnh vào đầu tháng 6 vừa qua. 

Các tin khác