Nỗi lo doanh nghiệp buộc sa thải lao động

(ĐTTCO) - Những tưởng khi đại dịch Covid-19 qua đi, doanh nghiệp (DN) sẽ thoát khỏi khó khăn, người lao động tìm lại được công việc mưu sinh. Nhưng những ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu nối tiếp, lại một lần nữa nhấn DN vào biển khó khăn, đẩy hàng chục ngàn người lao động vào vòng xoáy mất việc làm. 
ILO dự báo 1,3 triệu lao động Việt Nam sẽ thất nghiệp năm 2022.
ILO dự báo 1,3 triệu lao động Việt Nam sẽ thất nghiệp năm 2022.
Đầu tháng 11, Công ty TNHH Tỷ Hùng, TPHCM (100% vốn Đài Loan - Trung Quốc) chuyên làm giày da xuất khẩu, thông báo chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 1-12 cho 1.200 lao động, do công ty thu hẹp quy mô. Theo thông báo của Tỷ Hùng, do ảnh hưởng kinh tế, các đối tác bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến công ty bị mất đơn hàng. Dù đã rất nỗ lực nhưng công ty không thể khôi phục hoạt động như kế hoạch, do đó phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng với lao động.
Cũng trong tháng 11, Công ty TNHH Việt Nam Sanho (100% vốn Hàn Quốc) chuyên gia công giày xuất khẩu, cho biết dự kiến chấm dứt hợp đồng với khoảng 1.500 lao động ở nhà máy đặt tại Củ Chi, TPHCM do thiếu đơn hàng.  
Với mảng dệt may, nhiều DN dệt may đang rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng. Minh chứng là đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, châu Âu giảm rõ rệt với 60% và 40%. Và dự báo quý I-2023 DN không có khách hàng mới, nên các công ty cạnh tranh đơn hàng khá gay gắt. Nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 40-50%, nên không ít DN phải cắt giảm lao động và quy mô sản xuất.
Làn sóng cho công nhân nghỉ việc do không có đơn hàng không chỉ diễn ra ở TPHCM, còn lan rộng ra một số tỉnh/thành khác. Như Công ty Sanho, không chỉ chi nhánh ở TPHCM cho công nhân nghỉ, mà tại An Giang công ty cũng có kế hoạch cho khoảng 5.300 công nhân thôi việc từ nay đến cuối năm.
Tại tỉnh Bình Dương, theo thống kê tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 28.000 lao động bị nghỉ việc không lương, 240.000 lao động bị giảm giờ làm. Hay tại Đà Nẵng, theo Ban Quản lý khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có 4.800 lao động tại các KCN mất việc, giảm giờ làm và giảm lương…
Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết đến nay có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống. Trong đó, ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày và một số DN điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…
Không chỉ DN trong nước, mà ngay cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bị tác động mạnh buộc phải cắt giảm lao động. Cụ thể, trong 441 DN bị ảnh hưởng, có đến 331 DN FDI (chiếm hơn 75%) với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố (chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam chiếm 68%). Trong đó có 562.400 lao động bị giảm giờ làm (chiếm 90%); 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng (chiếm 5,02%); 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ hưởng lương ngừng việc (chiếm 4,98%). Qủa thật đây là tình trạng bất khả kháng của DN. Bởi nếu có thể duy trì hoạt động không DN nào muốn để công nhân thôi việc, vì quá trình tuyển dụng và đào tạo sau này mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. 
Thực tế, không chỉ công nhân làm trong các DN sản xuất và xuất khẩu gặp khó khăn, mà người lao động thuộc nhiều DN dịch vụ cũng đang đứng trước nỗi lo mất việc. Ngành bất động sản (BĐS) là một thí dụ. Thị trường “đóng băng”, giao dịch không có dẫn tới tình trạng doanh thu của các DN môi giới sụt giảm, thậm chí chịu âm do chi phí phát sinh. Tại nhiều tập đoàn lớn số lượng nhân viên sale phải nghỉ việc lên tới 30-50%. 
Trong cuộc gặp giữa các DN với cơ quan chức năng mới đây, nhiều DN đề xuất cần đẩy nhanh tiến độ các thủ tục hoàn thuế, xem xét giảm tiền điện nước, mặt bằng, thuê đất… để giúp DN có thêm nguồn lực, nhanh chóng quay vòng vốn, có thêm ngân sách để giữ chân, chăm lo cho người lao động. 
Tết cận kề với những DN ngưng hoạt động đã đành, với những DN còn cầm chừng đây không chỉ đơn thuần là cái tết buồn, mà nhiều chủ DN thực sự đang sợ tết, sợ bài toán lương, thưởng cho người lao động.

Các tin khác