Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng

(ĐTTCO) - Việc 19 tỉnh/thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, trong đó nhiều địa phương yêu cầu doanh nghiệp (DN) thực hiện 3 tại chỗ mới được tiếp tục sản xuất kinh doanh đang khiến cộng đồng DN đứng trước thách thức về đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa. 

DN thực hiện 3 tại chỗ cho công nhân.
DN thực hiện 3 tại chỗ cho công nhân.
Thiếu nguyên liệu cho sản xuất
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cho biết năm ngoái khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều DN dệt may đứng trước khó khăn thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Để giảm khó khi phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, DN dệt may dần chuyển hướng mua nguyên phụ liệu trong nước.
Song chính vì mua một phần trong nước nên DN có phần chủ quan. Kho bãi chủ yếu dành cho nguyên phụ liệu nhập từ nước ngoài do lo sợ đứt gãy như năm ngoái, trong khi phụ liệu trong nước thông thường 7-10 ngày lại nhập kho nên không để quá nhiều.
Vì thế, khi thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện 3 tại chỗ với DN sản xuất, nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu hàng hóa đang hiện hữu. “Ngành may tại TP hiện chỉ có khoảng 10-15% DN có thể thực hiện 3 tại chỗ. Các DN còn lại do quá gấp, không đáp ứng đủ điều kiện nên lúng túng trong triển khai” - ông Việt chia sẻ. 
Cũng nói về vấn đề nguyên liệu cho sản xuất, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết ngành này đã được sự hỗ trợ rất tích cực của TPHCM cũng như các bộ ngành để tạo luồng xanh giải quyết ách tắc cho vận chuyển. Bên cạnh đó, 80% DN trong ngành nhờ đã có chuẩn bị trước nên cũng đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ và 1 cung đường 2 điểm đến của TPHCM. Song trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh việc thiếu nguyên liệu cho sản xuất cũng không thể tránh khỏi. 
Bà Chi cho biết trước đây có thể mạnh dạn tuyên bố những mặt hàng như nước mắm, mì ăn liền, thịt, trứng… các DN TP sẽ đảm bảo trong 3 tháng dù bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng nay đã bắt đầu khó khăn. Thậm chí, nếu có khách muốn mua 100 thùng mì làm từ thiện có thể phải chờ, chưa có ngay.
Lý do các nhà máy sản xuất mì vẫn chuẩn bị nguyên liệu chính trong 3 tháng nhưng một số nguyên liệu như hành lá, bột nêm không về kịp hoặc bên nhà cung ứng có F0 phải đóng cửa 14 ngày, sẽ không xuất hàng ra được. “Bao bì ghi bao nhiêu thành phần phải có đủ DN mới dám xuất hàng. Song trong tình hình Covid-19 hiện nay  hiệp  hội phải làm việc với Ban An toàn thực phẩm TP để tìm hướng giải quyết cho DN” - bà Chi chia sẻ. 
Tại buổi gặp và chia sẻ cùng các DN sáng 21-7, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA), cho biết hiện nhiều DN không đủ tiêu chuẩn thực hiện 3 tại chỗ để duy trì sản xuất, chủ yếu do thiếu mặt bằng để công nhân ăn ngủ tại chỗ. Những DN có đủ điều kiện thực hiện cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Ông Dũng cũng bày tỏ lo ngại khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa ngày càng cao do sự thiếu đồng bộ trong hệ sinh thái các chuỗi sản xuất, cũng như thiếu đồng bộ và nhất quán về các chính sách của các địa phương.
“Nguy cơ sau đại dịch thị trường trong nước của các DN có thể thu hẹp do các nước khác cạnh tranh lấy thị trường trong giai đoạn cách ly, phòng chống dịch. Vì thế các DN cần tăng cường đoàn kết, trách nhiệm, chia sẻ khó khăn để giữ vững chuỗi liên kết” - ông Dũng nhìn nhận. 

DN ngóng vaccine
Chia sẻ về việc thực hiện 3 tại chỗ của các DN, bà Lý Kim Chi cho rằng việc ổn định tâm lý cho cán bộ, công nhân viên hết sức quan trọng. Một trong những giải pháp để giúp người lao động an tâm sản xuất là được tiêm vaccine. Nhưng hiện nay với khối DN thông tin vẫn chưa rõ ràng, ngành nào, DN nào được tiêm  không ai nắm rõ, khiến tâm lý người lao động và chủ DN rất bất an.
Cũng nói về việc tiêm vaccine, trong lần chia sẻ với ĐTTC, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, cho biết trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh có những việc DN có thể chủ động ứng phó, nhưng có những việc nằm ngoài tầm tay của DN, cụ thể là tiếp cận vaccine. Dù DN muốn tự mua vaccine nhưng trong tình hình hiện nay chỉ có thể chờ. 
Thực tế, đã có một số DN của TP đã được tiếp cận vaccine nhưng con số còn rất ít. Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Chu Tiến Dũng cho biết HUBA đang nỗ lực kiến nghị với TP để các DN sớm được tiếp cận nguồn vaccine. Trong đợt 5 tiêm vaccine TP ưu tiên cho đối tượng trên 65 tuổi, có bệnh lý nền, người nghèo, người yếu thế, các tiểu thương, người kinh doanh lẻ cũng như DN sản xuất hàng thiết yếu (lương thực-thực phẩm).
Các DN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp sẽ được xem xét cho các đợt tiếp theo, khả năng vào tháng 8, 9 khi có nhiều vaccine hơn. Hiện TP đã quyết định thành lập Trung tâm Điều phối tiêm vaccine, các DN cần bình tĩnh chờ giải pháp thích hợp từ TP. 
Hiện HUBA đang nỗ lực cùng DN giải quyết một số khó khăn khi thực hiện 3 tại chỗ. Với việc tầm soát Covid-19 nhằm giúp DN giảm chi phí, HUBA đã ký hợp tác với Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM tiến hành xét nghiệm tại DN theo hợp đồng với giá 280.000 đồng/lần/người.
HUBA cũng cho biết trước đây TP đã ban hành 6 bộ tiêu chí phòng chống dịch cho các DN, nay kiến nghị TP sớm ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn DN tổ chức sản xuất theo 3 tại chỗ cho phù hợp; đồng thời tháo gỡ các khó khăn về lưu thông vận chuyển hàng hóa nguyên liệu, kho bãi, hỗ trợ phục hồi các chuỗi cung ứng trong nước, cung cấp nguồn vốn, chính sách giãn nợ thuế…
Theo khảo sát nhanh với 100 DN của HUBA, 5 tháng đầu năm 2021 các DN đang trên đà phục hồi, tăng trưởng thì gặp phải đợt dịch lần thứ 4, khiến họ đứng trước nhiều khó khăn. Theo đó 42% DN thiếu vốn kinh doanh, 54% khó khăn tiếp cận thị trường, 62% khó khăn do phải thực hiện các biện pháp chống dịch, 86% DN chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19 do phải cách ly, giãn cách xã hội…  
 Khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa ngày càng cao do sự thiếu đồng bộ trong hệ sinh thái các chuỗi sản xuất, cũng như thiếu đồng bộ và nhất quán về các chính sách của các địa phương. 
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA

Các tin khác