Nga xé bỏ thỏa thuận xuất khẩu, giá ngũ cốc ra sao?

(ĐTTCO) - Ukraine có vai trò quan trọng trong nguồn cung ngũ cốc và dầu thực vật, trong đó lúa mì và bắp là 2 mặt hàng quốc gia này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của thế giới. 
Kể từ khi thỏa thuận nối lại xuất khẩu ngũ cốc được ký kết trong tháng 7 do Liên hiệp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, đã có khoảng 120 chuyến tàu chở ngũ cốc rời Ukraine tính đến ngày 14-9. Nhưng động thái mới đây của Nga với phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin đe dọa hạn chế xuất khẩu của Ukraine sang các nước châu Âu, làm dấy lên mối lo ngại về tương lai của thỏa thuận này. Các cuộc tranh luận và đàm phán kéo dài do mâu thuẫn có thể làm cản trở đáng kể tốc độ cung ứng ngũ cốc cho thế giới.

Diễn biến giá và nguyên nhân gần đây
Giá bắp đã bắt đầu hồi phục tăng trở lại kể từ khi tạo đáy ngày 22-7, hợp đồng kỳ hạn tháng 12 trên sàn CBOT tính tới ngày 22-9 giao dịch quanh mức 687 cent/giạ, tương ứng tăng 22,3%. Trong khi đó, giá lúa mì trên sàn CBOT kỳ hạn tháng 12 giao dịch quanh mức 912 cent/giạ, tương ứng tăng 22,7% kể từ đáy. 
Nga xé bỏ thỏa thuận xuất khẩu, giá ngũ cốc ra sao? ảnh 1
Nguyên nhân tăng giá của bắp do các lo ngại về thời tiết La Nina được dự báo sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, sự hồi phục của giá lúa mì chủ yếu đến từ động thái định giá lại của các nhà giao dịch, sau khi giá lúa mì đã giảm liên tục kể từ 17-5 với mức giảm lên tới 42% chỉ trong vòng 2 tháng. Bên cạnh đó, sự kỳ vọng vào việc kinh tế Trung Quốc hoạt động bình thường trở lại trong quý III, cũng là yếu tố tích cực hỗ trợ giá ngũ cốc. Tuy quốc gia này vẫn còn các đợt phong tỏa để phòng chống dịch, nhưng mức độ nghiêm trọng ít hơn so với quý II.

Sự ảnh hưởng lớn đến từ Nga
Trong bài phát biểu gần đây về thỏa thuận xuất khẩu, Tổng thống Putin cho rằng các chuyến hàng ngũ cốc đã không được đưa đến những nơi cần đến, mà phần lớn đáng kể được đưa tới châu Âu. Phát biểu của ông Putin diễn ra trong bối cảnh Nga đang đẩy mạnh động viên người dân gia nhập quân đội với mức lương và chế độ hấp dẫn. Tổng thống Putin cho biết ông muốn sửa đổi nội dung của thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc này với nguyên nhân trên, đang làm dấy lên lo ngại về cuộc phong tỏa mới của Hải quân Nga ở Biển Đen. 
Nga xé bỏ thỏa thuận xuất khẩu, giá ngũ cốc ra sao? ảnh 2
Nếu thỏa thuận đổ vỡ, những mặt hàng như bắp và lúa mì sẽ có tác động đáng kể lên xu hướng giá cả. Đối với mặt hàng lúa mì, tỷ trọng nguồn cung xuất khẩu từ Ukraine chiếm khoảng 5,3% với 11 triệu tấn trong mùa vụ 2022-2023.
Nhưng sự ảnh hưởng của Nga không chỉ mang tính tác động một chiều là giảm nguồn cung lúa mì, bởi sản lượng sản xuất và xuất khẩu lúa mì của Nga lại đang tăng không ngừng để bù đắp vào yếu tố rủi ro trong nguồn cung của Ukraine. Lượng lúa mì xuất khẩu của Ukraine dự kiến giảm khoảng 7,8 triệu tấn so với mùa vụ trước, nhưng lượng xuất khẩu của Nga dự kiến tăng 9 triệu tấn. Nếu thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc đổ vỡ, con số xuất khẩu dự kiến 11 triệu tấn của Ukraine sẽ không thể đạt được, và giá lúa mì sẽ có cơ hội tăng mạnh. 
Nga xé bỏ thỏa thuận xuất khẩu, giá ngũ cốc ra sao? ảnh 3
Đối với mặt hàng bắp, Ukraine chiếm tỷ trọng 7% trong cơ cấu xuất khẩu thị trường thế giới với 13 triệu tấn. Nếu hoạt động xuất khẩu ngũ cốc tại Biển Đen bị gián đoạn, giá bắp thậm chí còn có khả năng tăng mạnh hơn lúa mì, do sự cộng hưởng thêm từ yếu tố thời tiết La Nina tại khu vực châu Mỹ. Hiện tại vẫn chưa rõ khả năng Nga có xé bỏ thỏa thuận này hay không, tuy nhiên thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào tháng 11 tới nếu không được gia hạn.

Ảnh hưởng của thời tiết và vĩ mô kinh tế
Báo cáo gần nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy sản lượng bắp của Mỹ dự kiến chỉ đạt 354,2 triệu tấn trong mùa vụ hiện tại, điều chỉnh giảm 3,8% so với con số dự báo 368,4 triệu tấn trong báo cáo hồi tháng 7. Sản lượng giảm của Mỹ là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc giảm sản lượng toàn cầu. Theo đó, dự kiến sản lượng bắp đạt 1.173 triệu tấn, giảm khoảng 7 triệu tấn so với dự báo trước đó 1.180 triệu tấn, và giảm khoảng 47 triệu tấn so với mùa vụ 2021-2022, tương ứng giảm 3,9%.
Bên cạnh yếu tố sản lượng và nguồn cung giảm hỗ trợ giá tăng, tác động từ phía nhu cầu cũng tạo áp lực giảm đối với giá ngũ cốc. Động thái tăng lãi suất với tốc độ nhanh gần đây của các NHTW Mỹ (Fed) và châu Âu (ECB), cho thấy sự quyết tâm đối với việc kiềm chế lạm phát tại Mỹ và châu Âu. Ngày 21-9, Fed tiếp tục tăng lãi suất cơ bản lên mức 3,25%, cao nhất kể từ khủng hoảng năm 2008. Fed cũng phát đi thông điệp sẽ tiếp tục tăng lãi suất hướng tới vùng mục tiêu 4-4,25%. 
Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ ngũ cốc dự kiến giảm so với mùa vụ trước. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu tiêu thụ lúa mì dự kiến chỉ đạt 791 triệu tấn, giảm 0,5% so với mùa vụ 2021-2022. Nhu cầu tiêu thụ bắp dự kiến đạt 1,18 tỷ tấn, giảm khoảng 1,7% so với mùa vụ trước. Tuy nhiên, yếu tố tác động giảm giá hiện không lớn bằng yếu tố hỗ trợ tăng giá do rủi ro đối với nguồn cung. Nhìn chung sản lượng hiện tại dự báo thiếu hụt đáng kể so với nhu cầu tiêu thụ, do đó xu hướng tăng giá là chủ đạo cho ngũ cốc trong thời gian tới. 

Các tin khác