Mở cửa trở lại nền kinh tế: Doanh nghiệp vừa mong ngóng vừa ngổn ngang nỗi lo

(ĐTTCO) - Hầu hết doanh nghiệp đều háo hức trước thông tin TPHCM và nhiều tỉnh phía Nam sẽ từng bước mở cửa lại nền kinh tế khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn. Song đa phần cũng không khỏi hồi hộp, lo lắng với một loạt khó khăn sắp đối diện.
Sau 3 tháng giãn cách, dừng hoạt động, câu chuyện quay lại thị trường với nhiều doanh nghiệp đang ngổn ngang.
Sau 3 tháng giãn cách, dừng hoạt động, câu chuyện quay lại thị trường với nhiều doanh nghiệp đang ngổn ngang.
Ngổn ngang lo thiếu lao động, thiếu vốn, mất khách hàng
TPHCM và nhiều tỉnh thành phía Nam đã trải qua suốt hơn 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã phải ngưng sản xuất kinh doanh, một số ít doanh nghiệp trong các lĩnh vực như xuất khẩu, lương thực thực phẩm nỗ lực sản xuất "3 tại chỗ", nhưng tất cả đang đuối sức. 
Trước bối cảnh ấy, thông tin TPHCM và nhiều tỉnh/thành phía Nam sẽ từng bước mở cửa lại nền kinh tế khi dịch được kiểm soát tốt hơn, đang như phao cứu sinh cho nhiều doanh nghiệp. Song, doanh nghiệp cũng đối diện không ít lo toan khi hoạt động trở lại sau giãn cách. 
Chia sẻ với ĐTTC, ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, cho biết có 3 vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm khi các tỉnh/thành tính chuyện mở cửa lại nền kinh tế: Thông tin, lao động và tài chính. 
Về thông tin, doanh nghiệp rất cần những thông tin chính xác để có thời gian chuẩn bị, lập kế hoạch cụ thể cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện nay mới chỉ có Long An có kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh theo 3 giai đoạn. Còn các tỉnh/thành khác vẫn chưa có thông tin cụ thể. 
Song, kế hoạch phục hồi của doanh nghiệp sẽ phải dựa vào việc người lao động đã được tiêm đủ vaccine. Trong khi đến thời điểm này, có không ít doanh nghiệp vẫn chưa thể hoàn tất mũi 1 cho công nhân của mình. Chưa kể sau khi chích vaccine thì vấn đề giấy tờ hành chính công nhận ra sao.
Theo ông Phương, khá nhiều người đã tiêm mũi 2 nhưng sổ sức khoẻ điện tử mới cập nhật mũi 1, thậm chí chưa cập nhật. Như vậy, cũng mới có "thẻ vàng" chứ chưa có "thẻ xanh" vaccine. 
"Doanh nghiệp còn lo việc mở cửa lại nền kinh tế đã an toàn chưa. Khi mở lại thì doanh nghiệp 'sống chung với dịch' ra sao, sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào", ông Phương chia sẻ. 
Lúc này, vấn đề lao động đang là mối băn khoăn hơn cả. Thời điểm dịch, nhiều lao động không trụ được đã phải vể quê. Muốn tái khởi động sản xuất thì doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm, thời gian cũng mất 2-3 tháng. Tuyển người phải sàng lọc, phải đảm bảo tiêm ngừa Covid-19 đủ theo quy định... Tất cả đều không đơn giản. 
Mở cửa đã an toàn chưa
Cũng theo chia sẻ của doanh nghiệp, khi mở cửa sản xuất trở lại, những ngành như ngành chế biến gỗ có thể có đơn hàng ngay, nhưng nguyên vật liệu đảm bảo lưu thông ổn định, đồng bộ chưa thì vẫn là dấu hỏi. Quan trọng hơn, doanh nghiệp phải có dòng tiền để đảm bảo nguyên vật liệu. Tài chính hậu giãn cách cũng là mối lo không nhỏ của doanh nghiệp. 
Mở cửa trở lại nền kinh tế: Doanh nghiệp vừa mong ngóng vừa ngổn ngang nỗi lo ảnh 1 Đuối sức với "3 tại chỗ", doanh nghiệp ngóng chờ một kế hoạch cụ thể, an toàn và dài hơi để yên tâm xây dựng chiến lược phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch hội dệt may thêu đan TPHCM, cho biết các doanh nghiệp đang mong ngóng mở cửa từng ngày. Theo ông Hồng, một số doanh nghiệp duy trì 3 tại chỗ đã đuối sức vì nhiều chi phí và nỗi lo. 
"Mở cửa giúp doanh nghiệp hoàn thành những đơn hàng đã ký nhưng chưa thể giao, là điều doanh nghiệp rất mong mỏi. Nhưng cũng cần mở cửa từng bước và tuân thủ quy trình nghiêm ngặt", ông Hồng chia sẻ. 
Trước câu hỏi liệu ngành dệt may có lo thiếu lao động sau khi hoạt động trở lại không, ông Hồng cho biết nếu mở từng bước, doanh nghiệp phục hồi từng phần thì trước mắt chưa lo thiếu lao động. Nhưng về lâu dài, khi đi vào sản xuất 100% thì khó nói. 
Song, điều ông Hồng cũng như không ít doanh nghiệp trong ngành may băn khoăn là đơn hàng. Với những đơn hàng chưa giao thì đẩy mạnh sản xuất để giao. Nhưng với đơn hàng mới là không đơn giản. Do giãn cách quá lâu, nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được với khách hàng, nên sẽ có không ít thách thức. 
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ chiều 7-9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết TP đã lập Tổ công tác xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau 15-9. Sau ngày 15-9, công sở, các hoạt động kinh tế, dịch vụ... muốn mở lại phải đáp ứng các điều kiện an toàn. Siêu thị, trung tâm thương mại cũng mở từ từ theo mức độ an toàn.
Người dân tham gia các hoạt động phải an toàn, địa điểm mở hoạt động dịch vụ phải an toàn, mà một trong những tiêu chí nền tảng là vaccine. Người dân tham gia các hoạt động sau này là đã tiêm vaccine. TP có đề xuất thẻ xanh Covid-19 và sẽ có tiêu chí cụ thể.

Vào sáng 7-9, chia sẻ tại cuộc họp của Tổ công tác tổ chức cung ứng và tiêm vaccine phòng Covid-19, chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vaccine đến 15-9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cũng cho rằng chính sách thẻ xanh vaccine cũng sẽ được sử dụng khi doanh nghiệp TPHCM trở lại sản xuất.

Tại chương trình livestream Dân hỏi - Thành phố trả lời số đặc biệt tối 6-9, trả lời vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp, người buôn bán nhỏ lẻ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, đây là vấn đề lớn, và có nhiều cái khó. Thứ nhất là vốn, nếu vay ngân hàng thì lãi suất thế nào. 

TPHCM đã có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay. Đồng thời đã có đối thoại thường xuyên giữa ngân hàng với hiệp hội doanh nghiệp, để biết khó khăn, lắng nghe đề xuất từ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó, ngân hàng có thể có quyết định khoanh nợ, giãn nợ, cho doanh nghiệp vay gói mới để có thể phục hồi, tiếp tục kinh doanh. 

TP còn có các chương trình hỗ trợ lãi suất, ví dụ như vay kích cầu và đang khởi động các quỹ, các chương trình để hỗ trợ khó khăn về nguồn vốn.

Điều khó khăn của doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất là lao động, những người đã về quê thì không quay trở lại được cho đến khi tình hình dịch được cải thiện. TP đang phối hợp với địa phương để giải quyết việc này, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho lao động, để có nguồn lao động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, thành phố sẽ có gói chính sách hỗ trợ chi phí mặt bằng, điện nước, dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp.

Các tin khác