Linh hoạt xoay chuyển, sống chung với dịch

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp và tương lai có thể quay lại bất cứ lúc nào, mỗi DN đang nỗ lực tìm cách thích nghi trong ngắn hạn, từ đó sống chung trong dài hạn với đại dịch. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Duy trì mảng online
Trang sức là mặt hàng được bán nhiều qua kênh truyền thống vì ưu tiên trải nghiệm của khách hàng. Đó cũng là lý do trước dịch Covid-19 mảng kinh doanh online của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chỉ chiếm thị phần khá nhỏ. Nhưng khi Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, người tiêu dùng ngại đến chỗ đông người, chuộng mua sắm online, PNJ đã nhanh chóng đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến.
Chia sẻ với ĐTTC, ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ, cho biết PNJ đã phải gấp rút thay đổi mô hình để bắt kịp xu thế. Kết quả quý I-2020 doanh số bán hàng từ kênh online đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Năm 2021, PNJ tiếp tục triển khai các hoạt động trực tuyến mang đến nhiều dịch vụ online tiện lợi cho khách hàng, như giảm giá cho đơn hàng online, giao hàng trong 4 giờ, đổi trả hàng trong 48 giờ… Nhờ vậy, công ty không bị động khi dịch quay trở lại lần thứ 4. 
Tương tự, thương hiệu thời trang Việt V-sixtyfour cũng nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh online, khi doanh số sụt giảm nghiêm trọng vào thời điểm dịch “ghé thăm” lần đầu hồi đầu năm 2020. Không chỉ bán online trên website và fanpage của mình, thương hiệu này còn đẩy mạnh bán trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee. Thời điểm đó ông Phan Văn Việt chủ thương hiệu này, cho biết để kích cầu tiêu dùng V-sixtyfour chọn cách giảm giá mạnh nhiều mặt hàng, đã giúp doanh số phục hồi. Vì thế, các hoạt động bán hàng online của V-sixtyfour được triển khai mạnh, duy trì liên tục. 
Online đã trở thành kênh bán hàng của rất nhiều mặt hàng, trong có đó có mặt hàng thiết yếu của các siêu thị. Trước dịch những hệ thống như Saigon Coop, AEON, Big C, Lotte chủ yếu đón khách đến mua sắm trực tiếp. Nhưng ngay trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên mua sắm online của các hệ thống này đã bùng nổ.
Hiện trong hơn 1 tháng TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, việc bán hàng trực tuyến của các hệ thống đã phát huy hết công suất. Không chỉ bán hàng trên web, trên app riêng các siêu thị còn kết nối với các sàn TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada… để thuận tiện hơn cho người tiêu dùng. 
Với sự tăng trưởng tốt trên các sàn TMĐT, online đang trở thành lựa chọn cho hiện tại và tương lai của nhiều DN trong bối cảnh bình thường mới. Thực tế, việc các DN chuyển lên và duy trì trạng thái online cũng do nhu cầu, hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi.
Theo thống kê, Việt Nam có hơn 40% người dùng mới trên internet chỉ xuất hiện kể từ sau đại dịch. Họ vẫn muốn duy trì thói quen này khi đại dịch qua đi. Ngoài ra có tới 83% người tiêu dùng sử dụng kênh online để nghiên cứu sản phẩm trước khi quyết định mua. 
Cuộc chuyển mình lên online không thể bỏ qua các nhà hàng. Từ cửa hàng đơn lẻ đến các chuỗi ẩm thực lớn đều chọn hình thức xuất hiện online trên các app giao đồ ăn. Đây được xem là tương lai của ngành ẩm thực.
Chia sẻ với ĐTTC, anh Hoàng Tùng, sáng lập viên Pizza Home, CEO của Bếp trên mây Cloud Cook, nhìn nhận xu hướng giao đồ ăn tại nhà không phải lúc nào cũng là trải nghiệm. Sẽ có những mô hình ẩm thực chuyên để trải nghiệm và có những hình thức ẩm thực chuyên về sự tiện lợi. 2 xu hướng này đều phát triển và rõ ràng khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, xu hướng tiện lợi, ship tận nhà tăng trưởng rất mạnh. 
Xét về tiềm năng, mức độ tăng trưởng của ngành giao đồ ăn tại Việt Nam 30%/năm và dung lượng thị trường đến năm 2023 dự kiến 350 triệu USD. Kể cả khi dịch bệnh giảm, nhu cầu gọi đồ ăn về nhà vẫn là xu hướng có sự tăng trưởng mạnh. 

Chấp nhận sống chung với dịch
Dễ thấy duy trì trạng thái kinh doanh online hay chuyển qua thương mại trực tuyến là phương thức kinh doanh phù hợp trong bối cảnh bình thường mới. Kênh online không chỉ được tận dụng bán hàng trong nước, còn được nhiều DN mở rộng để bán hàng ra thế giới. Tuy nhiên, không phải nhóm ngành và DN nào cũng có thể linh hoạt xoay chuyển nhanh như vậy.
Có những ngành khi dịch tới phải chấp nhận “ngủ đông” chờ dịch qua đi mới có thể trở dậy như ngành du lịch, đặc biệt là các DN lữ hành. Ngay từ đợt dịch đầu tiên ập tới, du lịch đã là một trong những ngành chịu tổn thất nặng nhất, và liên tiếp sau 4 đợt dịch nhiều DN đã không còn trụ lại với thị trường. Song với những người còn cháy lửa với nghề vẫn cố gắng bám trụ bằng mọi cách. Họ cũng từng mong ngóng những gói hỗ trợ của Chính phủ. Thế nhưng hy vọng nhiều thất vọng cũng nhiều khi hỗ trợ chờ mãi cũng chưa thấy đâu. 
Hình ảnh nhiều ông chủ công ty lữ hành trước đây bận rộn với kế hoạch tăng trưởng lượng khách mỗi năm, hay kế hoạch phát triển những điểm đến mới, những dịch vụ mới nay thảnh thơi đi dạy học hoặc bôn ba đi làm đủ nghề tay trái đã không còn xa lạ. Người bán khẩu trang, người bán thực phẩm, người mở quán cà phê…
Chủ DN đã vậy, nhân viên cũng không khá hơn. Hơn 1 năm nay nhiều nhân viên công ty du lịch xoay đủ nghề từ kinh doanh online, đi bán bảo hiểm đến chạy xe ôm công nghệ… để chờ ngày được quay lại với ngọn lửa nghề. 
Tất tả hơn 1 năm ngành du lịch đợt này cũng được đón nhận những thông tin tích cực. Theo Nghị quyết 68 của Chính phủ ban hành ngày 1-7, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề, bị ảnh hưởng dịch cũng được hỗ trợ 1 lần 3.710.000 đồng/người.
Với DN phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch, khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và DN trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Dù từ nghị quyết đến thực tế vẫn còn khoảng cách, nhưng trong lúc khó khăn này thông tin vui này là “liều doping” giúp DN và người lao động vững tin hơn. 
Chấp nhận sống chung với dịch, linh hoạt xoay chuyển để thích nghi với tình hình mới trước khi chờ nhận được hỗ trợ của Nhà nước là cách hầu hết DN đang thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Với nhiều DN, bình thường mới có nghĩa là tư duy mới, chấp nhận thực tại mới để thích nghi lâu dài, không còn hoảng hốt như những lần trước, dù với nhiều biến chủng, Covid-19 có thể quay lại bất cứ lúc nào ở bất cứ đâu. 
 Chấp nhận sống chung với dịch, linh hoạt xoay chuyển để thích nghi với tình hình mới, là cách hầu hết DN đang thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Các tin khác