Khẩn trương hỗ trợ người lao động bị mất việc làm khi Tết đã cận kề

(ĐTTCO)-Tết Nguyên đán cận kề, nhiều công nhân bị mất việc, giảm giờ làm, cuộc sống khó khăn bộn bề. Hơn lúc nào hết, người lao động rất cần sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể để họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Dệt may là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất của đợt cắt giảm lao động cuối năm.
Dệt may là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất của đợt cắt giảm lao động cuối năm.

Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, trong năm 2022, có 1.235 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất. Thống kê tại 44 tỉnh, thành phố, có khoảng 472.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giảm việc làm, mất việc. Đặc biệt, có hơn 30.270 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và 9.441 lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị ảnh hưởng. Trong đó nhiều nhất là công nhân các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử…

Cụ thể, tại TP.HCM, từ ngày 1/12, Công ty TNHH Tỷ Hùng thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 lao động; Công ty TNHH Việt Nam Samho hoạt động trong lĩnh vực da giày cũng dự kiến cắt giảm 1.400 lao động từ tháng này. Mới đây, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã thông báo cho 20.000 người thuộc khối sự nghiệp nghỉ việc luân phiên trong 3 tháng. Tại Đồng Nai, có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng trong 5 tháng vừa qua. Công ty TNHH Gỗ Lee Fu đã cắt giảm hơn 1.000 người; Công ty TNHH Timber tạm hoãn hợp đồng với 853 lao động…

Theo dự báo, trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023 sẽ có trên 271.000 lao động tại 667 doanh nghiệp bị giảm giờ làm; trên 15.000 lao động nằm trong kế hoạch cắt giảm của 88 doanh nghiệp. Cùng với đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đơn hàng tiếp tục bị cắt giảm đến quý 1/2023, thậm chí là quý 2/2023, nhiều lao động sẽ bị thiếu hay mất việc làm.

Tết Nguyên đán đang cận kề, những dự báo và con số thống kê mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra khiến nhiều người phải trăn trở, suy nghĩ. Để giúp người lao động vượt qua khó khăn trước mắt, rất cần có các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước để họ ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, công nhân mất việc, thất nghiệp, giảm giờ làm đang là vấn đề “nóng”, vấn đề này không mới nhưng đã và đang gây quan ngại rất lớn trong cộng đồng người lao động nhất là ở các khu công nghiệp, các tỉnh phía Nam. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công lao động do bị thu hẹp đơn hàng, nhất là trong các lĩnh vực da giày, dệt may và một số lĩnh vực khác. Điều này tạo ra áp lực về an sinh xã hội rất lớn cho cá nhân cũng như cộng đồng xã hội.

Bị mất việc cuối năm, cắt đứt nguồn hy vọng về tiền thưởng Tết của người lao động. Theo ông Phong, trong bối cảnh này, cần có giải pháp từ nhiều phía và trong từng trường hợp cụ thể.

Thứ nhất, ở góc độ doanh nghiệp, cần năng động hơn trong việc tìm kiếm các hợp đồng, đây là giải pháp quan trọng nhất để xử lý vấn đề thất nghiệp cuối năm. Tuy nhiên, điều này một mình doanh nghiệp không làm được mà các cơ quan chức năng, các cơ quan ngoại giao nên hỗ trợ giúp doanh nghiệp tìm kiếm các hợp đồng mới hoặc khai thông các ách tắc đang tồn tại.

Thứ 2, nếu có thể thì doanh nghiệp cố gắng bố trí lao động theo kế hoạch hài hòa hơn, giải quyết được vấn đề việc làm cũng như thu nhập, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng giãn thợ thất nghiệp hoàn toàn. Thứ 3, các cơ quan chức năng đặc biệt là bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, các sở, địa phương, công đoàn cần hợp tác nghiên cứu, liên kết, chủ động các kịch bản, bao gồm giải pháp hỗ trợ cho người lao động trực tiếp cũng như hỗ trợ tạo việc làm mới tái hòa nhập cộng đồng.

“Ngoài ra, nên liên hệ với các cơ quan khác, các doanh nghiệp ở các vùng miền khác có điều kiện thu hút lao động để phân phối lại, cơ cấu lại người lao động cho phù hợp. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần chủ động tự tìm kiếm việc làm cho mình hoặc nhờ vả các mối quan hệ để có cơ hội tìm kiếm việc làm hoặc thu nhập khác. Với truyền thống đùm bọc và trách nhiệm của cộng đồng, cơ quan chức năng, hy vọng vấn đề này sẽ cải thiện hơn trong thời gian tới”, ông Nguyễn Minh Phong cho hay. 

Trước tình trạng khó khăn của hàng trăm nghìn người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn trực thuộc chủ động nắm bắt đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động; nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động… để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là với lao động nữ đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ, lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động là người khuyết tật…

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho hay, khó khăn chung của toàn cầu bắt nguồn từ tình hình lạm phát, từ những vấn đề chính trị và tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến phần tích lũy. Khi đã hết phần tích lũy, doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm đơn hàng, điều này không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cả doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tổng Liên đoàn đã nắm bắt số lượng người lao động bị cắt giảm, phần lớn bị cắt giảm nhiều hơn là mất việc. Doanh nghiệp đang tìm cách duy trì, bố trí công việc để làm sao người lao động có đủ việc làm, bởi họ thấy rằng, qua những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì việc giữ chân người lao động là rất cần thiết.

“Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp công đoàn nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình đơn hàng của các đơn vị để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Cùng với đó, tham gia đối thoại với người sử dụng lao động để xây dựng các phương án lao động, ví dụ như dự báo về tình hình đơn hàng, dự báo về tình hình lao động có thể bị cắt giảm thời gian tới nhằm hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động để người lao động bớt khó khăn trong dịp Tết. Với doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động, công đoàn lao động sẽ hỗ trợ người lao động việc đảm bảo các quyền lợi theo quy định của pháp luật, ví dụ việc chi trả các chế độ thôi việc, mất việc làm theo đúng quy định của pháp luật hoặc theo các thỏa ước tập thể đã ký kết hoặc hướng dẫn người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm giảm bớt các khó khăn”, bà Hồ Thị Kim Ngân cho hay.

Tết Nguyên đán đang đến thật gần, người lao động rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt để "không ai bị bỏ lại phía sau". Năm 2023 được dự báo, tình hình kinh tế thế giới sẽ còn gặp rất khó khăn, nên doanh nghiệp, người lao động, các tổ chức công đoàn, cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp, đồng lòng chung sức để vượt qua khó khăn với những giải pháp thực tế và dài hơi hơn.

Các tin khác