Khác biệt để cạnh tranh, nhưng liệu có quá “nổ”?

(ĐTTCO) - Thời gian gần đây trên các mặt báo, các trang mạng xã hội tràn lan thông tin về heo ăn chuối của Hoàng Anh Gia Lai và heo ăn chay của BAF. Thu hút được nhiều sự chú ý có lẽ cũng là bước đầu thành công của 2 doanh nghiệp này. Thế nhưng dưới góc nhìn của người tiêu dùng, tôi tự hỏi 2 sản phẩm này có thực sự khác biệt hay đã quá “nổ”. 
Khác biệt để cạnh tranh, nhưng liệu có quá “nổ”?
Giữa tháng 9, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã chính thức ra mắt thương hiệu Bapi heo ăn chuối, đồng thời khai trương cửa hàng bán thịt BapiFood đầu tiên tại TPHCM. Ông chủ tập đoàn này cho biết đã mất ngủ vì vui mừng khi có công thức thức ăn từ chuối giúp heo mau lớn.
Theo như giới thiệu thì 1/3 số lượng chuối thải loại được lựa chọn, ủ cho tới chín dùng làm thức ăn cho heo nái. Số chuối còn lại được thái lát, sấy khô và nghiền thành bột. Từ đây, bột chuối và chuối chín chiếm 40% tổng thành phần thức ăn hàng ngày của đàn heo. 60% lượng thức ăn còn lại bao gồm bắp, đậu nành, vi chất và thảo dược.
Và HAGL cam kết heo ăn chuối đảm bảo 3 không: không thuốc kháng sinh, không thuốc tăng trọng, không đạm động vật. Dự kiến cuối năm 2022, HAGL sẽ mở khoảng 200 cửa hàng và tăng lên con số 1.000 vào năm 2023 (bao gồm cả mô hình nhượng quyền). 
Heo ăn chuối chưa hết nóng, thì cuối tháng 10 thị trường lại đón nhận thêm thông tin CTCP BAF Việt Nam ra mắt thương hiệu heo ăn chay với thương hiệu BaFMeat. Theo đó công ty sẽ phân phối thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt vào hệ thống SibaFood.
BAF cho biết heo ăn chay là đàn heo chỉ ăn thức ăn (cám) được làm 100% nguyên liệu từ thực vật và gốc đạm thực vật. Nguyên liệu này được sản xuất trong nhà máy cám BaF, chỉ cung cấp cho đàn heo nuôi nội bộ. BAF cũng đặt kế hoạch trong năm 2023 sẽ phát triển hệ thống SibaFood thêm 100 siêu thị và 1.000 điểm bán để phân phối heo ăn chay đến tay người tiêu dùng. 
Sự xuất hiện của heo ăn chay với những cụm từ được một số báo sử dụng như heo ăn chay đối đầu heo ăn chuối, khiến người tiêu dùng bắt đầu băn khoăn về nhiều vấn đề liên quan đến sản phẩm của 2 doanh nghiệp này. 
Nếu theo giới thiệu của HAGL và BAF, thì cả heo ăn chuối và heo ăn chay đều không sử dụng đạm động vật làm thức ăn cho heo, vậy 2 sản phẩm này không khác biệt khi cùng “ăn chay”, nhưng cách truyền thông theo kiểu “đối đầu” lại khiến người tiêu dùng rơi vào ma trận thông tin. Và bỗng chốc khiến người ta tin ngay rằng đây là sản phẩm ngon (dạng như người ta hay nói đến gà công nghiệp và gà đi bộ), còn sạch thì mới chỉ được chính các doanh nghiệp khẳng định. 
Thực ra đâu phải chỉ có 2 doanh nghiệp này có sản phẩm heo ăn chay hay không. Lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, 90% heo Việt Nam hiện nay đều “ăn chay”, vì giá đạm động vật hiện rất cao nên người nuôi phải dùng đạm thực vật.
Vậy heo “ăn chay” cũng đâu quá khác lạ mà 2 doanh nghiệp này cho mình “khác biệt”. Chưa hết, trong khi hiệp hội nói giá đạm động vật cao, thì phía Công ty BAF lại cho biết đạm động vật nhất là bột xương từ EU rất rẻ, và khẳng định “cám chay” trên thị trường không nhiều. 
Đến đây hẳn nhiều người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Vậy đâu mới thực sự là thông tin chính xác? Và liệu con heo “ăn chay” có ngon hơn, tốt hơn con heo “không ăn chay” hay không. Đó là chưa muốn nói thêm về câu chuyện của BAF, doanh nghiệp này cho biết sản phẩm heo ăn chay đã ra thị trường từ 2021, nhưng vì sao đến tận khi HAGL giới thiệu heo ăn chuối nhận được nhiều sự quan tâm thì BAF mới làm rầm rộ sản phẩm của mình. Đại diện BAF có trả lời nhưng dường như chưa thuyết phục. 
Có lẽ rằng việc sử dụng cách thức truyền thông “heo ăn chuối hay ăn chay” cũng chỉ là cách để 2 doanh nghiệp này thu hút nhiều sự chú ý của người tiêu dùng nhanh hơn, khi tham gia sâu vào thị trường thịt heo sạch 3F (Feed-Farm-Food) - mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khép kín từ chăn nuôi ở trang trại đến chế biến và tiêu thụ.
Trong bối cảnh thị trường thịt heo có thương hiệu ở Việt Nam mới chiếm khoảng 10% tổng lượng thịt heo tiêu thụ và đang duy trì mức tăng trưởng khoảng 10-15%/năm, đồng thời người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu cao với các sản phẩm sạch, thì đây thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia.
Thế nhưng, song hành với tiềm năng thì thách thức cạnh tranh cũng không nhỏ khi thị trường đã có những cái tên lớn như CP, CJ, Japha, Masan, Dobaco… với thị phần không hề nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoại và các doanh nghiệp này đều có độ phủ rất rộng ở hầu hết các siêu thị lớn tại Việt Nam. 
Nói thêm về khâu phân phối, nếu như các thương hiệu vừa nhắc đến hiện đang có độ phủ ở hầu hết các hệ thống siêu thị lớn, thì cả HAGL và BAF đều đang có những chiến lược phân phối thông qua các cửa hàng, siêu thị thuộc hệ sinh thái của mình. Và cũng chưa ai biết được họ có thể thực sự thực hiện việc mở hàng ngàn cửa hàng, siêu thị vào năm sau hay không. Bởi thị trường bán lẻ vốn cạnh tranh hết sức khốc liệt.
Thực tế đã từng có doanh nghiệp trong lĩnh vực này mở chuỗi cửa hàng bán thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt của mình, nhưng rồi số cửa hàng cứ dần thu hẹp vì không chịu nổi chi phí. Và rồi họ vẫn chọn hướng đi chính là phân phối thông qua hệ thống các siêu thị. 
Như vậy, nếu độ phủ không đủ rộng thì sản phẩm “heo ăn chuối hay ăn chay” có lẽ cũng chỉ hấp dẫn trên báo chí, truyền thông, chứ người tiêu dùng nếu không thực sự được thử qua thì hiệu ứng của sự khác biệt cũng nguội dần.
Người ta vẫn chỉ mua sắm ở những nơi quen thuộc như chợ truyền thống hoặc mua tại các chuỗi bán lẻ có sẵn xung quanh khu vực sinh sống của mình và gia đình. Và rồi dù ăn chuối, ăn chay thì cái được quan tâm vẫn là phải sạch và độ phủ rộng. 

Các tin khác