Intel, Coca-Cola thuê khách sạn, tiêm vaccine Covid-19, tặng tiền cho công nhân

(ĐTTCO) - Thuê khách sạn, tiêm vaccine... cho cả nghìn công nhân là cách mà các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam như Intel, Coca-Cola áp dụng để duy trì sản xuất khi dịch bùng phát.

Thành, giám đốc nhân sự một công ty sản xuất của Mỹ tại Bình Dương suốt một tháng qua tất bật lên phương án “3 tại chỗ” khi địa phương này có số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt. Với 1.000 công nhân, Thành lập tức mua 500 lều cá nhân với mục đích lắp đặt chỗ ngủ cho 50% nhân sự ở lại nơi sản xuất.

Tuy nhiên, phương án này không được phía tập đoàn mẹ phê duyệt vì cho rằng không đáp ứng tiêu chuẩn sinh hoạt chung, và khả năng lây nhiễm vẫn cao. Phía Mỹ khuyến nghị nên thuê chỗ ở bên ngoài cho công nhân theo phương thức “1 cung đường – 2 điểm đến” với kinh phí duy trì dự kiến đến cuối năm là 2 triệu USD.

Thuê khách sạn, tiêm vaccine cho công nhân

“Từ khi Bình Dương xảy ra nhiều ca nhiễm, nhu cầu thuê khách sạn của doanh nghiệp làm nơi ở cho nhân viên theo tiêu chí ‘1 cung đường, 2 điểm đến’ tăng rất cao. Với 1.000 công nhân, việc thuê khách sạn rất khó khăn, chưa kể tiêu chuẩn từ tập đoàn không chấp thuận cho nhân viên ở trong nhà nghỉ”, anh Thành cho biết.

Intel, Coca-Cola thuê khách sạn, tiêm vaccine Covid-19, tặng tiền cho công nhân ảnh 1 Nhà máy Intel Việt Nam tại Khu công nghệ cao TP.HCM đã tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 cho 70% lao động . Ảnh: Lê Quân.
Nhận thông báo từ 0h ngày 19/7 toàn tỉnh Bình Dương áp dụng Chỉ thị 16, anh Thành cấp tốc liên hệ các khách sạn trên địa bàn để hỏi thuê, kết hợp với cả mạng lưới của VN Trip nhằm thuê được bằng mọi giá.

Kết quả sau 2 ngày tìm kiếm, Thành chỉ thuê được chỗ ở cho gần 400 người gồm khách sạn và căn hộ dịch vụ, trong đó có cả một khách sạn 5 sao.

“Phía khách sạn buộc phải hợp đồng thuê tối thiểu 1 tháng, căn hộ dịch vụ 6 tháng, riêng 2 phòng khách sạn 5 sao có giá 1,5 triệu/đêm (chưa thuế phí). Chi phí dự toán cho duy trì hoạt động từ đây đến cuối năm sẽ rất cao. Những người không đi làm vẫn nhận đủ lương, còn gần 400 công nhân đi làm sẽ được tăng thêm 30% thu nhập, rồi tiền xét nghiệm Covid-19, ăn uống, xe đưa đón”, giám đốc nhân sự này nói.

Trao đổi với Zing về các biện pháp ứng phó với tình hình sản xuất trong điều kiện dịch bệnh, Công ty Coca-Cola Việt Nam và Công ty Intel Products Việt Nam cho biết đã áp dụng nhiều biện pháp cấp bách.

"Intel đã chủ động tăng cường đảm bảo an toàn cho nhân viên từ việc gần 70% lao động đã được tiêm ngừa vaccine mũi 1, xét nghiệm nhanh sàng lọc mỗi ngày, bố trí chỗ ở tập trung tại nhiều khách sạn trong thành phố và có xe đưa đón theo tuyến cố định, thực hiện 5K...", đại diện Intel nói và cho biết, các bộ phận có thể xử lý công việc từ xa được cung cấp các trang thiết bị cần thiết để thực hiện làm việc online.

Song song đó, công ty cũng thực hiện test nhanh định kỳ cho người lao động theo tần suất 3-7 ngày một lần.

Với Coca-Cola Việt Nam, ngay từ tháng 6, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, công ty đã có sáng kiến sắp xếp nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt, đảm bảo nguyên tắc 5K cho công nhân ở lại ngay trong nhà máy với tên gọi Camp@work.

Chính vì vậy, khi UBND TPHCM đề xuất phương án "3 tại chỗ" từ 0h ngày 15-7, Coca-Cola đã trong tư thế sẵn sàng và chủ động tuân thủ.

"Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và quy trình theo chuẩn toàn cầu từ tập đoàn, đồng thời thực hiện nguyên tắc hoạt động tại địa phương như chỉ đạo của Chính phủ là “chỉ được tổ chức sản xuất kinh doanh khi doanh nghiệp và người lao động thực sự an toàn”, đại diện hãng nước giải khát khẳng định.

Theo Nikkei Asia, CoCa-Cola Việt Nam đã trả thêm khoảng 10 USD/ngày cho những công nhân sống tại nhà máy và đã nhận được sự đồng thuận từ người lao động.

Để duy trì môi trường sinh hoạt cho hơn 100 nhân sự, doanh nghiệp đã lên một thời khóa biểu cụ thể để giữ gìn vệ sinh chung. Mỗi nhân viên có một lều riêng được trang bị những đồ dùng cơ bản và có dịch vụ giặt ủi miễn phí.

Sẵn sàng chạy đường dài

Trong 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của nhà máy Intel chiếm 65% của cả Khu công nghệ cao, chiếm 30% giá trị xuất khẩu của toàn TPHCM và khoảng 28% giá trị xuất khẩu hàng điện tử của cả nước, trừ linh kiện điện thoại di động.

"Khó khăn lớn là làm thế nào để tiếp tục duy trì sản xuất khi thiếu hụt lực lượng lao động cốt cán, có kinh nghiệm chưa thể quay lại làm việc", đại diện Công ty Intel Products Việt Nam

"Trước thực tế dịch bệnh còn tiếp tục phức tạp như hiện tại, chúng tôi nhận thấy khó khăn lớn là làm thế nào để duy trì sản xuất khi thiếu hụt lực lượng lao động cốt cán, có kinh nghiệm chưa thể quay lại làm việc, trong khi các chuyên gia cũng chưa thể tham gia hỗ trợ do tình hình Covid-19 tại các nước đang căng thẳng", đại diện Intel Việt Nam chia sẻ.

Công ty cho biết hiện tại số lượng lao động nằm trong các khu vực bị cách ly y tế, phong toả diện rộng gây trở ngại cho việc đi lại, hoạt động đưa đón công nhân viên.

Mô hình “1 cung đường 2 địa điểm” là giải pháp ngắn hạn mà Intel đang áp dụng để bố trí chỗ ở tại khách sạn cho hơn 1.400 nhân viên, chưa kể số lượng lao động thuộc các đối tác cũng hơn 1.300 người.

"Tuy nhiên, con số này vẫn chưa hoàn toàn ổn định và còn tùy thuộc vào sự quyết tâm, tinh thần tự nguyện của người lao động do họ phải hài hòa giữa trách nhiệm công việc và gia đình", đại diện Intel bình luận.

Intel, Coca-Cola thuê khách sạn, tiêm vaccine Covid-19, tặng tiền cho công nhân ảnh 2 Nhà máy sản xuất của Coca-Cola tại Việt Nam đang áp dụng nhiều biện pháp đảm bảo duy trì sản lượng và chuỗi cung ứng. Ảnh: Coca-Cola.
Chính vì vậy, công ty kiến nghị cần có những chính sách linh hoạt và ít tốn kém hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho phòng chống dịch, phân loại cho từng lĩnh vực, cụ thể như sản xuất sản phẩm công nghệ cao đang có vai trò thiết yếu đối với kinh tế toàn cầu trong đại dịch Covid-19, nên cần phải bảo đảm chuỗi cung ứng quan trọng này không bị tác động và đứt gãy.

Về phía Coca-Cola, công ty cho biết hướng tới mục tiêu vận hành chuỗi cung ứng và logistics linh hoạt để chủ động vượt qua những thử thách khó lường từ bên ngoài.

"Coca-Cola cũng chủ động lên kế hoạch cho các chiến lược quản lý tài chính và tăng trưởng một cách bền vững nhằm duy trì hoạt động sản xuất, bảo vệ việc làm và lợi ích của người lao động, duy trì nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước", đại diện công ty nói thêm.

Bảo vệ nhân viên và chuỗi cung ứng

Nhận định về tình hình sản xuất của các công ty nước ngoài tại Việt Nam hiện nay, ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) tại Hà Nội - cho rằng nhiều doanh nghiệp thành viên của AmCham đang gặp phải những thách thức, chủ yếu là trong việc đưa nhân sự đến nơi cần thiết.

Tình hình này đặc biệt khó khăn tại TPHCM và các tỉnh sản xuất phía Nam. Doanh nghiệp đang phải đưa ra nhiều phương án để đối phó với đợt bùng phát dịch và những hạn chế ở thời điểm hiện tại.

"Rất nhiều doanh nghiệp thiết yếu cần tiếp tục hoạt động ngay cả với những hạn chế hiện tại. Các doanh nghiệp đang cố gắng điều chỉnh nhanh nhất có thể nhưng điều đó không hề dễ dàng. Giải pháp tốt nhất là đẩy mạnh chương trình tiêm chủng để hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường", ông Adam Sitkoff nói.

Ông Adam Sitkoff cho biết hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài đang điều chỉnh chuỗi cung ứng để giảm thiểu sự gián đoạn từ đợt bùng phát mới nhất.

Họ đã bố trí chỗ ở, phương tiện di chuyển, thức ăn, khu tập thể dục và thậm chí nhà tắm tại nơi làm việc cho công nhân.

Các công ty cũng đang làm việc với cơ quan chức năng để xét nghiệm Covid-19, những phương pháp ngăn ngừa lây nhiễm và thủ tục giấy tờ phù hợp để lực lượng lao động có thể di chuyển đến nơi cần thiết.

"Các doanh nghiệp đang cố gắng điều chỉnh nhanh nhất có thể nhưng điều đó không hề dễ dàng", ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Amcham

Nhấn mạnh vai trò của lực lượng lao động, Giám đốc điều hành Amcham tại Hà Nội cho rằng ưu tiên hàng đầu của các công ty là giúp đảm bảo an toàn cho cho đội ngũ nhân viên với nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau.

"Amcham cũng đang thảo luận với các cơ quan chức năng về một số vấn đề liên quan đến Covid-19, bao gồm việc di chuyển, hoạt động kinh doanh, mua và tiếp cận vaccine, cũng như một số khuyến nghị nhằm giảm bớt quy định đối với những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ đến Việt Nam. Chúng tôi hiểu rằng cách tốt nhất để trở lại cuộc sống bình thường là dựa vào tiêm chủng", ông Adam Sitkoff nói.

Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM (Hepza), tính đến 21-7 đã nhận được 618 hồ sơ đăng ký vừa cách ly, vừa sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến” từ các doanh nghiệp.

Ngay sau đó, Hepza phối hợp với ngành y tế, Công an TP thực hiện kiểm tra 479 doanh nghiệp, xác định 411 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo hai phương án trên với tổng số 44.145 người lao động.

Các tin khác