Hàng Việt của doanh nghiệp ngoại!

(ĐTTCO) - Trong cao trào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương, tới Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, có thể nói thị trường Việt Nam cơ bản đã mở toang. 
Hàng Việt của doanh nghiệp ngoại!
Có Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu (XK) của Việt Nam vào các thị trường đối tác thành viên đều tăng. Và dù Mỹ  đã rút ra khỏi TPP, XK vào Mỹ vẫn sáng cửa, vẫn là thị trường XK số 1 của Việt Nam. Mới 2 năm thực thi FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam đã thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN.
Ngay sau khi Anh ra khỏi EU, có FTA Việt - Anh (UKVFTA), thương mại giữa 2 nước giữ nhịp tăng trưởng. Mới 5 tháng thực thi RCEP, XK gạo sang các thị trường RCEP sắp chạm mốc 1 tỷ USD, trong tổng số 1,35 tỷ USD của mặt hàng này.
Nhờ thị trường rộng mở, bước đầu có đơn hàng lớn, sớm, tác động đến một số dòng sản phẩm kim ngạch lớn, giá trị gia tăng cao, mở rộng tầm nhìn cho doanh nghiệp (DN), xử lý bài bản sản xuất, XK. Do ngày càng thành thạo, tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo các FTA tăng. Điện thoại, điện tử, quang học… tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc luôn nằm trong top 3 nước XK gạo, Việt Nam chứng tỏ là thành viên có trách nhiệm  với an ninh lương thực toàn cầu. 
Thực hiện các FTA đã tạo ra làn sóng mới thu hút vốn đầu nước ngoài (FDI) có chiều sâu và chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy cải cách hành chính, hỗ trợ tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế.
Những thành công trên đã minh chứng cùng với mở rộng quan hệ với các nền kinh tế, đẩy mạnh thực hiện và thực hiện có chọn lọc các FTA, đặc biệt các FTA thế hệ mới, là đúng đắn, kịp thời, thể hiện tinh thần độc lập, chủ động trong quá trình hội nhập. 
Thế nhưng, XK của Việt Nam thiên lệch về DN FDI, bởi khối này luôn tăng nhanh hơn, ngày càng lấn át bằng tỷ trọng áp đảo khối nội địa trong tổng kim ngạch XK cả nước. Tiếng là Việt Nam xuất siêu 6 năm liền (2016 -2021) và đang đứng trước triển vọng sẽ nối dài sang năm thứ 7 - năm 2022, song thực sự thặng dư là của khối FDI, còn khối DN Việt trượt dốc thâm hụt.
Cùng tiếng là Việt Nam có tiềm năng về nông thủy sản, nhưng so với thương trường thế giới nhóm hàng này chỉ như gánh hàng rong, lủng củng đủ loại phẩm cấp. Hàng công nghệ lại phụ thuộc lớn vào nguyên, vật liệu ngoại nhập khiến tiến độ sản xuất cũng phụ thuộc, nên số lượng, chất lượng, giao hàng bị động theo. Tựu chung là không kịp “tiêu hóa” các “đặc sản” FTA ưu đãi XK. 
Cơ hội do FTA được mở cửa còn tạo thuận lợi cho nhập khẩu (NK). Thế nhưng, tận dụng ưu đãi đối với hàng Việt Nam NK, các tập đoàn bán lẻ ngoại đua nhau vào mở siêu thị, cùng với dòng “hàng xách tay”, mùa nào thức ấy, thị hiếu nào cũng chiều. Hàng ngoại chưa bao giờ hội quân nhộn nhịp từ thị thành tới mọi miền quê như bây giờ.
Thí dụ, có FTA song phương và đa phương với Hàn Quốc, XK của Việt Nam tăng, song NK từ Hàn Quốc trội hơn nhiều. Với cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), thác lũ nhập siêu từ ASEAN vẫn ào ào, dòng chính là Thái Lan. Trong khi đó, với với RCEP, nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng vời vợi.   
Các đối tác FTA, kể cả các thị trường Việt Nam từng coi là dễ tính đều dịch chuyển sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… tức họ không chỉ yêu cầu về giá cả, chất lượng còn quan tâm đến quy trình sản xuất. Kèm theo ưu đãi về thuế, họ đặt ra những yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật, thậm chí có tiêu chuẩn riêng của DN. Trong khi Việt Nam chưa “đi tắt đón đầu” xu hướng này để “phát quang” đường cho XK, lại phải luôn đối phó với phòng vệ thương mại.
 Gần đây, bình quân 2 tuần Việt Nam phải ứng phó với 1 vụ phòng vệ thương mại. Chưa kể chuỗi khó khăn nội tại như logistics, các loại phí, thuế, cơ chế, thiếu liên kết… vẫn níu kéo sức cạnh tranh, đội giá thành hàng NK đầu vào sản xuất, nhất là nguyên liệu làm hàng XK. 
Việt Nam đã mở toang với thế giới song không hẳn ta bước vào đàng hoàng, thậm chí DN có thể ngợp trước nhiều cam kết. 

Các tin khác