Gỡ khó doanh nghiệp: Cần giảm thanh tra, kiểm soát không cần thiết

(ĐTTCO)-Những tháng cuối năm này, nhiều doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn do sụt giảm về đơn hàng, áp lực về chi phí đầu vào tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất… Điều này đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước.
Doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng những tháng cuối năm
Doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng những tháng cuối năm

So với thời điểm này năm ngoái, hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Giầy Alena Việt Nam làm không hết việc, do phải “tăng tốc” để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết trong năm. Nhiều công nhân được tăng cường làm thêm ca, kíp để đảm bảo thời gian giao hàng cho các đối tác. Tuy nhiên, vào thời điểm này, năm nay đơn hàng giảm hơn mọi năm, mặc dù những tháng qua, Ban điều hành công ty đã nỗ lực tìm kiếm thêm các đối tác, bạn hàng mới, song cũng gặp khó do nhu cầu tại nhiều quốc gia tại các thị trường Châu Âu, Mỹ… đang có xu hướng tiêu dùng giảm hơn so với trước.

“Tình trạng chung của tất cả doanh nghiệp cũng giống nhau, đơn hàng năm nay so với năm ngoái giảm hơn. Nếu thời điểm này năm ngoái - thời điểm cuối năm, chúng tôi tăng ca cho công nhân nhiều hơn, đơn hàng nhiều hơn, song năm nay thời điểm này đang rất trầm lắng, không có tăng ca kíp. Hiện lãnh đạo doanh nghiệp đang tìm mọi biện pháp để có thêm đơn hàng để cho công nhân sản xuất ổn định cuộc sống cho người công nhân”, bà Trịnh Thị Hợp, Quản đốc Công ty TNHH Giầy Alena Việt Nam cho biết. 

Theo thông tin từ Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu diễn ra ở tất cả doanh nghiệp của ngành. Bình quân lượng hàng giảm khoảng 30% so với đầu năm. Cụ thể như: kim ngạch xuất khẩu da giày tháng 9 chỉ còn 2 tỉ USD trong khi tháng 8 đạt 2,6 tỉ USD. Tình hình sụt giảm đơn hàng sang quý 4 của năm nay càng nặng hơn và có thể tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2023 tới.

Còn theo thông tin từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam và Tổng cục Hải quan, trong tháng 9 xuất khẩu của ngành dệt may đã giảm 1,28 tỷ USD so với tháng 8. Thậm chí, tại một số thị trường xuất khẩu lớn của ngành, dấu hiệu giảm đã xuất hiện từ tháng 8, như Mỹ giảm 3%, EU giảm 3,2% và đà suy giảm chưa dừng lại. Phản ánh từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, tại thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp may mới nhận kế hoạch sản xuất đến giữa tháng 10, đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35% đến 50% năng lực, hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá… Sự sụt giảm này nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công, thậm chí phải đóng cửa…

Ở lĩnh vực khác, lĩnh vực sản xuất các vật liệu xây dựng, bà Đinh Hoài Giang, Tổng Giám đốc công ty Secoin cho biết, do ảnh hưởng của xung đột chiến tranh, giá cả xăng dầu biến động quá lớn, tình hình lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới… khiến việc tiêu thụ hàng hoá của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. Từ tháng 8 đến nay, nhiều đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp đều bị dừng lại một cách đột ngột, thậm chí là đối với những bạn hàng đối tác làm ăn lâu năm cũng bị đình trệ.

“Với thị trường lâu năm mà chúng tôi xuất khẩu từ 1999 đến nay là thị trường Nhật, thì đến nay đột ngột dừng lại - khi tìm hiểu ra không phải là do chất lượng sản phẩm của chúng tôi, mà hoàn toàn tình hình lạm phát của nước Nhật. Cùng với đó, với những đơn đặt hàng khác đối với sản phẩm khác của chúng tôi đi Mỹ, đi Châu Âu đều bị giảm đi; thị trường trong nước cũng như vậy- Trước đây, chúng tôi cấp hàng không kịp cho dự án lớn, nhưng hiện nay nhiều dự án lấy hàng rất chậm”, bà Đinh Hoài Giang chia sẻ. 

Sau hơn hai năm chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức trong việc tìm kiếm các nguồn vốn. Ngoài việc đơn hàng và thị trường sụt giảm, khiến dòng tiền giảm mạnh ở nhiều ngành, lĩnh vực thì việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh là vấn đề nan giải hiện nay đối với các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch công ty May Hưng Yên cho biết, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ về vốn, nhưng chính sách lại quan trọng không kém: chính sách cần ra đời kịp thời để doanh nghiệp được thụ hưởng một cách tốt nhất và đem lại hiệu quả thiết thực nhất.

“Doanh nghiệp cần hỗ trợ về vốn, đề nghị có chính sách hỗ trợ; trong trường hợp người lao động nghỉ việc, hỗ trợ cho doanh nghiệp vay, hết room thì phải nới room để cho các ngân hàng có thể doanh nghiệp cho vay. Hiện chính sách, chế độ chưa kịp thời, chưa tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất”, ông Nguyễn Xuân Dương nêu ý kiến.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để khắc phục phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt để giảm sự bị động về tín hiệu thị trường, các bộ chuyên ngành cần cung cấp thường kỳ các thông tin cập nhật về biến động và xu hướng của các thị trường xuất/nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về cơ hội, thách thức để doanh nghiệp có kế hoạch thích ứng phù hợp. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh đối diện với khó khăn rất lớn về dòng tiền, Nhà nước cần xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT); các chính sách tín dụng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ....

Theo ông Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là rất cần thiết. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn hơn cho doanh nghiệp, giảm mọi chi phí, để phục hồi kinh tế…

“Phải giảm mạnh khâu kiểm tra, giám sát không cần thiết; kiểm tra, giám sát quá mức sẽ thành ra quấy nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và làm doanh nghiệp không còn thời gian, sức lực để phát triển. Về thủ tục hành chính, thể chế kinh tế phải được cải cách mạnh mẽ hơn nữa, để sát với kinh tế thị trường, phải làm cho thị trường thực sự là thị trường, phải là thị trường năng động. Cùng với đó, phải tạo môi trường thực sự cho doanh nghiệp tự do phát triển sản xuất kinh doanh, không bị kỳ thị, không bị đối xử phân biệt, đặc biệt là không gây khó dễ doanh nghiệp”, ông Lê Quốc Lý kiến nghị.

Rõ ràng, trong bối cảnh còn nhiều biến động như hiện nay, các doanh nghiệp cần có biện pháp thích ứng, đưa ra những kịch bản ứng phó; cũng như chiến lược để tự mình cứu mình. Về lâu dài, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh tự động hóa trong sản xuất để tiết giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh và tiếp tục trụ vững trên thương trường.

Các tin khác