EVN đòi cắt bớt 1,7 tỷ kWh điện gió và điện mặt trời vì dôi dư

(ĐTTCO)-Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thông tin, trong năm 2020, điện mặt trời đã bùng nổ ở Việt Nam và dự báo từ nay đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục bùng nổ điện gió. Vì vậy, nhiều nhà máy điện ở miền Trung và miền Nam đang phải tạm “đóng máy” vào buổi trưa khi sản lượng nguồn năng lượng tái tạo lên cao.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Chiều 4-5, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức cuộc trao đổi với các chuyên gia kinh tế và năng lượng của Việt Nam về tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh nguồn điện năng lượng tái tạo “bùng nổ”, gây khó khăn cho quá trình vận hành, truyền tải và điều tiết phụ tải.

Theo Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia Nguyễn Đức Ninh, hiện nay, năng lượng tái tạo đang có xu hướng tiếp tục bùng nổ ở nước ta. Dẫn số liệu năm 2019 có khoảng 5.000MW điện mặt trời nối lưới; đến năm 2020, tiếp tục có thêm gần 5.000MW điện mặt trời nối lưới và khoảng 7.000-8.000MW điện mặt trời áp mái. Ông Nguyễn Đức Ninh dự báo: “Từ nay đến cuối năm 2021, sẽ có thêm khoảng 4.000-5.000MW điện gió được đưa lên lưới”.

Trong khi đó, nhu cầu phụ tải năm nay dự báo vẫn thấp như năm ngoái do ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Trong năm 2020, tăng trưởng phụ tải chỉ có hơn 3%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Còn trong 4 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng phụ tải cũng chỉ có 5-7%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước”- ông Nguyễn Đức Ninh biết và thừa nhận thực tế này càng gây khó khăn cho hoạt động vận hành hệ thống điện lưới quốc gia trong năm 2021 nếu không kiểm soát, cắt giảm sản lượng năng lượng tái tạo. 

"Nhằm mục tiêu đáp ứng công suất lớn nhất cho hệ thống điện năng lượng tái tạo, hiện nay, trong giờ vận hành các buổi trưa, nhất là từ khoảng 10, 11 giờ đến 14, 15 giờ chiều, chúng tôi đang phải vận hành hệ thống bằng giải pháp dừng hầu như các nhà máy thủy điện tại khu vực miền Trung và miền Nam, nơi có nhiều dự án năng lượng tái tạo” – ông Ninh nói thêm với báo giới bên lề cuộc gặp gỡ.
 
Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thì việc đóng các nhà máy thủy điện không đơn giản vì phải tuân thủ các quy định trong 11 quy trình vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Trong đó có các quy định về công suất phát tối thiểu, lưu lượng nước xả tối thiểu để đảm bảo cấp đủ nước cho hạ du trong mùa khô… 

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho thủy điện, EVN có kế hoạch cắt giảm khoảng 1,7 tỷ kWh từ điện gió và điện mặt trời trong năm 2021. Riêng từ đầu năm đến nay, sản lượng điện năng lượng tái tạo phải cắt giảm là khoảng 450 triệu kWh, chiếm khoảng 7-9% sản lượng theo khả năng phát của năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện mặt trời). Ông Nguyễn Đức Ninh cho rằng, sự cắt giảm này là cần thiết. 

Các tin khác