Đón người lao động trở lại doanh nghiệp

(ĐTTCO)-Nhiều doanh nghiệp đã và đang bắt đầu đón người lao động quay trở lại làm việc khi TP.HCM cho mở cửa hoạt động sản xuất.
Giữ chân người lao động là vấn đề quan trọng để doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất
Giữ chân người lao động là vấn đề quan trọng để doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất

Cho xe về quê đón trực tiếp

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho hay ước tính số lao động của ngành dệt may tại TP.HCM đã về quê ngay từ đợt đầu TP thực hiện giãn cách đến nay khoảng 20%, tương đương gần 40.000 người.

Từ giữa tháng 9 khi TP.HCM bắt đầu kế hoạch mở cửa lại hoạt động, nhiều doanh nghiệp (DN) đã liên hệ các địa phương để đón người lao động (NLĐ) quay lại TP.

Với những đơn vị không đủ điều kiện để đón riêng thì hội hỗ trợ tổ chức xe, lo chi phí ăn uống trên đường cho nhiều công ty cùng lúc. Song song, hội và các công ty cũng lập danh sách NLĐ gửi đến Sở Công thương và UBND TP.HCM đề nghị được hỗ trợ tiêm vắc xin.

“Hội đã kiến nghị TP.HCM hỗ trợ thêm một số nơi ở cho công nhân trong thời gian cách ly khi đón về hoặc chờ tiêm vắc xin. Sau đó sẽ cho xét nghiệm và nếu thấy đủ điều kiện sẽ cho các công ty đăng ký đón về.

Mong rằng các địa phương cũng tạo điều kiện cho các xe đón công nhân được lưu thông bình thường, bởi hiện nay việc lưu thông vẫn còn rất khó khăn. Ví dụ có xe phải đi qua 6 tỉnh thành nhưng chỉ được phép thông chốt 2 điểm, 4 điểm khác vẫn bị chặn nên cả xe và công nhân bị kẹt giữa đường”, ông Việt nói.

“Số lao động bộc phát về quê gần đây chủ yếu là lao động tự do nên không được hỗ trợ tốt trong mấy tháng vừa qua, khiến họ quá khó khăn, từ đó không còn động lực và vẫn lo sợ nên họ quyết định rời TP.HCM. Còn với các DN dù khó khăn nhưng đều hỗ trợ, trả lương cho người lao động thì họ tin tưởng, an tâm vẫn ở lại và gắn bó với công ty”.

Ông Lê Hữu Nghĩa,
Giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thàn
h

Dù vậy, Hội Dệt may thêu đan nói chung và các DN nói riêng vẫn đang tìm nhiều cách để đưa NLĐ quay lại TP.HCM, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Mặt khác, theo ông Việt, các công ty cũng đang tổ chức sắp xếp lại quy trình sản xuất để phù hợp với quy định đảm bảo phòng chống dịch an toàn.

Nhất là với những công đoạn sản xuất thủ công, phải tuân thủ quy định giãn cách 2 m nên mặt bằng hiện tại chưa đủ. Vì vậy, việc đón NLĐ quay lại vẫn tiếp tục thực hiện từ nay đến đầu năm sau (qua Tết Nguyên đán 2022) và tùy theo tình hình cụ thể, nhu cầu của mỗi đơn vị.

Còn theo ông Cù Huy Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pou Yuen VN, công ty vẫn chưa tổ chức sản xuất trở lại sau hơn 3 tháng ngừng hoạt động. Pou Yuen trước đó có 56.700 lao động, hiện vẫn đang thống kê số lượng lao động đã về quê là bao nhiêu và sẽ lên kế hoạch chi tiết để phù hợp với phương án sản xuất trở lại.

Ông Nghiệp cho rằng có thể sẽ bị thiếu lao động nhưng hy vọng từ từ hồi phục dần. Trong tháng 7, công ty vẫn chi trả đủ lương cơ bản cho NLĐ; tháng 8 khi ngừng sản xuất vẫn trả 100% lương tối thiểu vùng và tháng 9 hỗ trợ 50% lương tối thiểu vùng.

Hỗ trợ, chăm lo đời sống người lao động

Dù đối mặt tình trạng thiếu lao động sau dịch nhưng nhiều chủ DN tin tưởng rằng khi công ty đã có chính sách chăm lo cho NLĐ tốt, nhất là trong giai đoạn khó khăn như đợt bùng phát dịch vừa qua, hầu hết NLĐ sẽ tiếp tục tin tưởng, gắn bó với công ty.

Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods), thở phào khi chia sẻ rằng may mắn không gặp khó khăn trong vấn đề huy động lực lượng công nhân quay trở lại sau dịch.

“Khi tôi thông báo cho mọi người là TP.HCM mở cửa rồi, DN chuẩn bị quay lại hoạt động, anh chị em ai cũng mừng rỡ. Họ vẫn ở lại đủ cùng công ty, chỉ có 2 - 3 người xin về quê. Quan trọng nhất là tạo cho NLĐ niềm tin, để họ thấy khi khó khăn mình không bỏ họ. Bây giờ, chỉ chờ hồ sơ được duyệt là Duy Anh Foods sẵn sàng hoạt động trở lại ngay như trước”, ông Toàn hào hứng chia sẻ.

Tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thành, cho hay 4 tháng qua khi ngừng hoạt động, công ty vẫn trả 50% lương cho NLĐ và mỗi tháng phát 1 túi quà thực phẩm thiết yếu cho từng người. Đồng thời, công ty lập đội phản ứng nhanh để hỗ trợ y tế, chăm sóc cho những người bị nhiễm Covid-19.

Đến nay, gần 1.000 NLĐ của công ty đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Vì vậy, ngoại trừ hơn 200 lao động của các dịch vụ chưa được phép mở cửa lại như khách sạn, spa... thì hơn 700 lao động của công ty đã quay lại sản xuất hầu như đầy đủ từ ngày 1.10.

Doanh nghiệp cần nhất là giữ chân lao động

Đó là thông điệp được nhiều chuyên gia, nhà quản lý nêu lên tại hội nghị “Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” do Bộ Công thương phối hợp Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 5.10.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho hay thiếu hụt nhân lực đang là lo ngại lớn nhất của các DN phía nam. “Nhiều DN đang ưu tiên bố trí bộ phận nhân sự để duy trì hoạt động, kêu gọi NLĐ trở lại làm việc dù rất khó khăn. Do đó, ứng phó với đứt gãy chuỗi cung ứng không chỉ là gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch mà cần các biện pháp trợ lực cho NLĐ, DN, giúp DN tồn tại, lấy lại đà tăng trưởng trước đây”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, mặc dù có những lo ngại về việc các đơn hàng bị chuyển đi trong thời gian giãn cách nhưng về cơ bản, hiện các thị trường xuất khẩu của VN không có biến động quá lớn. Sức mua của thị trường thế giới vẫn ổn định, thậm chí đây là thời điểm thị trường các nước đang tích cực nhập hàng để phục vụ mùa mua sắm cuối năm. Do vậy, các DN được trở lại sản xuất sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó, giúp DN có dòng tiền để trang trải các chi phí, chạy đua để hoàn thành các đơn hàng bị chậm muộn, giữ chân được khách hàng để có hợp đồng mới. “VN đã thiết lập được một vị trí tương đối trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với các mặt hàng như điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, đồ gỗ. Do vậy, các khách hàng lớn có thể tạm thời chuyển đơn hàng đi nước khác, nhưng họ sẽ không dễ rời bỏ VN”, ông Hải nhận định.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng hơn lúc nào hết, DN rất cần không gian, sự chủ động để quay lại sản xuất. “Hãy tin DN, hãy hỗ trợ họ về dịch tễ, y tế và các chính sách tài khóa”, ông Thành nói và gợi mở: “VN có thể nâng quy mô các gói hỗ trợ lớn hơn bởi dư địa chính sách còn, như trần nợ công còn thấp theo chuẩn mới; thu ngân sách đến tháng 9 vẫn tốt; lạm phát hiện thấp nên dư địa cung tiền còn. Ngoài ra, còn nguồn dự trữ ngoại tệ chưa động đến trong khi một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore đều dùng từ nguồn này không hề nhỏ, lên tới cả chục tỉ USD”.Chí Hiếu

Trước đó, do không thể thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” nên Duy Anh Foods phải tạm ngưng hoạt động suốt hơn 2 tháng qua. Không có doanh thu, lợi nhuận, đơn hàng nợ chồng chất, đứng trước nguy cơ bị mất mối, mất bạn hàng..., khó khăn bủa vây nhưng ban lãnh đạo công ty vẫn đặt mục tiêu quan trọng nhất là ổn định đời sống cho NLĐ trong giai đoạn giãn cách xã hội. Cụ thể, ngay từ những ngày đầu ngưng hoạt động, Duy Anh Foods đã tổ chức đợt hỗ trợ thực phẩm thiết yếu như rau, gạo, mì... và tiền mặt để đỡ đần công nhân phần nào. Khi đó, dự đoán giai đoạn giãn cách chỉ kéo dài khoảng 2 tuần, nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, DN tiếp tục ngưng hoạt động nên đã tổ chức thêm đợt hỗ trợ thứ hai cho NLĐ. Rồi cứ thế, đến nay, Duy Anh Foods đã tổ chức 5 đợt hỗ trợ cho lực lượng lao động. Cứ tùy theo thời gian giãn cách của TP mà công ty cân đối, hỗ trợ trong khả năng của mình. Cùng với đó, DN cố gắng đẩy nhanh tiêm vắc xin cho NLĐ. Đến nay, đã có hơn 100 công nhân của DN này đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, chỉ còn vài người chưa tiêm mũi thứ 2.

Các tin khác